Cơ chế trọng tài phúc thẩm tạm thời nhiều bên (MPIA)

27/06/2020    4189

Ngày 30 tháng 4 năm 2020, EU chính thức gửi thông báo chính thức tới WTO (tài liJOB/DSB/1/Add.12) liên quan đến “Thỏa thuận về cơ chế trọng tài phúc thẩm tạm thời nhiều bên” (Multi Party Interim Appeal Arbitration Arrangement - MPIA), đánh dấu việc cơ chế này chính thức được áp dụng tại WTO để giải quyết tranh chấp giữa các thành viên tham gia tại WTO. Trước tình hình Cơ quan phúc thẩm của WTO không thể hoạt động vào tháng 12 năm 2019 do thiếu thành viên, MPIA sẽ là phương án đảm bảo cho các thành viên tiếp tục sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp 2 cấp (giai đoạn Ban Hội thẩm và Phúc thẩm).

Tính đến thời điểm hiện tại, 19 thành viên WTO đã tham gia thỏa thuận này, gồm có: EU, Trung Quốc, Canada, Úc, Singapore, Hong Kong, Brazil, Chile, Colombia, Costa Rica, Guatemala, Iceland, Mexico, New Zealand, Na uy, Pakistan, Thụy Sỹ, Ukraine và Uruguay.

Việc xây dựng cơ chế trọng tài tạm thời này căn cứ theo Điều 25 Thỏa thuận về các Quy tắc và Thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp của WTO (DSU). Theo đó, DSU cho phép các thành viên lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài bên cạnh cơ chế xử lý của Cơ quan giải quyết tranh chấp WTO (DSB). Quy trình giải quyết tranh chấp bằng trọng tài cần được thống nhất trong một thỏa thuận chung giữa các thành viên sử dụng cơ chế này. Thỏa thuận về trọng tài phải được thông báo tới tất cả các thành viên WTO trước khi được áp dụng trên thực tế. Kết luận của trọng tài cũng phải tuân thủ quy định của Điều 21, 22 DSU (liên quan đến việc giám sát thực thi và bồi thường, trả đũa).

Thông báo chung của nhóm thành viên tham gia thỏa thuận cho biết “thỏa thuận mới này hướng đến việc bảo lưu các nguyên tắc cơ bản của cơ chế giải quyết tranh chấp tại WTO và tất cả thành viên WTO đều được tự do tham gia bất cứ lúc nào”. Cơ chế này được thiết kế theo hướng đảm bảo nguyên tắc được chú trọng trong pháp luật thương mại quốc tế là quyền được phúc thẩm trong giải quyết tranh chấp.

Một số nội dung chính của thỏa thuận sẽ được phân tích dưới đây.

1. Quan hệ của MPIA với cơ chế phúc thẩm của AB

MPIA không vận hành song song với thủ tục phúc thẩm của WTO mà chỉ được áp dụng tạm thời trong thời gian AB không thể hoạt động (MPIA sẽ không tồn tại khi AB hoạt động trở lại). Các thành viên tham gia MPIA sẽ sử dụng MPIA và không tiến hành thủ tục kháng cáo theo cơ chế AB khi AB được hoạt động trở lại (trừ các vụ việc tranh chấp đã lựa chọn áp dụng MPIA trước đó). Tính tạm thời của MPIA cũng thể hiện quyết tâm của các thành viên trong việc tiếp tục nỗ lực cải tổ, đưa AB hoạt động trở lại.

2. Thành viên trọng tài

- Mỗi thành viên MPIA sẽ đề cử 1 ứng viên để chọn ra nhóm 10 trọng tài (pool of arbitrators). Phụ lục 2 MPIA quy định chi tiết về việc lựa chọn này, bao gồm: thời hạn các thành viên đề cử ứng viên để từ đó lựa chọn ra nhóm 10 trọng tài phù hợp các tiêu chí; cách thức, thời hạn lựa chọn 10 trọng tài; việc thay đổi, thời hạn thay đổi nhóm 10 trọng tài; việc lựa chọn thành phần trọng tài xử lý vụ việc ….

- Một vụ việc kháng cáo sẽ có 3 trọng tài xử lý (được lựa chọn trong số nhóm 10 trọng tài). 3 trọng tài này sẽ được lựa chọn theo phương thức giống như việc lựa chọn thành viên của AB, bao gồm cả nguyên tắc luân phiên (rotation). Tổng Giám đốc WTO sẽ thông báo cho các bên liên quan về việc lựa chọn này. Các Thành viên MPIA cũng yêu cầu Tổng Giám đốc WTO đảm bảo sự hỗ trợ về mặt hành chính, pháp lý cần thiết để đảm bảo chất lượng và sự độc lập của trọng tài.

