Giới thiệu về cơ chế giải quyết tranh chấp trong WTO
27/10/2010 16685Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) chính thức ra đời kể từ ngày 1/1/1995 là kết quả của Vòng đàm phán Urugoay (1986-1995) với tiền thân là Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT 1947). WTO được coi như một thành công đặc biệt trong sự phát triển thương mại và pháp lý cuỗi thế kỷ XX với một hệ thống đồ sộ các hiệp định, thoả thuận, danh mục nhượng bộ thuế quan điều chỉnh các quyền và nghĩa vụ thương mại của các quốc gia thành viên.
Với các mục tiêu đầy tham vọng là thúc đẩy tiến trình tự do hoá thương mại trên toàn cầu, nâng cao mức sống của người dân các nước thành viên và giải quyết các bất đồng về lợi ích giữa các quốc gia trong khuôn khổ hệ thống thương mại đa biên, sự vận hành của WTO đã và sẽ có tác động to lớn đối với tương lai lâu dài của kinh tế thế giới cũng như kinh tế của từng quốc gia. Theo tính toán, có tới trên 95% hoạt động thương mại trên thế giới hiện nay được điều chỉnh bởi các Hiệp định của Tổ chức này.
Để đảm bảo việc thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các qui định trong Hiệp định, ngăn chặn các biện pháp thương mại vi phạm các Hiệp định, góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu to lớn của WTO, một cơ chế giải quyết các tranh chấp trong khuôn khổ tổ chức này đã được thiết lập. Cơ chế này là sự hiện thực hoá xu thế pháp lý hoá quá trình giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế ngày nay, dần dần thay thế các phương thức giải quyết tranh chấp mang tính chính trị, ngoại giao trong lĩnh vực này.
Việt Nam đã là thành viên của WTO nên có thể sử dụng cơ chế này cho các tranh chấp thương mại có thể có với các thành viên WTO khác. Cơ chế này sẽ là một cứu cánh quan trọng để bảo vệ các lợi ích thương mại của chúng ta trong quan hệ thương mại quốc tế. Hiện tại, việc xem xét cơ chế giải quyết tranh chấp này cùng với hệ thống án lệ đồ sộ của nó có ý nghĩa thực tiễn to lớn không chỉ trong việc hiểu chính xác các qui định của HĐTM mà còn góp phần bảo vệ các lợi ích chính đáng của Việt Nam trong quá trình thực thi HĐTM bởi HĐTM được xây dựng chủ yếu dựa trên các quy tắc thương mại quốc tế đang có hiệu lực trong WTO.
Cơ chế giải quyết tranh chấp trong WTO là sự kế thừa các qui định về giải quyết tranh chấp đã từng phát huy tác dụng tích cực gần 50 năm qua trong lịch sử GATT 1947. Rút kinh nghiệm từ những bất cập trong cơ chế cũ, một số cải tiến căn bản về thủ tục đã được đưa vào cơ chế mới, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao tính chất xét xử của thủ tục này cũng như tăng cường tính ràng buộc của các quyết định giải quyết tranh chấp.
Mục tiêu căn bản của cơ chế giải quyết tranh chấp trong WTO là nhằm “đạt được một giải pháp tích cực cho tranh chấp”, và ưu tiên những “giải pháp được các bên tranh chấp cùng chấp thuận và phù hợp với các Hiệp định liên quan” . Xét ở mức độ rộng hơn, cơ chế này nhằm cung cấp các thủ tục đa phương giải quyết tranh chấp thay thế cho các hành động đơn phương của các quốc gia thành viên vốn tồn tại nhiều nguy cơ bất công, gây trì trệ và xáo trộn sự vận hành chung của các qui tắc thương mại quốc tế.
Qua hơn một thập kỷ thực hiện, cơ chế giải quyết tranh chấp này đã tỏ rõ ưu thế của mình trong việc giải quyết có hiệu quả các tranh chấp giữa các quốc gia trong khuôn khổ WTO. Hiệu quả này đạt được chủ yếu dựa trên các qui định hết sức chặt chẽ về thủ tục được nêu tại các văn bản (nguồn) khác nhau, cơ chế thông qua quyết định mới (cơ chế đồng thuận phủ quyết), các cơ quan chuyên môn độc lập với các thời hạn cụ thể. Không phải ngẫu nhiên mà cơ chế giải quyết tranh chấp trong WTO được coi là một trong những thành công cơ bản của Vòng đàm phán Urugoay.