Một số chính sách triển khai CEAP ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam?
CEAP là một gói các biện pháp thực hành sản phẩm tuần hoàn trong 07 chuỗi giá trị sản phẩm quan trọng. Nhiều quy định/chính sách triển khai Kế hoạch này áp dụng cho tất cả các sản phẩm liên quan (không phân biệt nội khối EU hay nhập khẩu từ bên ngoài). Do đó, CEAP và các văn bản cụ thể hóa CEAP đang và sẽ ảnh hưởng đáng kể tới hàng hóa liên quan từ bên ngoài vào EU, trong đó có hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam.
Một số nhóm biện pháp thực thi đã được EU triển khai trong khuôn khổ CEAP có tác động đáng kể tới hàng hóa nhập khẩu vào EU (bao gồm hàng hóa từ Việt Nam):
1. Chiến lược Dệt may bền vững và tuần hoàn (EU Strategy for Sustainable and Circular Textiles – EUSSCT)
- Tiến trình: Chiến lược Dệt may bền vững và tuần hoàn của EU (EUSSCT) được Ủy ban châu Âu công bố ngày 30/3/2022
- Nội dung: EUSSCT xác định các định hướng chính sách cụ thể để chuyển đổi xanh và phát triển bền vững trong toàn bộ chuỗi giá trị hàng dệt may. Đây là căn cứ quan trọng để các Cơ quan của EU triển khai xây dựng các quy định pháp luật cụ thể hóa các quyền và nghĩa vụ của các chủ thể liên quan trong chuỗi giá trị hàng dệt may. Đồng thời, đây cũng là các cơ sở để các doanh nghiệp dệt may toàn cầu nhận diện được một cách rõ ràng về tương lai chính sách của Khối này, qua đó có thể có sự chuẩn bị một cách phù hợp cho tương lai này.
2. Chỉ thị 2024/825 ngày 28/2/2024 về trao quyền cho người tiêu dùng trong thực hiện chuyển đổi xanh (Empowering Consumers Directive/ Directive 2024/825 as regards empowering consumers for the green transition through better protection against unfair practices and through better information)
- Tiến trình: Chỉ thị này đã được đăng trên công báo EU ngày 6/3/2024 và có hiệu lực ngày 26/3/2024.
- Nội dung: Nội dung Chỉ thị bao gồm các sửa đổi pháp luật hiện hành nhằm giúp người tiêu dùng EU được thông tin đầy đủ hơn về sản phẩm, từ đó có thể thực hiện các lựa chọn tiêu dùng xanh, thân thiện với môi trường. Cụ thể, nhà sản xuất và thương nhân sẽ phải (i) cung cấp nhiều thông tin chi tiết hơn về độ bền, khả năng sửa chữa và tính bền vững của sản phẩm; (ii) từ bỏ các hành vi buộc sản phẩm trở thành lỗi thời sớm[1] và (iii) bảo đảm chỉ sử dụng các nhãn bền vững đã được kiểm chứng.
3. Quy định 2024/1781 ngày 13/6/2024 về Thiết kế sinh thái cho các sản phẩm bền vững (Regulation 2024/1781 establishing a framework for the setting of ecodesign requirements for sustainable products)
- Tiến trình: Quy định này đã được công bố trên Công báo EU vào ngày 28/6/2024 và có hiệu lực vào ngày 18/7/2024.
- Nội dung:
+ Về phạm vi: Quy định này thay thế Chỉ thị về Nhãn sinh thái (Ecodesign Directive) hiện đang áp dụng ở EU, sẽ (i) điều chỉnh tất cả các sản phẩm chế biến chế tạo trừ thực phẩm, dược phẩm, các loại thức ăn gia súc, động thực vật (thay vì chỉ các sản phẩm có liên quan tới năng lượng trong Chỉ thị hiện hành); và (ii) thực hiện theo các quy định thống nhất trên toàn EU (thay vì theo quy định riêng của từng nước thành viên trong Chỉ thị hiện hành);
+ Về các quy định: Quy định mới (i) đặt ra các yêu cầu cụ thể về thiết kế sinh thái theo từng nhóm sản phẩm để thích hợp với đặc điểm vòng đời của mỗi nhóm thông qua các tiêu chí tối thiểu để đảm bảo sản phẩm bền, tin cậy, có thể tái sử dụng, có thể sửa chữa, tiết kiệm năng lượng và có một số bộ phận có thể tái chế; (ii) hướng dẫn các khả năng tân trang, tái chế, khôi phục sản phẩm; (iii) quy định về “hộ chiếu sản phẩm” dạng số (theo đó mỗi sản phẩm đều phải có một “hộ chiếu” số hóa cho phép tra cứu các thông tin liên quan tới sản phẩm).
4. Quy định 2023/1542 ngày 12/7/2023 về pin và rác thải từ pin (Regulation 2023/1542 concerning batteries and waste batteries)
- Tiến trình: Quy định này đã được công bố trên Công báo EU vào ngày 28/7/2023 và có hiệu lực vào ngày 17/8/2023
- Nội dung:
+ Về phạm vi: Quy định này áp dụng cho tất cả các loại pin (bất kể hình dạng, thể tích, trong lượng, thiết kế, thành phần, cách sử dụng và mục đích sử dụng), bao gồm cả pin được tích hợp/thêm vào sản phẩm hoặc được thiết kế riêng để tích hợp/thêm vào sản phẩm.
+ Về các quy định: Quy định này đặt ra các yêu cầu bắt buộc đối với các loại pin được tiêu thụ tại thị trường EU (gồm cả pin được sản xuất tại EU và pin nhập khẩu), bao gồm các yêu cầu về tính bền vững, an toàn, đánh dấu, ghi nhãn; yêu cầu tối thiểu về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất; các yêu cầu về thu gom, xử lý pin thái; nghĩa vụ thẩm định pin trước khi đưa pin ra thị trường/đưa vào sử dụng; đồng thời cũng đặt ra các yêu cầu về mua sắm công xanh đối với pin và các sản phẩm có pin…
5. Các quy định về Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (Extended Producer responsibility - EPR)
- Chương trình EPR vốn là một công cụ chính sách để thực hiện Chỉ thị của EU về rác thải (Waste Framework Directive) và Chỉ thị về đóng gói và rác thải bao bì (Packaging and Packaging Waste Directive), theo đó các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm tài chính một phần hoặc toàn bộ cho việc xử lý rác thải từ quá trình sử dụng sản phẩm của mình thông qua việc nộp một khoản phí tương ứng cho quốc gia nơi phải xử lý các rác thải này. Mục tiêu của EPR là buộc nhà sản xuất phải suy nghĩ và tìm biện pháp (trong thiết kế và sản xuất) để hạn chế tối thiểu lượng rác thải sinh ra từ việc sử dụng sản phẩm.
EPR hiện đã và đang áp dụng ở EU, tuy nhiên, chỉ giới hạn ở một số nhóm sản phẩm (ví dụ pin, ác quy, phương tiện vận tải…).
- Trong khuôn khổ thực thi Thỏa thuận Xanh, Chương trình EPR có thể được điều chỉnh để mở rộng về phạm vi (ví dụ áp dụng cho rác thải từ bao bì của tất cả các sản phẩm) và về tiến độ (tới hết năm 2024, dự kiến tất cả các nước thành viên EU sẽ có kế hoạch riêng về EPR đối với rác thải bao bì, áp dụng cho các sản phẩm nội địa hoặc nước ngoài nhập khẩu và tiêu thụ tại thị trường nước mình).
Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI
[1] Ví dụ đối với các sản phẩm điện tử, nhà sản xuất có thể thiết kế các ứng dụng, cập nhật mới mà chỉ thích hợp với các mẫu sản phẩm mới, từ đó thúc đẩy người dùng phải bỏ sản phẩm mẫu cũ để mua sản phẩm mẫu mới.
Các tài liệu tham khảo được đính kèm dưới đây: