Các thách thức từ CEAP đối với xuất khẩu Việt Nam và những khuyến nghị liên quan?

EU là thị trường phát triển, vốn có những tiêu chuẩn cao trong hầu hết các khía cạnh. Do đó, trong so sánh với nhiều thị trường khác, từ trước đến nay EU vẫn luôn là khu vực mà doanh nghiệp gặp nhiều thách thức trong đáp ứng các tiêu chuẩn TBT, SPS để tiếp cận thị trường.

Với CEAP, EU thực hiện một loạt các sửa đổi trong các quy định pháp luật tương ứng của EU theo hướng nâng cao, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (TBT) liên quan đối với các sản phẩm được liệt kê (tiêu chuẩn về đặc tính sản phẩm, về quy trình đóng gói, về cách thức ghi nhãn …) hoặc các yêu cầu đối với việc xử lý rác thải sau tiêu dùng. Điều này đòi hỏi các hàng hóa xuất khẩu liên quan của Việt Nam phải tuân thủ các tiêu chuẩn mới hoặc tiêu chuẩn cao hơn so với trước đây (thậm chí có lộ trình tiếp tục cao hơn, khắt khe hơn trong tương lai).

Một số thách thức lớn mà doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam gặp phải khi EU triển khai Kế hoạch CEAP:

Thách thức trong nâng cao nhận thức về CEAP

CEAP là một gói các biện pháp chính sách toàn diện trong 07 chuỗi giá trị sản phẩm quan trọng. Nhiều quy định/chính sách triển khai Kế hoạch này áp dụng cho tất cả các sản phẩm liên quan (không phân biệt nội khối EU hay nhập khẩu từ bên ngoài), do đó CEAP và các văn bản cụ thể hóa CEAP được nhận định sẽ ảnh hưởng đáng kể tới hàng hóa xuất khẩu liên quan từ Việt Nam sang khối này.

Tuy nhiên các doanh nghiệp của Việt Nam hiện mới chỉ bắt đầu quan tâm đến một số chính sách xanh của EU như Cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới (CBAM), Quy định chống phá rừng (EUDR)… mà chưa tìm hiểu đến các chính sách trong Thỏa thuận xanh của EU (trong đó có CEAP) một cách bài bản, chuẩn xác. Điều này khiến các doanh nghiệp Việt Nam không nắm bắt được các yêu cầu mới đã/đang/dự kiến sẽ áp dụng đối với hàng hóa liên quan trong khuôn khổ CEAP, từ đó đánh mất khả năng xuất khẩu sang thị trường EU do không đáp ứng các quy định của khối này.

Do đó, thách thức đầu tiên mà các nhà sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam sang EU cần xử lý là thay đổi, nâng cao nhận thức về Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn (CEAP) mới của EU. Để thực hiện được điều này, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam được khuyến nghị:

  • Tìm hiểu nội dung cũng như Kế hoạch hành động cụ thể (35 hành động) của CEAP, qua đó nắm bắt được xu hướng và các mục tiêu chính sách của từng hành động
  • Cập nhật thường xuyên, liên tục diễn tiến việc thực thi từng hành động cụ thể (tìm hiểu về diện điều chỉnh, cách thức áp dụng, lộ trình thực hiện trên thực tế của từng quy định liên quan, từ đó có sự điều chỉnh cần thiết)
  • Chủ động liên hệ với các cơ quan nhà nước, tổ chức, hiệp hội liên quan để được hỗ trợ trong việc tìm hiểu các quy định thực thi CEAP.

Thách thức trong năng lực đáp ứng/tuân thủ

Với tính chất là một gói các biện pháp nhằm nâng cấp, bổ sung mới nhiều quy định trong chuỗi giá trị sản phẩm mục tiêu, CEAP đòi hỏi nhiều mặt hàng xuất khẩu liên quan của Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu/tiêu chuẩn mới hoặc tiêu chuẩn ngày càng khắt khe hơn.

Tùy loại tiêu chuẩn, lĩnh vực và hiện trạng năng lực của các nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam mà thách thức đặt ra trong đáp ứng các tiêu chuẩn xanh mới đang hoặc sẽ có hiệu lực ở EU là không giống nhau. Tuy nhiên, trong tổng thể chung, các tiêu chuẩn/quy định mới/nâng cấp nhằm thực thi CEAP đòi hỏi doanh nghiệp phải vượt qua các thách thức cụ thể liên quan tới:

  • Năng lực về công nghệ: Nhiều tiêu chuẩn xanh đối với sản phẩm đòi hỏi sự thay đổi, cập nhật công nghệ trong sản xuất để tạo ra các sản phẩm đáp ứng các yêu cầu mới hoặc yêu cầu hiện có nhưng ở mức cao hơn. Thậm chí trong một số trường hợp, công nghệ phải sẵn sàng để cập nhật các mức độ mới của cùng một tiêu chuẩn theo lộ trình thực hiện từng thời kỳ (ví dụ các quy định siết chặt dần tiến tới loại bỏ một số loại hóa chất độc hại, hạt vi nhựa…).
  • Năng lực xây dựng/kiểm soát sản phẩm bền vững từ khâu thiết kế: Với CEAP, EU đưa ra nhiều yêu cầu về cải thiện độ bền, tăng khả năng sửa chữa của sản phẩm, đồng thời đặt ra các yêu cầu về thu gom, xử lý rác thải, nâng cao hiệu quả của việc sử dụng nguyên liệu thô thứ cấp (hàm lượng tái chế bắt buộc), đòi hỏi doanh nghiệp phải điều chỉnh, xây dựng mới quy trình sản xuất sản phẩm (từ khâu thiết kế đến thải bỏ sản phẩm) để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu bắt buộc của EU.
  • Năng lực lao động: Việc áp dụng các tiêu chuẩn mới/nâng cấp của EU đòi hỏi trình độ lao động phải được nâng cao (để đáp ứng các công nghệ mới được triển khai nhằm tuân thủ các tiêu chuẩn mới/cao hơn và/hoặc để thiết kế, xây dựng sản phẩm bền vững (có độ bền/khả năng sửa chữa cao, chất thải có khả năng được tái chế/sử dụng làm nguyên liệu thứ cấp…), điều này dẫn tới sức ép buộc doanh nghiệp phải đào tạo, đào tạo lại lao động để đáp ứng các tiêu chuẩn này.

Trên thực tế, rất ít doanh nghiệp Việt Nam (kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) có đủ khả năng (cả về vốn và nhân lực) để ngay lập tức chuyển đổi và đáp ứng tất cả các khía cạnh năng lực. Để vượt qua những thách thức không tránh khỏi này, doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu sản phẩm liên quan sang thị trường EU được khuyến nghị:

  • Theo dõi, thường xuyên cập nhật về lộ trình thực hiện kế hoạch hành động theo CEAP để có tầm nhìn rõ ràng, chính xác về các chiều hướng tiêu chuẩn xanh, đồng thời tìm hiểu kỹ, chính xác, đầy đủ về các yêu cầu, phạm vi áp dụng, lộ trình thực hiện của các tiêu chuẩn/quy định xanh cụ thể có liên quan, từ đó có sự chuẩn bị phù hợp, kịp thời (không quá sớm cũng không quá muộn), hiệu quả và tiết kiệm chi phí theo lộ trình;
  • Trong dài hạn, xây dựng kế hoạch, lộ trình phù hợp với năng lực của mình để dần xanh hóa quy trình sản xuất, từ đó tương thích với xu hướng chung ở thị trường xuất khẩu và có thể chỉ cần điều chỉnh nhỏ để đáp ứng các tiêu chuẩn mới khi chúng được áp dụng.

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI