Tin tức

Thách thức của Việt Nam trong phục hồi kinh tế

12/10/2010    66

Giai đoạn khó khăn nhất của khủng hoảng kinh tế thế giới đến nay có thể nói là tạm qua. Nhưng nhìn chung kinh tế toàn cầu đang chững lại. Trong bối cảnh này, triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vẫn chứa đựng nhiều bấp bênh vì thị trường tiêu thụ hẹp lại, đơn hàng thưa thớt với giá trị ngày một thấp.   

Mặc dù vậy, nền kinh tế Việt Nam vẫn được nhiều chuyên gia đánh giá đang tăng trưởng nhanh. Theo ông Ayumi Konishi, Trưởng đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trong báo cáo cập nhật của ADB mới đây về triển vọng phát triển châu Á, trong đó tốc độ tăng GDP của Việt Nam đã được điều chỉnh lên 6,7% cho năm nay và 7% cho năm tới. Đồng thời, ADB cũng hạ mức dự báo lạm phát của Việt Nam từ 10% xuống 8,5% cho năm 2010 và 7,5% cho năm 2011. Trong khi, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng trung bình 8% mỗi năm trong vòng 5 năm tới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo mức tăng trưởng của năm 2011 sẽ vào khoảng 7,5% so với mức 6,5% của năm nay. 

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Konishi, đã đến lúc Việt Nam cần giảm dần sự hỗ trợ của Chính phủ. Ông Konishi nói: “Chính phủ nên chấm dứt dần gói kích cầu thứ nhất. Điều đó thực sự sẽ giúp đạt mục tiêu ban đầu. Điều quan trọng là gói kích cầu cũng ngày càng bao gồm những dự án hỗ trợ cơ sở hạ tầng hay đầu tư vào cơ sở hạ tầng.” 

Mặc khác, bộ phận phân tích thông tin kinh tế (EIU) thuộc Tạp chí Nhà Kinh tế của Anh dự báo châu Á sẽ là khu vực đạt mức tăng trưởng kinh tế mạnh nhất trong hai năm 2010- 2011. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) trong vòng 20 năm, thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam đã tăng 10 lần, từ 100 USD năm 1990 lên 1.000 USD/người/năm hiện nay. Với 86 triệu dân, Việt Nam là một thị trường đầy hứa hẹn. Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn giữ quan điểm lạc quan về triển vọng dài hạn của Việt Nam. Trong đó, ngành xây dựng cũng sẽ được hỗ trợ trong giai đoạn 2010-2011, nhờ đầu tư quốc gia và các dự án phát triển cơ sở hạ tầng. Theo ước tính của EIU, tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ- động lực chính của sự phát triển kinh tế năm 2009- cũng sẽ gia tăng, với các dịch vụ bán lẻ và tài chính là nhân tố đóng góp chính cho tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.

Mặc dù vậy EIU cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra những quan điểm khác nhau về chính sách tài chính và tiền tệ. Vấn đề chính là các nhà hoạch định chính sách kinh tế Việt Nam phải đối mặt là làm thế nào để kiềm chế áp lực lạm phát trong khi cùng lúc phải cố gắng hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam không còn là nước tăng trưởng nhanh nhất và bi xếp sau Singapore, Lào, Thái lan và Malaysia. ADB cũng lo ngại tình trạng thâm hụt thương mại của Việt Nam vẫn ở mức đáng kể, khi tỷ lệ lạm phát tiếp tục khá cao. Trong bối cảnh ấy, người dân Việt Nam vẫn tung tiền đồng ra để mua vàng và USD, giá trị đồng bạc Việt Nam tiếp tục bi giảm.

Trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Trung ương Việt Nam đã hạn giá đồng tiền nhằm thúc đẩy thêm xuất khẩu và giảm bớt nhập siêu. Tuy nhiên, đối với ADB, tác đông thực tế của chủ trương này không lớn bởi hàng xuất khẩu của Việt Nam thuộc diện gia công, thường phải dùng đến nguyên liệu và thiết bị ngoai nhập, do đó, xuất khẩu tăng lại làm cho nhập khẩu tăng theo.

Cuộc khủng hoảng toàn cầu (2008-2009) lần này có tác động tiêu cực trên lượng vốn đầu tư vào Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu, độ tăng trưởng giảm đáng kể, chỉ đạt 5,3% năm 2009. Một nghịch lý là dường như Việt Nam dẫu tăng trưởng cao hơn nhiều nước trên thế giới nhưng lại tụt hậu, kể cả về thu nhập tính theo đầu người.

Chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) Việt Nam được coi là địa chỉ tốt nhất thế giới, những nhà đầu tư nước ngoài từng gọi Việt Nam là thiên đường. Nhưng doanh nghiệp FDI tận dụng lương công nhân còn rẻ, tập trung sản xuất trong công nghiệp chế biến sơ cấp, đóng góp nhiều trong kim ngạch xuất khẩu. Tuy thế, có tới 60-80% nhà đầu tư vẫn kêu lỗ triền miên, trong khi Việt Nam không kiểm tra, giám sát, để thất thoát không ít thuế lợi nhuận doanh nghiệp. Lẽ ra, những doanh nghiệp này phải có vai trò chuyển cấp sản xuất và chuyển nhượng kỹ thuật, hai yếu tố tối cần cho một nền kinh tế đang phát triển mà chính sách Việt Nam còn lơ là buông lỏng.

Không chỉ có vậy, việc tái cấu trúc kinh tế đang diễn ra trên toàn thế giới với xu hướng chuyển sang tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường, tại cuộc hội thảo “Kinh thế thế giới hồi phục và sự thích nghi của doanh nghiệp Việt Nam” tổ chức tuần qua tại Hà Nội, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhận định, Việt Nam không thay đổi cơ cấu sản xuất vốn dĩ còn lạc hậu thì khó lòng có chỗ đứng ở khu vực, chứ chưa nói tới thế giới. Chúng ta liên tục vấp phải nhiều rào cản phi thuế quan khi xuất khẩu chè, cà phê, lương thực, thực phẩm, đồ gỗ... 

Phát biểu tại hội thảo, TS.Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế, đánh giá: Hãy cùng nhìn vào cơ cấu các dự án FDI ở Việt Nam. Có tới 70-75% kim ngạch xuất khẩu vẫn là khoáng sản thô, sản phẩm gia công hay lắp ráp đơn giản. Ông Thiên cho rằng, phần lớn nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam có mục tiêu cao nhất là lợi nhuận, chứ không phải sang để giúp Việt Nam xây dựng nền công nghiệp hiện đại. Vì vậy, họ muốn tận dụng triệt để nguồn tài nguyên và lợi thế ở đây là phát triển công nghiệp phụ trợ để kiếm lợi nhuận tối đa. Hệ quả là Việt Nam loay hoay mãi vẫn không xây dựng và phát triển nổi các ngành công nghiệp hỗ trợ. Còn năng lực sản xuất của doanh nghiệp nội địa gần như giậm chân tại chỗ. Có nghĩa là chúng ta đã không hội nhập được từ ngay trên đất nước mình. Mặt khác, thâm hụt thương mại leo thang trong suốt 25 năm cũng là vấn đề cần bàn. Sau khi hội nhập chúng ta vẫn tiếp tục duy trì thâm hụt thương mại ở mức trên dưới 10 tỷ đô la Mỹ/năm. Nhưng điều đáng lo ngại hơn là 90% trong số đó xuất phát từ Trung Quốc. “Đây là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng khi một nước bị lệ thuộc quá nhiều về thương mại với một nước khác”- ông Thiên bình luận.

Cả nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan và ông Trần Đình Thiên đều cho rằng, cần tái cơ cấu kinh tế Việt Nam theo hướng tái cấu trúc lại mô hình tăng trưởng dựa trên yêu cầu thực tiễn. Chúng ta cần hội nhập theo định hướng ưu tiên hàng đầu cho phát triển công nghệ khi thu hút vốn đầu tư, phân bổ hợp lý các dự án theo vùng vì mục tiêu hiệu quả và tiết kiệm tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Nguồn: Báo Công Thương Điện tử