Tin tức

Xuất khẩu chính ngạch ớt, chanh leo sang Trung Quốc: Cơ hội và thách thức

09/05/2025

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (14 - 15/4/2025), nhiều nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch đã được ký giữa hai nước, trong đó có mặt hàng ớt và chanh leo.

Tuy nhiên, để xuất khẩu bền vững hai mặt hàng này, cần phải tuân thủ nhiều tiêu chí như: kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc, tem nhãn hàng hóa, chứng nhận chất lượng, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật...

Nhiều tiềm năng

Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam, năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 10.433 tấn ớt, tổng kim ngạch đạt 25,1 triệu USD. So với năm 2023, lượng xuất khẩu tăng 2,6%, kim ngạch tăng 26%. Thị trường xuất khẩu ớt lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, chiếm 75% thị phần, với sản lượng  7.811 tấn.

Ở nước ta, ớt được trồng nhiều tại các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long với tổng diện tích trên 7.000ha, sản lượng khoảng 100.000 tấn/năm. Tại Tây Nguyên, diện tích trồng ớt đạt khoảng 4.000 - 5.000ha, sản lượng khoảng 60.000 tấn/năm.

Trong đó, cây ớt ở Đồng Tháp, đặc biệt là ở huyện Thanh Bình, được coi là “vựa ớt lớn nhất miền Tây”. Các xã vùng cù lao và các xã vùng ven sông Tiền là những khu vực tập trung trồng ớt. Sản lượng ớt tươi đạt hơn 22.500 tấn/năm. Theo thống kê, Đồng Tháp hiện có gần 2.000ha ớt, năng suất bình quân hơn 10 tấn/ha

Còn tại Lạng Sơn, cây ớt được trồng ở các huyện: Chi Lăng, Lộc Bình, Hữu Lũng, Văn Quan... Các giống ớt truyền thống trước đây được thay bằng giống cao sản, năng suất bình quân đạt 300 - 500 kg/sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2).

Theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cả nước hiện có hơn 12.000ha chanh leo, tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên; các tỉnh miền núi phía Bắc cũng đang có xu hướng mở rộng diện tích loại cây trồng này. Sản lượng chanh leo mỗi năm đạt khoảng 200.000 tấn.

Những năm gần đây, Việt Nam tập trung nâng cao chất lượng, sản xuất theo chuỗi, đảm bảo truy xuất nguồn gốc chanh leo, trong đó tập trung vào giống chanh leo vàng và chanh leo tím.

Trên thị trường thế giới, nhu cầu nhập khẩu chanh leo quả tươi của Việt Nam lên đến hàng trăm nghìn tấn/năm, trong khi nước ép chanh cô đặc khoảng 30.000 tấn/năm. Bên cạnh đó, chanh leo là một trong những loại trái cây có sản lượng ổn định, quanh năm và được ưa chuộng tại nhiều thị trường khó tính như EU, Australia, New Zealand.

TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), nhận định, để tận dụng tối đa cơ hội từ các nghị định thư và thị trường cao cấp, Việt Nam cần rà soát, mở rộng diện tích vùng trồng, cơ sở đóng gói đạt chuẩn; xây dựng thương hiệu nông sản gắn với địa phương; tăng cường liên kết HTX – doanh nghiệp – nông dân; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ sau thu hoạch, logistics lạnh và thương mại điện tử xuyên biên giới.

Đáp ứng yêu cầu về chất lượng

Năm 2024, người tiêu dùng Trung Quốc chi 4,6 tỉ USD để mua rau quả Việt.  Quý I/2025, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 13,53 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2024. Riêng nhóm rau quả chiếm tỷ trọng cao, với gần 66% giá trị xuất khẩu hướng đến thị trường Trung Quốc - một con số cho thấy vị thế ngày càng quan trọng của thị trường này.

Theo các chuyên gia, thời gian tới, để ớt, chanh leo có thể “bay cao, bay xa” tại thị trường Trung Quốc, chúng ta phải tuân thủ các luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc, các yêu cầu về kiểm dịch thực vật và không nhiễm các đối tượng kiểm dịch thực vật mà phía Trung Quốc quan tâm.

Đặc biệt, tất cả các vùng trồng cũng như các cơ sở đóng gói chanh leo nếu muốn xuất sang Trung Quốc phải được đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Môi trường (MAE) và được cả Bộ và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) phê duyệt. Thông tin đăng ký phải bao gồm tên, địa chỉ và mã số, để khi phát hiện có sản phẩm không tuân thủ các yêu cầu của Nghị định thư này thì có thể truy xuất nguồn gốc một cách chính xác.

Đối với quả ớt, loại gia vị của Việt Nam rất được thị trường nước ngoài ưa chuộng, tuy nhiên, tình trạng quả ớt bị cảnh báo do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật cũng từng xảy ra ở thị trường Trung Quốc, Malaysia. Do vậy, trái ớt cần phải đặc biệt chú ý tới kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Hiện nay, mặc dù nhu cầu lớn, nhưng sản lượng sản xuất ra vẫn thiếu, Tây Nguyên được xem là thủ phủ chanh leo của cả nước nhưng hiện chỉ đủ cung cấp một phần nhu cầu chế biến cho các nhà máy trên địa bàn. Vì vậy, nhiều địa phương đang đẩy mạnh phát triển, mở rộng diện tích trồng chanh leo.

Để tránh tình trạng phát triển ồ ạt dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, ông Trần Xuân Khải, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, khuyến cáo: Phát triển chanh leo cần phải theo nhu cầu thị trường và liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm. Xây dựng và hoàn thiện hồ sơ mã số vùng trồng, diện tích, địa điểm và đảm bảo an toàn thực phẩm theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Thực tế cho thấy, việc tuân thủ các khuyến cáo từ chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn là rất quan trọng. Người dân không nên thấy lợi nhuận trước mắt mà ồ ạt mở rộng diện tích chanh leo. Sự tăng trưởng diện tích quá nhanh có thể dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, giá giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người trồng.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng, để phát triển bền vững các mặt hàng rau quả, cần xây dựng chuỗi liên kết sản xuất thực chất từ vùng trồng, cơ sở đóng gói đến doanh nghiệp xuất khẩu, đảm bảo tiêu chuẩn kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm.

Chuyên gia Viện Cây ăn quả miền Nam cũng đưa ra các khuyến cáo cải tiến quy trình xử lý sau thu hoạch để nâng cao chất lượng của trái cây xuất khẩu.

Các doanh nghiệp cần triển khai nhiều giải pháp phát triển cây chanh dây theo hướng bền vững như kiểm soát chặt chẽ giống và vật tư nông nghiệp đầu vào, xây dựng quy trình canh tác hữu cơ, tưới tiết kiệm nước, ứng dụng khoa học kỹ thuật…

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cho rằng, để nắm cơ hội và giữ vững thị trường, nông sản Việt Nam cần tiếp tục khắc phục điểm yếu về sự đồng đều và sự ổn định về chất lượng, sản lượng. Doanh nghiệp và người sản xuất buộc phải thay đổi tư duy, nâng cấp sản xuất và đảm bảo chất lượng toàn chuỗi.

Nguồn: Tạp chí Kinh tế nông thôn