Rộng đường xuất khẩu sang lục địa đen
25/10/2010 79Rộng đường xuất khẩu sang lục địa đen Trong cán cân ngoại thương với châu Phi, Việt Nam thường xuất siêu với giá trị xuất khẩu cao gấp nhiều lần giá trị nhập khẩu.
Khi các thị trường khác trên thế giới đang có xu hướng bão hòa hoặc tăng cường các biện pháp bảo hộ thông qua áp dụng các rào cản kỹ thuật, thì thị trường châu Phi vẫn mở ra nhiều cơ hội và triển vọng.
Ngày 1/10/2010, Bộ Công Thương đã phê duyệt Đề án "Phát huy khả năng của các DN xuất nhập khẩu tổng hợp trong việc đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường châu Phi". Bộ này nhận định, mặc dù châu Phi là một lục địa nghèo, có sự chênh lệch lớn giữa các nước, nhưng nhờ có nguồn thu từ xuất khẩu nhiều loại tài nguyên quý và dân số đông, nên đang là thị trường có sức mua mạnh, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa để đáp ứng sản xuất và tiêu dùng rất lớn.
Trong các nhóm ngành xuất khẩu sang châu Phi, thủy sản là lĩnh vực có tiềm năng lớn. Từ năm 2000 - 2003, mới chỉ có một vài quốc gia tại châu Phi nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam với khối lượng không lớn, từ 5 - 150 tấn thủy sản/năm như: Nam Phi, Trung Phi, Nigiêria, Libi, Angiêri, Ăngôla… Số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (ASEP) cho thấy, khối lượng thủy sản xuất khẩu sang châu Phi tăng dần lên con số hàng nghìn tấn vào năm 2007 như Ai Cập (7.000 tấn), Nigiêria (1.300 tấn)… Năm 2009, Ai Cập là thị trường lớn nhất ở châu Phi của thủy sản Việt Nam khi tăng khối lượng nhập khẩu lên 29,6 nghìn tấn với giá trị 60,4 triệu USD, tiếp đến là Angiêri (2.800 tấn), Nam Phi (767 tấn), Libi (620 tấn), Marốc (364 tấn)… 8 tháng đầu năm 2010, Ai Cập đã nhập khẩu trên 16.000 tấn thủy sản (chủ yếu là tôm sú sống, tươi, đông lạnh, tôm sú chế biến, tôm chân trắng sống, tươi, đông lạnh, cá tra, nhuyễn thể…) từ Việt Nam, tiếp đó là Angiêri (1.900 tấn), Nigiêria (1.034 tấn), Libi (407 tấn), Nam Phi (223 tấn)…
Hiện cơ cấu hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sang châu Phi ngày càng đa dạng do nhu cầu thị trường ngày càng lớn, yêu cầu về chất lượng và đòi hỏi về mẫu mã không quá khắt khe. Cá tra đang là mặt hàng thủy sản được ưa chuộng tại lục địa này. Trong đó, các thị trường tiêu thụ lớn cá tra Việt Nam là: Ai Cập, Nigiêria, Angiêri, Tuynidi…
Nhóm hàng nông sản thời gian qua có kim ngạch xuất khẩu khá lớn sang châu Phi. Thậm chí, ngay những mặt hàng tưởng chừng rất nhỏ, nhu cầu nhập khẩu từ lục địa đen cũng đang gia tăng mạnh mẽ. Đơn cử, năm 2009, Ma-rốc nhập khẩu 12.800 tấn gia vị, bao gồm các sản phẩm hạt tiêu (8.000 tấn), gừng (3.500 tấn), quế (1.300 tấn), nghệ (600 tấn) và 1.100 tấn gia vị khác. Tiêu thụ gia vị trung bình của Ma-rốc khoảng 23.000 tấn mỗi năm, tức là gần 750 gram/người dân, trong đó hơn 50% phải nhập khẩu.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Marốc, phần lớn quốc gia tại châu Phi đều là những nước đang hoặc chậm phát triển, nên nhu cầu nhập khẩu hàng hóa để đáp ứng sản xuất và tiêu dùng rất lớn. Kim ngạch nhập khẩu của lục địa này còn tiếp tục gia tăng và có xu hướng tăng mạnh trong thời gian tới. Tuy vậy, điều các DN Việt Nam cần chú ý là nhiều luật lệ, cơ chế và chính sách kinh doanh của một số quốc gia tại lục địa này vẫn còn phức tạp, hệ thống cơ sở hạ tầng lạc hậu, hệ thống ngân hàng chưa phát triển, thông tin liên lạc còn hạn chế...
Nhiều nhà xuất khẩu Việt Nam cũng lo ngại về khả năng thanh toán chưa cao của các bạn hàng châu Phi, chi phí vận tải lớn do khoảng cách xa, chi phí cho các hoạt động xúc tiến thương mại cho thị trường tốn kém, khách hàng tại châu lục này ít có khả năng đảm bảo thực hiện trực tiếp những hợp đồng có giá trị lớn nếu không có sự bảo lãnh của bên thứ 3 (thường là các nhà kinh doanh hoặc tổ chức tài chính tín dụng có uy tín ở châu Âu…). Một số vụ lừa đảo trong tín dụng trả chậm được nêu ra thời gian gần đây khiến không ít DN ngán ngại.
Tuy nhiên, nếu vượt qua những khó khăn đầu tiên thì mối làm ăn với DN châu Phi lại rất bền vững. Ông Bùi Văn Chiểu, Tổng giám đốc CTCP Chế biến xuất khẩu hàng Long An (Lafoco) cho biết, nhờ khai phá được nguồn nguyên liệu điều tại Bờ Biển Ngà và Modămbich, Lafoco đã tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu hàng năm. 9 tháng đầu năm nay, Công ty đã vượt kế hoạch lợi nhuận năm hơn 30%. DN này đang ấp ủ kế hoạch đưa gạo Việt Nam qua châu Phi đổi lấy điều nguyên liệu, giảm các khâu trung gian và xuất nhập khẩu trực tiếp với các DN có điều tại châu Phi. Đề án này đã được Bộ Công Thương ủng hộ và đang xúc tiến triển khai.
Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá và đồng thời góp phần hỗ trợ DN Việt Nam tăng cường thâm nhập vào thị trường châu Phi, sắp tới, Bộ Công Thương sẽ lựa chọn những DN có kinh nghiệm xuất nhập khẩu với thị trường châu Phi, có năng lực tài chính tốt, đảm bảo thực hiện các hợp đồng xuất khẩu lớn, có chức năng xuất khẩu tổng hợp nhằm hạn chế rủi ro có thể xảy ra ở mức thấp nhất, làm đầu mối xuất khẩu sang thị trường châu Phi và được hỗ trợ theo cơ chế riêng.
Đề án "Phát huy khả năng của các DN xuất nhập khẩu tổng hợp trong việc đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường châu Phi" được kỳ vọng tạo động lực mới cho DN thâm nhập sâu hơn vào lục địa tiềm năng này.
Nguồn: InfoTV
- Tổ yến thô được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, cơ hội bứt phá cho doanh nghiệp và người nuôi yến
- Xuất khẩu cá rô phi Việt Nam trở lại "đường đua" tại thị trường Brazil
- Tác động thuế quan đa chiều lên các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam
- Doanh nghiệp gỗ Việt Nam xoay xở trước 'vòng kim cô' thuế của Mỹ
- Lấy áp lực từ thị trường nhập khẩu làm động lực thay đổi doanh nghiệp Việt