Tin tức

Lấy áp lực từ thị trường nhập khẩu làm động lực thay đổi doanh nghiệp Việt

09/05/2025

Với việc siết chặt các quy định từ EU, hay chính sách thuế đối ứng của Mỹ, vừa là áp lực nhưng cũng là động lực để thay đổi tích cực hơn cho các doanh nghiệp Việt thay vì “ngồi yên chịu trận”. Nhất là cải thiện khả năng thích ứng, nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và định hình lại công nghệ trong bối cảnh mới.

Mới đây, trong một chương trình tập huấn cho các doanh nghiệp (DN) ở Tp.HCM về việc tuân thủ CBAM (Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) nhằm hướng tới xuất khẩu (XK) xanh vào thị trường EU, bà Hồ Thị Quyên, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp.HCM (ITPC), nhấn mạnh đây không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để các DN Việt nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Cơ hội cải thiện khả năng thích ứng

Như chia sẻ của bà Quyên, để duy trì và mở rộng thị phần tại thị trường EU, việc tuân thủ các quy định mới như CBAM là điều tất yếu. CBAM không chỉ yêu cầu minh bạch về lượng phát thải carbon trong quá trình sản xuất mà còn đòi hỏi các DN phải áp dụng công nghệ sạch và quy trình sản xuất thân thiện với môi trường.

Còn theo bà Đỗ Thị Hồng Duyên, Phó chủ tịch Tiểu ban Tăng trưởng Xanh thuộc Hiệp hội DN châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi không đơn giản - đặc biệt là đối với các ngành công nghiệp sử dụng nhiều carbon. Nhưng đó cũng là một cơ hội, những DN tiên phong và có chiến lược sẽ không chỉ giảm thiểu rủi ro mà còn đạt được lợi thế cạnh tranh trong nền kinh tế xanh toàn cầu.

“Các DN cần chủ động đầu tư vào công nghệ sạch, cải thiện quy trình sản xuất, xây dựng hệ thống quản lý phát thải và nâng cao năng lực báo cáo, xác minh dữ liệu phát thải. Việc chuyển đổi sản xuất xanh không chỉ có ý nghĩa quan trọng với mỗi doanh nghiệp mà còn tác động tới cả chuỗi cung ứng”, bà Duyên nói

Trong khi đó, như lưu ý của Ts. Nguyễn Phương Nam, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn & Dịch vụ Đổi mới khí hậu Klinova, CBAM đặt ra không ít thách thức cho các nhà XK Việt Nam, bao gồm các yêu cầu ngày càng cao về báo cáo phát thải, sự phức tạp trong thu thập số liệu và mức độ cạnh tranh gia tăng khi các nhà nhập khẩu EU sẽ ưu tiên hàng hóa có cường độ phát thải thấp.  

Để đối phó các quy định mới, Ts. Nam khuyến nghị các DN Việt cần chủ động tìm hiểu kỹ về CBAM, rà soát quy trình sản xuất và xây dựng cơ sở dữ liệu về phát thải khí nhà kính. 

Ông Nam cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện kiểm kê phát thải và cường độ phát thải trên mỗi sản phẩm, từ đó DN lên kế hoạch giảm nhẹ phát thải một cách hiệu quả, ví dụ như sử dụng năng lượng tái tạo và tối ưu hóa công nghệ.

Ngoài vấn đề nêu trên, vào ngày 9/5 ITPC có tổ chức một hội thảo bàn về sự chuẩn bị của DN Việt trước chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ. Điều này rất cần thiết khi mà rất nhiều DN đang lo lắng đối mặt những khó khăn như tồn kho lớn, dòng tiền bị ngắt, lãi suất ngân hàng sẽ là gánh nặng, sản xuất nguyên liệu ngưng trệ, nhiều người lao động bị ảnh hưởng, áp lực cạnh tranh quốc tế gia tăng (cung lớn, giá giảm) ở các thị trường nhập khẩu khác, kim ngạch XK của ngành hàng có nguy cơ sụt giảm…

Chính vì vậy, điều cần làm trong lúc này là tìm ra những giải pháp để hỗ trợ DN duy trì sản xuất, củng cố chuỗi cung ứng, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường, gia tăng xúc tiến thương mại trong thời gian tới.

Còn tại đại hội cổ đông thường niên năm 2025 được tổ chức ở Tp.HCM hôm 8/5, khi bàn về đối phó với chính sách thuế đối ứng từ Hoa Kỳ, ông Lê Đức Nghĩa, Chủ tịch HĐQT CTCP Gỗ An Cường (ACG), cho biết bản thân đã có kế hoạch, tìm đối tác ở những nước có thuế thấp để đem máy móc sang hợp tác sản xuất trong trường hợp xấu nhất áp thuế 30-46%.

Theo ông Nghĩa, công ty đã có sẵn khách hàng, đã có cách làm, đã có phần mềm quản trị, máy móc thì khấu hao gần hết. Và cạnh tranh hơn nhau ở cách làm chứ không phải hơn nhau ở máy móc.  

Vị chủ tịch của ACG đưa ra dẫn chứng như Trung Quốc khi bị áp thuế thì đổ xô sang Việt Nam trong vòng 3 đến 4 tháng là họ có thể setup (thiết lập) một nhà máy để sản xuất lại bình thường. Bản thân ông cũng nghiên cứu về cách làm của người Trung Quốc, và chỉ 3 đến 4 tháng là ông có thể setup một nhà máy ở Philippines để công ty có thể xuất ngược vào Mỹ. 

Không ngồi yên chịu trận

Ngoài ra, theo ông Nghĩa, công ty có thể chuyển sang các nước có thuế rẻ, hoặc có thể mở rộng bằng cách chuyển sang Trung Đông, Nhật, Australia, Canada, Đông Nam Á...với doanh số vài triệu USD để giảm phần hụt thu từ thị trường Mỹ.

Có thể nói trước việc siết chặt các quy định từ EU, hay chính sách thuế đối ứng của Mỹ, các DN Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt quan trọng cần phải thay đổi trước những áp lực này. Họ cần một chiến lược toàn diện hơn, đó là phát triển năng lực đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu.

Riêng với áp lực thuế đối ứng từ Hoa Kỳ, xét ở ngành công nghệ Việt Nam, Ts. James Kang (Đại học RMIT), cho rằng Việt Nam “không ngồi yên chịu trận”. Nhiều DN công nghệ trong nước đang nhanh chóng thích ứng bằng cách chuyển hướng sang các công nghệ thông minh, đầu tư vào phần mềm và dịch vụ số, đồng thời tìm kiếm thị trường mới ngoài các kênh truyền thống để tồn tại và giảm thiểu tác động tiêu cực.

Như chia sẻ của Ts. James Kang, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã hưởng lợi từ những biến động thương mại toàn cầu, đặc biệt là căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng lần này, chính Việt Nam lại là đối tượng chịu áp lực. Các mức thuế mới khiến những sản phẩm XK từ Việt Nam như điện thoại và chip bán dẫn, bao gồm cả chip của Intel, trở nên kém cạnh tranh hơn tại Mỹ - một trong những thị trường lớn nhất.

“Dẫu vậy, thách thức này có thể trở thành bước ngoặt. Thay vì chờ đợi gió đổi chiều, nhiều DN Việt đã chủ động hành động. Việt Nam cam kết chặn dòng hàng hóa Trung Quốc đội lốt xuất xứ qua lãnh thổ mình – bước đi mang tính chiến lược nhằm giảm căng thẳng thương mại và thể hiện thiện chí với các chính sách của chính quyền Trump”, Ts. James Kang bộc bạch

Vị chuyên gia này cũng nhận định ngày càng nhiều DN chuyển sang mô hình sản xuất thông minh, ứng dụng tự động hóa với các công nghệ như robot, cảm biến Internet vạn vật và phân tích dữ liệu để sản xuất nhanh và chính xác hơn. Một số công ty còn cung cấp dịch vụ chuyển đổi số để hỗ trợ các doanh nghiệp khác hiện đại hóa vận hành.

Xét cho cùng, trước áp lực từ thị trường nhập khẩu là động lực cho các DN Việt có thể thay đổi tích cực hơn trong thời gian tới. Lẽ đương nhiên, việc chuyển đổi đi kèm với thách thức. Do đó, các DN cần đầu tư đào tạo nhân lực, nâng cấp công nghệ và thay đổi tư duy. Với nhiều công ty, đây là lựa chọn duy nhất để tiến lên phía trước.

Nguồn: VNBusiness