Báo cáo: Việt Nam sau 02 năm thực thi Hiệp định CPTPP từ góc nhìn doanh nghiệp

08/05/2021

Thời gian: 2021 

Đơn vị thực hiện: Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI 

Là thỏa thuận thương mại tự do (FTA) thế hệ mới có quy mô lớn nhất mà Việt Nam từng tham gia, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được xem là cột mốc có tính bước ngoặt trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế theo chiều sâu của Việt Nam. Tính tới nay, CPTPP đã chính thức có hiệu lực với Việt Nam được 02 năm. Trong hai năm này, nhiều cam kết của CPTPP đã được triển khai trên thực tế, những kết quả đầu tiên cũng đã được phản ánh thông qua các số liệu thống kê vĩ mô về thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với các đối tác CPTPP, và các dữ liệu về công tác cải cách thể chế thực thi cam kết CPTPP ở Việt Nam.

Mặc dù vậy, ở cấp độ vi mô, có rất ít thông tin thực tiễn về ảnh hưởng và tác động thực tế của CPTPP từ góc độ các doanh nghiệp cụ thể, đặc biệt là các doanh nghiêp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp Việt Nam đang hiểu biết về Hiệp định như thế nào, đã tận dụng được cơ hội từ đây ra sao, phải chịu những thiệt hại như thế nào và điều gì đang ngăn cản họ tiếp cận những cơ hội được cho là rất đáng kể từ Hiệp định này… là những điều lâu nay mới chỉ được phỏng đoán hoặc nhận diện đơn lẻ. Cũng như vậy, chưa có những thông tin rõ ràng về cảm nhận và đánh giá của doanh nghiệp về CPTPP, về việc thực thi Hiệp định trong thời gian qua cũng như dự định của họ đối với việc tận dụng Hiệp định trong giai đoạn tới, với bối cảnh COVID-19 và thương mại toàn cầu biến động.

Trong khi đó, hiệu quả thực sự của CPTPP nói riêng và các FTA nói chung phụ thuộc một phần không nhỏ vào dự tính và hành động của các doanh nghiệp cụ thể. Vì vậy, những thông tin về thực tiễn tận dụng CPTPP của doanh nghiệp, khó khăn, hy vọng và đề xuất của họ sẽ là chỉ dấu có ý nghĩa cho các cơ quan hoạch định chính sách và quản lý liên quan. Trên cơ sở những thông tin này, Chính phủ có thể có điều chỉnh thích hợp ở nhiều khía cạnh nhằm đưa những cam kết CPTPP đến gần hơn với các doanh nghiệp, hỗ trợ để những cơ hội tiềm tàng của CPTPP trở nên khả thi hơn với các chủ thể kinh doanh.

Với mục tiêu đưa ra bức tranh toàn cảnh về hai năm thực hiện CPTPP từ góc độ doanh nghiệp, đồng thời nhận diện được các thực tế về năng lực, hoạt động, cảm nhận và mong muốn cụ thể của doanh nghiệp, qua đó đưa ra các hàm ý chính sách cần thiết với Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền để triển khai hiệu quả CPTPP trong thời gian tới, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (Trung tâm WTO và Hội nhập) thực hiện Báo cáo “Việt Nam sau 02 năm thực thi Hiệp định CPTPP từ góc nhìn doanh nghiệp”.

Báo cáo được thực hiện trên cơ sở phân tích kết quả Khảo sát doanh nghiệp thực hiện trong khoảng tháng 8-10/2020 về các khía cạnh liên quan tới thực tiễn thực thi CPTPP và các FTA của doanh nghiệp. Để cung cấp bức tranh toàn cảnh, làm tiền đề cho việc so sánh, kiến giải các thông tin từ Khảo sát, Báo cáo cũng phân tích các số liệu thống kê về tình hình thương mại và đầu tư chung giữa Việt Nam với các đối tác CPTPP và công tác xây dựng pháp luật thực thi CPTPP trong hai năm 2019-2020. 

Báo cáo phản ánh việc thực thi CPTPP trong hai năm đầu từ góc nhìn của doanh nghiệp, làm rõ các đánh giá cũng như cảm nhận của doanh nghiệp về tác động của CPTPP với hoạt động kinh doanh của họ trong thời gian qua, cũng như những dự báo của họ về ảnh hưởng CPTPP trong giai đoạn “bình thường mới” hậu COVID-19 sắp tới. 

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ kỹ thuật của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) cho việc nghiên cứu, khảo sát và xây dựng Báo cáo này.

Bản mềm Báo cáo được đính kèm dưới đây: