Môi trường pháp lý sau 2 năm hội nhập WTO

22/12/2009    433

Cao Bá Khoát – Công ty TNHH tư vấn doanh nghiệp K và cộng sự

Sau hai năm kể từ ngày Việt Nam chính thức gia nhập WTO (ngày 11 tháng 01 năm 2007), môi trường pháp lý của Việt Nam đã có những thay đổi trên nhiều lĩnh vực. Nhìn một cách tổng thể thì môi trường pháp lý Việt Nam ngày càng mở rộng về lĩnh vực xã hội được điều chỉnh. Song, theo yêu cầu thượng tôn pháp luật của WTO, môi trường pháp lý của Việt Nam còn có nhiều vấn đề phải bàn, trong đó, nổi cộm hơn cả là chúng ta vẫn chưa đủ các chế tài pháp lý và chất lượng xây dựng các văn bản luật còn quá thấp.

Thực trạng không bình thường

Nguyên trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ Nguyễn Đình Lương nói trên tuanvietnam.net rằng: "Còn lâu VN mới có được hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, thông thoáng, đúng luật chơi trong điều kiện toàn cầu hóa kinh tế, tự do hóa thương mại".

Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2009 khu vực Đông Á – Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB) xếp hạng Việt Nam đứng thứ 92 về mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh, giảm một bậc so với xếp hạng năm 2008. Nguyên nhân của việc tụt giảm này không thể loại trừ việc thiếu một môi trường pháp lý minh bạch.

Trước hết, chúng ta chưa có cơ chế để doanh nghiệp và người dân bảo vệ quyền của mình do quyết định sai lầm từ cơ quan hành chính nhà nước. Ví dụ, trong vụ sữa nhiễm melamine, Hanoimilk bị oan và đã được Bộ Y tế chính thức giải oan nhưng thiệt hại của họ thì không ai bồi thường, nông dân đổ sữa đi cũng không biết kêu ai. Giả sử doanh nghiệp có khởi kiện yêu cầu Bộ Y tế bồi thường thiệt hại và thắng kiện đi chăng nữa thì cũng khó có thể nhận được tiền bồi thường vì Luật bồi thường nhà nước chưa được ban hành. Đó mới chỉ là một vụ điển hình, trong thực tế còn hàng nghìn trường hợp, công chức, quan chức cứ vô tư quyết định sai và thiệt hại thì doanh nghiệp và nhân dân gánh chịu!

Pháp luật bảo vệ người tiêu dùng và chống độc quyền đã có nhưng chưa đi vào cuộc sống vì thiếu các quy định cụ thể để thực hiện quyền và bảo vệ quyền của người tiêu dùng.

Đặc biệt là các hình thức độc quyền gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng thực tế đang tồn tại. Khi người ta tăng giá xăng, giá cước vận tải thì lấy lý do thị trường thế giới tăng. Nhưng khi thị trường thế giới giảm thì người tiêu dùng kêu mãi, người ta mới giảm một cách nhỏ giọt. Nguyên nhân là do khi quyết định giá thì các doanh nghiệp ngồi lại với nhau và đưa ra một mức giá chung, người tiêu dùng không có lựa chọn nào khác. Hành vi móc túi này chưa có cơ chế để xử lý.

Nguyên nhân của việc tham nhũng suy cho cùng là do quy định pháp lý thiếu minh bạch về quy trình, thủ tục tạo "cửa" cho công chức hành chính nhũng nhiễu và buộc doanh nghiệp và người dân phải "chạy cửa sau". Để giành được dự án, nhà đầu tư tốn chi phí cho thủ tục pháp lý thì ít mà tốn chi phí "mềm" thì nhiều. Điều này vô tình cản trở sự thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ các nước phương Tây vì người phương Tây vốn quen với việc đầu tư minh bạch, khó có thể thích ứng được với cơ chế chi phí "mềm".

Việc cổ phần hoá bị chững lại. Không ít ý kiến cho là do thị trường chứng khoán đang suy thoái nên cổ phần hoá sẽ làm thất thoát tài sản nhà nước. Nhưng nguyên nhân chính là chưa có cơ chế kiểm soát sự dịch chuyển tài sản của nhà nước sang túi các nhóm lợi ích của doanh nghiệp được cổ phần hoá. Hiện nay, việc cổ phần hoá không có lợi cho lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước nên họ không mặn mà với việc cổ phần hoá.

Các ngành nghề kinh doanh mà người dân có thể tiến hành ngày càng bị bó hẹp do có những ngành nghề kinh doanh bị cấm mà không rõ lý do, ví dụ như nghề thám tử tư, lẽ ra chỉ cần quy định điều kiện kinh doanh nghề này. Quyền tự do thoả thuận của các chủ sở hữu trong Luật Doanh nghiệp chưa được đầy đủ. Lẽ ra Luật doanh nghiệp phải được xây dựng trên cơ sở bảo vệ lợi ích của Nhà nước, chủ nợ và bên thứ ba, còn lại quản trị nội bộ là do các chủ sở hữu tự thoả thuận. Cho đến nay, Nghị quyết 71/2006/NQ-QH11 đã cho phép các cổ đông, thành viên tự do thoả thuận về quyền biểu quyết một số vấn đề, kể cả vấn đề đó không phù hợp với Luật doanh nghiệp. Tuy nhiên Nghị quyết này vẫn chưa được hướng dẫn thi hành.

Không ít vụ việc đã "chìm xuồng" trong im lặng mặc cho nhân dân phản ứng, hoài nghi. Chẳng hạn, tại sao, sông Thị Vải bị bức tử mà thủ phạm của nó lại có quyền "coi thường pháp luật"? Tại sao vụ án động trời ở PMU18 vẫn chưa đến hồi kết? Tượng đài Chiến thắng Điện Biên tại thành phố Điện Biên vẫn hàng ngày "rỉ máu xanh" trước bàn dân thiên hạ?

Hơn nữa, các nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật, EU có những phản ứng mạnh mẽ đối với Việt Nam gần đây về các vấn đề tham nhũng, tôn giáo và nhân quyền cho thấy Việt Nam chưa có một môi trường pháp lý đảm bảo tiếng nói phản biện của người dân có tác động đến việc hoạch định chính sách của chính quyền.

Còn nhiều, nhiều lắm những biểu hiện đau lòng và không bình thường như vậy trong môi trường pháp lý của nước ta.

Cần làm gì?

Việt Nam cần phải làm gì để có thể cải thiện môi trường pháp lý sau khi hội nhập?

Thứ nhất, cần có ngay những quy định pháp luật nhằm bảo đảm sự minh bạch về sở hữu.

Một trong những nguyên tắc cơ bản của WTO là minh bạch pháp luật về thương mại. Muốn minh bạch pháp luật về thương mại thì trước hết cần phải minh bạch về sở hữu, nhất là quyền sở hữu của cá nhân, sở hữu nhà nước và sở hữu đất đai. Các quyền dân sự của công dân, nhất là quyền kinh doanh và quyền sở hữu tài sản là các quyền hiến định. Do đó, bảo đảm các quyền này phải là nghĩa vụ của nhà nước. Hiện nay, nhà nước đã có các quy định pháp lý về các quyền này nhưng chưa có được sự đảm bảo hoàn chỉnh. Cụ thể, để đảm bảo quyền thì phải xây dựng được ba cơ chế bao gồm: cơ chế xác lập quyền, cơ chế thực hiện quyền và cơ chế bảo vệ quyền. Hiện nay, ở Việt Nam, về mặt nguyên tắc thì công dân có quyền nhưng chưa có các cơ chế đảm bảo là chưa có hoặc thiếu, nhất là cơ chế bảo vệ quyền. Cần phải xây dựng các cơ chế đảm bảo quyền dân sự của người dân trong quá trình lập pháp. Chính quyền vẫn tiếp tục làm kinh tế. Điều này chính là nguyên nhân mà Việt Namchưa được các thành viên khác trong WTO thừa nhận là có nền kinh tế thị trường đầy đủ. Do đó, mặc dù đã gia nhập WTO nhưng Việt Nam hình như chỉ là thành viên hạng hai, còn bị phân biệt đối xử. Cách duy nhất để Việt Nam được công nhận là có nền kinh tế thị trường đầy đủ là phải đẩy nhanh cổ phần hoá để chính quyền không trực tiếp kinh doanh mà chỉ điều hành chính sách kinh tế.

Thứ hai, pháp luật bảo vệ môi trường chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tế.

Trong khi các nước phương Tây đã có những tiêu chuẩn môi trường cao thì Việt Nam vì mục đích thu hút đầu tư, công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhanh đã đưa ra tiêu chuẩn môi trường thấp. Điều này gây ra sự ô nhiễm môi trường trầm trọng sau hơn 20 năm đổi mới và Việt Nam đang đứng trước nguy cơ trở thành bãi rác của thế giới. Với tiêu chuẩn môi trường thấp thì công nghệ lạc hậu tiếp tục được nhập vào Việt Nam và đẩy chất lượng hàng hoá Việt Nam vào thế bất lợi so với hàng hoá các nước sử dụng công nghệ hiện đại. Do đó, nâng cao chất lượng bảo vệ môi trường cũng góp phần nâng cao chất lượng hàng hoá của Việt Nam để có thể cạnh tranh với hàng hoá thế giới.

Thứ ba, các quy định của pháp luật và chính sách kinh tế cần đặc biệt chú trọng tới lợi ích và đời sống của nông dân.

Cho đến nay vẫn còn 70% dân số Việt Nam sống bằng nông nghiệp. Sau khi gia nhập WTO, nông dân là người bị ảnh hưởng đầu tiên do nhà nước buộc phải gỡ bỏ các cơ chế bảo hộ đối với nông nghiệp. Ngoài ra các quyết sách về dừng xuất khẩu gạo mới đây của chính phủ gây thiệt hại lớn cho nông dân có nguyên nhân là do chưa có dự báo chính xác trước khi đưa ra quyết sách. Do đó, trong khi hội nhập, Việt Nam cần tạo ra cơ chế pháp lý đồng bộ để bảo vệ nền nông nghiệp như các nước phương Tây đang làm.

Thứ tư, phải coi Nhà nước là một bên của bất cứ quan hệ thương mại nào.

Có như vậy thì mới đảm bảo được sự bình đẳng của các chủ thể trong giao dịch thương mại. Muốn làm được điều đó cần có cơ chế tài phán có thể phán xét các hành vi của chính quyền, tức là quyền lực tư pháp phải độc lập với hành pháp và lập pháp. Thiết nghĩ, để thay đổi môi trường pháp lý Việt Nam hiện nay cho phù hợp với hội nhập, về cơ bản là phải thay đổi tư duy về lập pháp, tức là việc làm luật phải hạn chế tối đa sự lạm dụng quyền lực của chính quyền, công chức nhà nước và bảo vệ quyền của người dân. Hiện nay, Việt Nam chưa thực hiện được điều này. Hy vọng trong tương lai, Việt Nam sẽ thay đổi được môi trường pháp lý của mình phù hợp với quy định và khuôn khổ của WTO, tạo thuận lợi cho Việt Nam tránh khỏi những mâu thuẫn về pháp luật thương mại trong nước và các quy định của WTO.

Nguồn: nhaquanly.vn