Báo cáo: Covid 19 và ngành nông nghiệp: Câu chuyện về khả năng phục hồi

28/08/2020    381

Ngày: Tháng 8/2020

Thực hiện bởi: Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)

Ban Thư ký WTO đã công bố thông tin mới: đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đối với thương mại nông nghiệp thế giới. Báo cáo chỉ ra rằng thương mại nông nghiệp đã tăng trưởng tốt hơn so với các lĩnh vực, ngành nghề khác và các biện pháp ban đầu tập trung vào việc đảm bảo nguồn thực phẩm sẵn có. Giai đoạn thứ hai của các chính sách là tìm cách phục hồi chuỗi cung ứng đứt gãy và giúp các nhà sản xuất ứng phó với tình hình.

Trong khi thương mại hàng hóa nói chung giảm mạnh trong nửa đầu năm 2020, xuất khẩu nông sản và thực phẩm tăng 2,5% trong quý đầu tiên của năm so với cùng kỳ năm 2019, và tiếp tục tăng trưởng trong tháng 3 và tháng 4. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng đã tạo thêm áp lực giảm giá lương thực, và do đó ảnh hưởng đến doanh thu của các nhà sản xuất.

Ngoài ra, trong khi dự trữ lương thực thế giới và mức sản xuất đối với các mặt hàng chủ lực được tiêu thụ nhiều nhất: gạo, lúa mì và ngô - đang ở mức hoặc gần mức cao nhất mọi thời đại, thì tác động của đại dịch COVID-19 lên việc làm và thu nhập đã làm tăng số lượng người đói nghèo trên toàn thế giới.

Báo cáo cảnh báo rằng các quốc gia vẫn sẽ phải tiếp tục chiến đấu với đại dịch và hậu quả của nó đối với chuỗi cung ứng thực phẩm ngày càng được bộc lộ rõ. Mặc dù hiện tại không có lý do gì khiến cuộc khủng hoảng sức khỏe đang diễn ra trở thành cuộc khủng hoảng lương thực, nhưng sự gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm sẽ tạo ra nguy cơ, với sự lựa chọn chính sách thương mại của chính phủ các nước có thể xác định tình hình diễn biến như thế nào.

Những điểm chính

  • Sự bùng phát COVID-19 và sự lây lan nhanh chóng của nó đã khiến chính phủ nhiều quốc gia và nhà sản xuất nông nghiệp sững sờ, đồng thời khiến các nước thành viên WTO phải đưa ra chính sách ứng phó ngay lập tức. Nhiều biện pháp ban đầu được cho là sẽ có tác động tiêu cực đến ngành nông nghiệp. Nhưng trên thực tế, nông nghiệp đã cho thấy khả năng phục hồi, với kết quả hoạt động thương mại tốt hơn các lĩnh vực, ngành nghề khác.
  • Các biện pháp ứng phó ban đầu nhằm giải quyết các mối quan tâm cấp bách nhất của các thành viên: ngăn chặn dịch bệnh để bảo vệ mạng sống và đảm bảo an ninh lương thực nước nhà. Ngoài việc cấm vận, các biện pháp ứng phó bao gồm các chính sách vừa tạo điều kiện thuận lợi vừa hạn chế thương mại nông nghiệp: các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) mới và cắt giảm thuế quan, cũng như hạn chế xuất khẩu. Cũng có một sự gia tăng trong dự trữ hàng hóa. Dòng chảy thương mại nông nghiệp đã thay đổi đáng kể, là do sự thay đổi đột ngột trong cách tiêu dung gây ra bởi các biện pháp ứng phó được đưa ra.
  • Các biện pháp ban đầu tập trung vào việc đảm bảo nguồn thực phẩm sẵn có. Giai đoạn thứ hai của các chính sách là tìm cách phục hồi chuỗi cung ứng đứt gãy và giúp các nhà sản xuất ứng phó với tình hình. Trong khi chính phủ các nước đã dần nới lỏng các biện pháp cấm vận, dỡ bỏ một số hạn chế xuất khẩu và đưa ra các biện pháp hỗ trợ sản xuất trong nước để hỗ trợ ngành nông nghiệp, đại dịch vẫn tiếp tục lan rộng ở các khu vực khác nhau trên thế giới và dự kiến sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nhu cầu và nguồn cung các sản phẩm nông nghiệp.
  • Thương mại nông nghiệp đã có sự phục hồi nhanh hơn so với thương mại nói chung. Điều này phản ánh sự thiết yếu của thực phẩm - cầu không co giãn theo thu nhập, và thực tế là hầu hết hoạt động mua bán các sản phẩm nông nghiệp (đặc biệt là ngũ cốc và hạt có dầu) được tiến hành với số lượng lớn các chuyến hàng biển và không bị ảnh hưởng bởi những sự gián đoạn nghiêm trọng. Trong khi tổng thể thương mại hàng hóa giảm mạnh trong nửa đầu năm 2020, xuất khẩu nông sản và thực phẩm tăng 2,5% trong quý đầu tiên của năm so với cùng kỳ năm 2019, với mức tăng 3,3% trong tháng 3, tiếp theo là tăng 0,6% trong tháng 4, mặc dù dữ liệu sơ bộ cho tháng 5 cho thấy mức giảm nhỏ (-1,3%) so với năm 2019.
  • Bức tranh tổng thể này che giấu một thực tế là nhu cầu đối với một số sản phẩm nông nghiệp (ví dụ như các sản phẩm nông nghiệp phi thực phẩm như da lông thú thô, len hoặc hoa) giảm đáng kể, trong khi tăng đối với các sản phẩm khác (ví dụ như thực phẩm chủ yếu, trái cây và rau quả chế biến), điều này phản ánh sự hoảng loạn mua ban đầu và tăng tiêu dùng tại nhà. Vào tháng 4 năm 2020, xuất khẩu cũng giảm đối với một số sản phẩm thực phẩm, đặc biệt là đối với các sản phẩm có giá trị cao hơn, chẳng hạn như sản phẩm tươi sống, sữa và thịt, các sản phẩm mà thường phụ thuộc nhiều hơn vào việc bán cho các nhà hàng, trường học và khu vực du lịch hơn là cho các hộ gia đình. Ngoài ra, các sản phẩm dễ hư hỏng có giá trị cao được vận chuyển bằng đường hàng không bị ảnh hưởng nặng nề hơn do sự giảm đột ngột trong vận tải hành khách đường hàng không, làm giảm năng lực vận tải hàng không và tăng chi phí.
  • Các tác động là khác nhau giữa các khu vực. Châu Á chứng kiến xuất khẩu nông sản của mình giảm vào tháng 3 năm 2020, tiếp theo là Châu Âu và Bắc Mỹ vào tháng 4. Nhưng một số khu vực đã chứng kiến xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2019, với mức tăng lớn nhất ở Nam Mỹ, do nhu cầu đối với các sản phẩm xuất khẩu của khu vực như đậu nành, đường và thịt.
  • Giá lương thực đã có xu hướng giảm vào đầu năm 2020. Cuộc khủng hoảng COVID-19 gây thêm áp lực giảm giá và do đó ảnh hướng đáng kể đến doanh thu của nhà sản xuất. Mặc dù tháng 6 đã chứng kiến mức tăng đầu tiên của giá lương thực thế giới kể từ đầu năm 2020, nhưng giá dự kiến sẽ vẫn ở mức thấp trong bối cảnh kinh tế suy thoái.
  • Trong khi dự trữ lương thực thế giới và mức sản xuất đối với các mặt hàng chủ lực được tiêu thụ nhiều nhất: gạo, lúa mì và ngô - đang ở mức hoặc gần mức cao nhất mọi thời đại, mà giá cả lại thấp hơn nên về cơ bản làm cho thực phẩm có giá cả phải chăng hơn, tuy nhiên tác động của đại dịch COVID-19 lên việc làm và thu nhập đã làm tăng số lượng người đói nghèo. Theo ước tính gần đây nhất của Chương trình Lương thực Thế giới, 270 triệu người có thể bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng vào cuối năm 2020, tăng 82% so với trước đại dịch. Sản xuất và dự trữ đủ lương thực sẽ là không đủ, không hiệu quả nếu nó không đến tay những người cần. Bằng cách đóng góp vào sự sẵn có và khả năng chi trả thực phẩm, thương mại vẫn là một phần giải pháp quan trọng đối với những lo ngại về an ninh lương thực của các quốc gia - đặc biệt là vào thời điểm mà thu nhập của người dân đang chịu áp lực lớn. Do đó, điều quan trọng là phải giữ cho các luồng thương mại thông thoáng và đảm bảo rằng các chuỗi cung ứng thực phẩm luôn hoạt động.

Báo báo (bằng Tiếng Anh) được đính kèm trong tệp dưới đây: