Tin tức

“Bắt mạch” thị trường xuất khẩu xi măng

29/11/2010    75

Số liệu thống kê từ Bộ Xây dựng cho thấy, gần hết 11 tháng năm 2010, Tổng công ty Công nghiệp xi măng (Vicem) mới xuất khẩu được một lượng xi măng khá khiêm tốn so với mục tiêu. 

Căn cứ vào hợp đồng đã ký, thì hết năm nay, xuất khẩu xi măng và clinker của Vicem chỉ có thể đạt được 50% kế hoạch 1 triệu tấn đặt ra từ hồi đầu năm. Ngoài Vicem, 3 công ty liên doanh là xi măng Phúc Sơn, Chinfon Hải Phòng, Nghi Sơn cũng không thực hiện được chỉ đạo của Bộ Xây dựng là mỗi đơn vị phải xuất khẩu từ 100.000 đến 150.000 tấn xi măng và clinker trong 6 tháng cuối năm 2010.

So với nhóm hàng tiêu dùng như dệt may, da giày, thủy sản…, xi măng là mặt hàng không dễ xuất khẩu, nhưng nếu doanh nghiệp “bắt mạch” đúng thị trường có nhu cầu, linh hoạt trong cơ chế, thì con đường xuất khẩu không phải là không có triển vọng. Dẫn chứng điển hình là, trong khi hơn 35 đơn vị sản xuất xi măng thuộc Vicem và một số liên doanh đang trầy trật tìm kiếm đối tác xuất khẩu, thì một số doanh nghiệp tư nhân đã nhanh chân ký được những hợp đồng xuất khẩu lớn.

Cụ thể, dù mới đưa nhà máy vào hoạt động được 2 năm, nhưng Công ty cổ phần Xi măng Cẩm Phả cũng đã xuất được lô hàng thứ 2 sang thị trường Trung Đông cho đối tác là Công ty Peakward Enterprises (Holding) Ltd. Trước đó, tháng 3/2009, lô xi măng đầu tiên của Công ty đã chính thức lên đường sang châu Phi. Ông Hoàng Anh Tuấn, Tổng giám đốc Xi măng Cẩm Phả cho biết, Công ty đang tiếp tục tìm kiếm đối tác tại một số thị trường quen thuộc như Campuchia, Lào.

Năm 2010, Công ty cổ phần Xi măng Vinakansai (Ninh Bình) xuất khẩu gần 100.000 tấn clinker sang thị trường khó tính nhất châu Á là Singapore và 70.000 tấn clinker sang Ấn Độ. Sau đó, Công ty đã ký được hợp đồng xuất khẩu 1,2 triệu tấn clinker sang Bangladesh, với khối lượng 100.000 tấn/tháng, bắt đầu thực hiện từ tháng 9/2010.

Ông Hoàng Mạnh Trường, Chủ tịch HĐQT Vinakansai cho rằng, vấn đề lớn nhất mà các doanh nghiệp sản xuất xi măng trong nước gặp phải khi xuất khẩu mặt hàng này là giao thông và tàu biển tải trọng lớn. Trong khu vực, xi măng Việt Nam đang cạnh tranh trực tiếp với hàng Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Nhật Bản.

Trả lời băn khoăn về việc, không có quốc gia nào chủ trương sản xuất xi măng chỉ để xuất khẩu, do lo ngại chi phí vận chuyển lớn lấn át lợi nhuận, ông Trường cho hay, Việt Nam đã mua clinker của Thái Lan từ đầu những năm 80 và xi măng cũng là ngành xuất khẩu mũi nhọn của Thái Lan, vì vậy, không thể nói, xuất khẩu xi măng không mang lại lợi nhuận. Một số quốc gia không có nhà máy sản xuất xi măng, mà chỉ dựa vào nhập khẩu, như Bangladesh, Singapore… sẽ là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng Việt Nam. 

Nguồn: báo đầu tư