Tin tức

Doanh nghiệp gỗ Việt Nam xoay xở trước 'vòng kim cô' thuế của Mỹ

09/05/2025

Trong trường hợp thuế đói ứng vẫn ở mức cao, bên cạnh việc đa dạng hoá thị trường, doanh nghiệp còn tính đến việc mở nhà máy ở nước thứ ba có mức thuế thấp hơn để xuất khẩu khẩu sang Mỹ.

Mỹ đóng vai trò là một thị trường rất quan trọng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt Nam bởi đây là “khách hàng” lớn nhất. Năm ngoái kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Mỹ thu về hơn 9 tỷ USD, tăng mạnh 24% so với năm 2023.

Bước sang năm 2025, doanh số bán hàng sang thị trường này tiếp tục tăng trưởng 10% lên 2,9 tỷ USD, chiếm 54% tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng này sang các thị trường.

Mặc dù tiêu thụ tại thị trường Mỹ vẫn đang tích cực, theo Cục Xuất nhập khẩu  (Bộ Công Thương), tình hình địa chính trị và kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa trong và ngoài nước.

Trong đó, đáng chú ý là việc Mỹ thông báo áp thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam, đã gây ra những lo lắng và áp lực cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, chỉ nửa ngày sau khi thuế đối ứng của Mỹ áp với 180 đối tác thương mại có hiệu lực, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo tạm hoãn kế hoạch áp thuế trong 90 ngày và giảm mức thuế này xuống còn 10%.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trong ngành gỗ giảm bớt lo lắng vì có thêm thời gian để chuẩn bị ứng phó, vừa tranh thủ cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu trong ngắn hạn và đồng thời tìm cách đa dạng hóa thị trường để tránh phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

Trước đó, phát biểu tại Tọa đàm “Ứng phó thuế đối ứng của Mỹ” do Báo Tiền Phong tổ chức, ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ, lâm sản Việt Nam, cho biết nếu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam chịu mức thuế 46% thì ước tính có khoảng 4.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ có chế biến sản phẩm xuất, 1 triệu hộ nông dân, toàn bộ chuỗi cung ứng này chắc chắn bị tác động. Đồng thời, biên lợi nhuận cũng không còn.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng đang điều tra một số mặt hàng gỗ nhập khẩu từ Việt Nam theo Mục 232. Luật này cho phép  tổng thống khởi xướng điều tra việc áp thuế, hạn ngạch nhập khẩu với mặt hàng đe doạ an ninh Mỹ. Như vậy, cùng một lúc, ngành gỗ chịu hai “vòng kim cô”.

“Chúng tôi khó lượng hoá con số thiệt hại tuy nhiên là rất lớn”, ông Hoài cho biết. 

Trao đổi tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 diễn ra chiều ngày 8/5, ông Lê Đức Nghĩa, Chủ tịch HĐQT CTCP Gỗ An Cường, cho biết tình hình xuất khẩu sang Mỹ rất tốt. Mới chỉ đến tháng 3, doanh nghiệp đã kín đơn hàng xuất khẩu sang thị trường này. 

“Nếu không có gì thay đổi thì doanh số bán hàng sang Mỹ năm nay có thể tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với năm ngoái. Thực sự đơn hàng bán sang đây rất nhiều. Do vậy, thuế quan của Mỹ là một vấn đề rủi ro rất lớn”, ông Nghĩa cho biết. 

Hiện tại doanh nghiệp này đang tranh thủ 90 ngày hoãn thuế để giao đơn hàng dang dở, dự kiến đến ngày 15/5 sẽ hoàn tất. Tuy nhiên, ông cho biết biên lợi nhuận năm nay có thể thấp hơn vì giảm phải giảm giá cho khách hàng do vấn đề cước tàu đội lên cao và khuyến khích khách đặt các đơn lớn, thúc đẩy doanh số.

Đồng thời, việc cạnh tranh với các doanh nghiệp đè nặng lên biên lợi nhuận của An Cường. Song, ông kỳ vọng kết quả chung sẽ tốt hơn do khách hàng đặt số lượng lớn có thể nâng công suất sử dụng của nhà máy, vốn hiện mới dừng ở mức 70%.

Trong ba tháng đầu năm, công ty vẫn có sự tăng trưởng ổn định ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Doanh thu tăng hơn 15,4% lên 802 tỷ đồng (doanh thu xuất khẩu chiếm 195 tỷ) và lợi nhuận ròng tăng 4,4% đạt 85 tỷ đồng. Biên lãi gộp trong quý I ở mức 29,39% - quý thứ ba liên tiếp chỉ số này đi xuống. 

Năm 2025, công ty đặt mục tiêu doanh thu gần 4.047 tỷ đồng, tăng 1,7% so với năm ngoái. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế 450 tỷ đồng, cao hơn 7,2% so với cùng kỳ. 

Chuyển hướng sản xuất sang nước thứ ba

Hiện tại Việt Nam đang trong quá trình đàm phán với Mỹ để có một mức thuế hợp lý nhất. Song song với đó, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cũng đang cố gắng xoay xở và chuẩn bị cho các kịch bản. Ông Nghĩa kỳ vọng kịch bản đẹp nhất là mức thuế sau đàm phán là 15 - 20%. 

“Tôi có nói chuyện với các đối tác bên Mỹ thì mức thuế này hoàn toàn có thể chấp nhận được […] Cá nhân tôi tự tin rằng tình hình đàm phán sẽ không quá tệ bởi sẽ chẳng có người Mỹ nào chịu đi làm may mặc hoặc vào xưởng gỗ để làm nội thất. Họ sẽ buộc phải nhập khẩu từ nước khác và Việt Nam là nơi mà họ sẽ phải tìm đến” ông Nghĩa cho biết. 

Cục Xuất nhập khẩu dẫn số liệu từ Uỷ ban Thương mại Quốc tế Mỹ cho thấy thị phần đồ gỗ nội thất của Việt Nam tại Mỹ trong hai tháng đầu năm nay lên tới 45%, tăng so với con số 40,8% của cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc đứng thứ hai với khoảng cách khá xa so với Việt Nam, chỉ ở mức gần 15%.

Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng đã tính đến kịch bản xấu nhất là mức thuế 46% được giữ nguyên. Bên cạnh đó, ông cũng lo ngại khả năng cao Mỹ sẽ áp thuế theo mục 232. 

"Mặt hàng tủ bếp của An Cường xuất khẩu sang Mỹ vẫn đang chịu thuế nhập khẩu bắt buộc, còn những mặt hàng khác như gỗ tấm, gỗ ván sàn tạm thời chưa phải chịu vì những dòng hàng này đang bị điều tra liên quan an ninh quốc gia của Mỹ theo mục 232. Tháng 10 này sẽ có kết quả. Tôi có hỏi luật sư bên Mỹ thì 80% sẽ dính. Nếu điều này xảy ra, mức độ ảnh hưởng còn nặng nề hơn mức thuế quan đối ứng mà Mỹ áp", ông cho biết. 

Trong kịch bản xấu nhất này, ông Nghĩa cho biết, doanh nghiệp sẽ thực hiện hai việc. 

Đầu tiên, An Cường sẽ nhắm đến những nước có mức thuế thấp hơn để mang máy móc sang đó để sản xuất, xuất khẩu sang Mỹ. 

“Tôi đã học hỏi điều này từ kinh nghiệm ở Trung Quốc. Trước đây, khi bị Mỹ áp thuế cao, Trung Quốc đã chuyển sản xuất sang nước thứ ba có mức thuế thấp hơn, sau đó xuất khẩu sang Mỹ. Và, họ chỉ mất 3 - 4 tháng để hoàn thiện việc lắp đặt xưởng gia công, máy móc.

Bản thân tôi mấy năm nay cũng nghiên cứu cách làm của người Trung Quốc. Ví dụ, Việt Nam bị 46% trong khi Philippines chỉ 15%. Đối với tôi chỉ mất 3 - 4 tháng để xây dựng một nhà máy tại đó để sản xuất, xuất khẩu sang Mỹ”, ông Cường nói. 

Việc thứ hai mà doanh nghiệp này sẽ làm là tập trung nhiều hơn với những thị trường trước đây không được quá chú trọng như Trung Đông, Nhật, Australia, Đông Nam Á, Lào, Campuchia…để bù đắp lại phần mất mát từ thị trường Mỹ nếu như trường hợp xấu nhất xảy ra.

Đây là những nơi trước đây An Cường từng chú trọng nhiều nhưng sau đó công chuyển hướng tập trung sang Mỹ bởi dung lượng của thị trường này quá lớn.

Ông Nghĩa kỳ vọng doanh số tại các thị trường này tăng trở lại và việc bù đắp cho sự sụt giảm tại Mỹ là khả thi.

“Thị trường Mỹ chiếm khoảng 12% tỷ trọng doanh thu của An Cường, nên chúng tôi cũng không quá lo lắng. Nếu tỷ trọng phụ thuộc vào Mỹ lên tới 80-90% thì mới thực sự là vấn đề lớn, công ty sẽ cắm đầu đi xuống. Nếu chúng ta mất 12% này mà công ty chuyển hướng sang các thị trường Nhật, Canada, UAE, Đông Nam Á thành công thì ít nhất công ty có thể lấy lại được 70% thiệt hại do không xuất được hàng sang Mỹ”, ông nói. 

Ngoài ra, ông Nghĩa cũng cho biết thêm, năm nay công ty đang đẩy mạnh việc bán hàng nội địa. Ông cho biết từ đầu năm đến nay công ty đã chào hàng cho các dự án bất động sản, với lượng tăng gấp 4 lần năm ngoái. Đây là tín hiệu cực kỳ tốt trong bối cảnh đất nước đang thay đổi chóng mặt, cơ hội bất động sản nóng trở lại khi được tháo gỡ những nút thắt.

"Tuy nhiên phải chờ đến năm 2026 - 2027 thì mới có thể ghi nhận vào doanh thu bởi lúc đó các dự án mới xong và bắt đầu lắp nội thất”, ông nói thêm.

Nguồn: Vietnambiz