Tin tức

Vai trò ngày càng quan trọng của Châu Á trong nền kinh tế thế giới

01/12/2010    454

Bộ phận phân tích thông tin kinh tế (EIU) thuộc tạp chí Nhà kinh tế Anh Quốc nhận định: trong 18 tháng qua, kinh tế khu vực châu Á (không tính Nhật Bản) đã phục hồi mạnh mẽ, giúp thế giới thoát khỏi suy thoái. 

Chuyến trở lại châu Á của Tổng thống Mỹ vừa qua, lần nữa khẳng định vai trò chiến lược của châu Á với Washington. Vai trò này của châu Á lại được tô đậm với hội nghị thượng đỉnh APEC quan trọng và thượng đỉnh G20 lần đầu tiên diễn ra ở đây. 

Tăng trưởng GDP thực tế của châu Á mặc dù giảm xuống 4,9% trong năm 2009, mức thấp nhất kể từ năm 2001, nhưng sẽ bật lên 8,2% năm 2010. Mặc dù con số này thấp hơn mức 9,3% của năm 2007, nhưng đây vẫn là một kết quả hết sức ấn tượng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu trì trệ sau đợt suy thoái sâu nhất kể từ chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Tuy nhiên, hiện đã có các dấu hiệu cho thấy sức tăng trưởng kinh tế của khu vực này sẽ chậm lại, khi hoạt động xuất khẩu và sản xuất công nghiệp đều giảm tốc so với mức đỉnh hồi đầu năm nay. Mặc dù những yếu tố nền tảng của châu Á vẫn tốt, nhưng khu vực này vẫn chịu ảnh hưởng từ việc suy giảm ở các khu vực khác trên thế giới và nguy cơ hình thành bong bóng tài sản đang đến gần.

Trong khi đó, Ngân hàng Standard Chartered đánh giá, thời kỳ siêu tăng trưởng của châu Á bắt đầu từ năm 2000 và sẽ kéo dài ít nhất trong một vài thập kỷ nữa. Đến năm 2030, nền kinh tế thế giới có thể đạt tới mức hơn 300 nghìn tỷ USD so với mức 62 nghìn tỷ USD như hiện tại. Trên thực tế, kinh tế thế giới đã tăng trưởng gấp đôi trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2010.

Trong giai đoạn siêu tăng trưởng, các nền kinh tế phát triển sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng trong khi các nền kinh tế mới nổi sẽ có những bước phát triển vượt bậc. Theo đó, cán cân quyền lực kinh tế thế giới sẽ dịch chuyển từ Tây sang Đông.

Mặc dù Trung Quốc đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy sự phục hồi nhưng sức bật của châu Á còn dựa trên các nền tảng lớn hơn. Với nhịp độ phát triển kinh tế ước chỉ đạt 10,2%, Trung quốc không còn là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực trong năm nay, khi tốc độ tăng trưởng của singapore dự kiến sẽ leo lên 13%, tăng trưởng của Đài Loan sẽ là 9% và Ấn Độ là 8,8%. Tính chung trong năm nay, 11 trong tổng số 17 nền kinh tế lớn nhất của khu vực sẽ có tốc độ tăng trưởng từ 6% trở lên.

Đánh giá về những yếu tố chính thúc đẩy tốc độ siêu tăng trưởng của kinh tế thế giới, Standard Chartered Bank cho rằng: Đó là tăng trưởng thương mại, đặc biệt tại các thị trường mới nổi, tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa cùng với sự bùng nổ tầng lớp trung lưu tại các nước đang phát triển. Số lượng người dân sống tại các thành phố sẽ tăng từ 3,4 tỷ người hiện nay lên 5 tỷ người vào năm 2030.

Châu Á sẽ dẫn đầu trong sự phát triển của kinh tế toàn cầu trong 20 năm tới. Trong thập kỷ vừa qua, sản lượng toàn cầu đã tăng hơn 50% và ước tính sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới. Chất lượng cuộc sống tại Trung Quốc và Ấn Độ, tính theo thu nhập bình quân đầu người, sẽ tăng gấp 9 lần trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2030. Thu nhập cá nhân tăng sẽ dẫn đến sự bùng nổ tầng lớp trung lưu và đẩy mạnh tiêu dùng. Đây chính là hai yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng của kinh tế nội địa.

Tuy lạc quan về triển vọng của châu Á, nhưng EIU cho rằng châu Á vẫn phải đối phó với ba nguy cơ. Trong ngắn hạn, nguy cơ rõ ràng nhất đó là triển vọng không mấy sáng sủa của nền kinh tế thế giới và khả năng kinh tế toàn cầu quay lại giai đoạn suy thoái. Châu Á đã thể hiện khả năng bật dậy mạnh mẽ, nhưng cũng cần nhớ rằng khu vực này đã chịu ảnh hưởng nặng nề như thế nào trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng cuối năm 2008-2009. Nhu cầu toàn cầu co lại khiến hoạt động xuất khẩu của khu vực suy sụp.

Rủi ro chính thứ hai đó là triển vọng của Trung Quốc. Mặc dù nhìn chung triển vọng của Trung Quốc khá lạc quan, nhưng sự mất cân bằng đã hình thành trong nền kinh tế này. Điều đó có nghĩa là kinh tế Trung Quốc có thể phải chịu một sự điều chỉnh mạnh mẽ trong giai đoạn 2011-2015.

Nguy cơ thứ ba đáng lo ngại hơn đó là việc hình thành bong bóng tài sản trên thị trường chứng khoán và bất động sản của châu Á. Nguy cơ này đang được thúc đẩy nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng của các nước trong khu vực. Các nhà hoạch định chính sách châu Á cũng lo ngại rằng việc tiếp tục nới lỏng tiền tệ của Mỹ sẽ dẫn đến việc đồng tiền nóng đổ vào khu vực. Mặc dù hiện tượng giá tài sản tăng có thể là một đấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư quốc tế tin tưởng vào khu vực, nhưng bong bóng thì không tốt cho phát triển lâu dài.

Dù tăng trưởng chậm lại và vẫn còn nguy cơ lớn, nhưng Bản báo cáo đặc biệt do Ngân hàng Standard Chartered mới công bố tuần qua cho hay: Nền kinh tế thế giới đang ở trong thời kỳ siêu tăng trưởng. Châu Á sẽ dẫn đầu sự phát triển của kinh tế toàn cầu trong 20 năm tới.

Tiến sỹ Gerard Lyons, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu tại Ngân hàng Standard Chartered cho biết: Khái niệm về thời kỳ siêu tăng trưởng kinh tế được xây dựng trên một chủ đề mà thế giới đã nhắc đến trong nhiều năm qua: Trật Tự Thế Giới Mới. Đây là một cụm từ ngày càng được sử dụng phổ biến, ông nói: “Theo quan điểm của chúng tôi, Trật Tự Thế Giới Mới phản ánh sự dịch chuyển của cán cân quyền lực kinh tế và tài chính thế giới từ phía Tây sang Đông.” Và như vậy “cán cân quyền lực kinh tế khi những nền kinh tế mới nổi đóng vai trò dẫn dắt nền kinh tế thế giới trong giai đoạn này”.

 Nguồn:Tthương vụ Việt Nam