- Trong trường hợp cần 3 trọng tài để xử lý 1 vụ việc trong khi chưa hoàn thành được quy trình chọn nhóm 10 trọng tài, các bên của vụ việc tranh chấp sẽ thống nhất quy trình lựa chọn áp dụng cho vụ việc đó (nội dung này sẽ chấm dứt có hiệu lực sau 6 tháng kể từ ngày 27/3/2020 trừ khi tất cả các thành viên tham gia MPIA đồng ý gia hạn.)

3. Các vụ việc được áp dụng MPIA

- Các vụ việc tranh chấp được áp dụng MPIA là: (1) các vụ việc tranh chấp trong tương lai (bao gồm cả giai đoạn thực thi) giữa các thành viên đồng ý tham gia thỏa thuận MPIA; (2) các vụ việc đang diễn ra vào thời điểm ngày 27 tháng 3 năm 2020, với điều kiện báo cáo sơ bộ cuối kỳ của Ban hội thẩm (interim panel report) chưa được ban hành.

- Để áp dụng MPIA trong từng vụ việc, các Thành viên có tranh chấp cần: (1) nêu rõ ý định sử dụng cơ chế MPIA và thông báo về việc tham gia này với tất cả thành viên WTO trong vòng 60 ngày kể từ ngày thành lập Ban hội thẩm; (2) với các vụ việc đã thành lập Ban hội thẩm trước ngày 27 tháng 3 năm 2020 nhưng chưa ban hành báo cáo sơ bộ cuối kỳ, các bên tranh chấp cần thông báo về việc tham gia thoả thuận trọng tài trong vòng 30 ngày kể từ ngày 27 tháng 3 năm 2020.

- Theo thỏa thuận, MPIA chỉ áp dụng cho các thành viên WTO đăng ký tham gia. Tuy nhiên, các thành viên WTO khác cũng có thể tham gia MPIA bất cứ khi nào bằng cách thông báo lên DSB về việc tham gia. Ngày thành viên đó thông báo tham gia MPIA sẽ được tính là thời điểm mốc thay cho thời điểm ngày 27 tháng 3 năm 2020 nêu trên.

4. Thủ tục áp dụng MPIA

- Thủ tục áp dụng MPIA dựa trên các nội dung của cơ chế AB quy định tại Điều 17 DSU nhằm duy trì các đặc điểm chính của AB (bao gồm tính độc lập, khách quan), đồng thời tăng cường tính hiệu quả về mặt thủ tục của cơ chế kháng cáo cho tất cả các vụ việc tranh chấp trong các lĩnh vực liên quan được quy định tại WTO. Theo đó, quy định về thủ tục liên quan đến các vấn đề như: để sử dụng cơ chế MPIA, các bên phải yêu cầu tạm dừng quy trình giải quyết theo thủ tục Ban Hội thẩm; thời điểm thông báo kháng cáo; việc lựa chọn các trọng tài xử lý vụ việc; thời hạn trọng tài ra kết luận…

- Đối với từng vụ việc cụ thể, các bên trong tranh chấp có thể thoả thuận các thủ tục khác với thủ tục nêu trong phụ lục 1 của MPIA.

5. Thẩm quyền xử lý của MPIA 

Quy định về thẩm quyền của trọng tài tương tự với quy định của AB. Theo đó, các trọng tài sẽ xem xét lại các vấn đề về pháp luật và giải thích pháp luật trong báo cáo của Ban hội thẩm; bảo lưu, chỉnh sửa hoặc phản đối các phán quyết, kết luận của Ban hội thẩm. Trong trường hợp cần thiết, kết luận của trọng tài có thể bao gồm cả các khuyến nghị theo Điều 19 DSU (khuyến nghị các bên sửa đổi biện pháp để phù hợp với hiệp định liên quan). Các trọng tài chỉ xem xét các vấn đề mà các bên nêu và thực sự cần thiết để xử lý vụ việc tranh chấp. Những kết luận của Ban Hội thẩm mà không bị kháng cáo sẽ cấu thành là một bộ phận không tách rời của kết luận của trọng tài.

6. Rà soát và chấm dứt việc tham gia MPIA

             - Rà soát: các Thành viên tham gia sẽ rà soát MPIA sau 1 năm kể từ ngày 27 tháng 3 năm 2020.

            - Chấm dứt: bất kỳ Thành viên nào cũng có thể chấm dứt việc tham gia MPIA bằng cách thông báo tới DSB. Tuy nhiên, thành viên có ý định tiếp tục sử dụng MPIA cho các  vụ việc đang tiến hành (chưa có báo cáo sơ bộ cuối kỳ của Ban Hội thẩm) tại thời điểm thông báo chấm dứt tham gia MPIA thì vẫn có thể tiếp tục sử dụng MPIA. Ngoài ra, các vụ việc cụ thể đang áp dụng thoả thuận MPIA vẫn có hiệu lực.

            Bản gốc MPIA (xem tại đây)

            Bản dịch tham khảo phụ lục MPIA (xem tại đây)

Nguồn: Cục Phòng vệ Thương mại