Dệt may Việt Nam trước yêu cầu của EUSSCT?
EU là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của dệt may Việt Nam trong suốt nhiều năm qua.
Về kim ngạch, xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang EU ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể trong 5 năm trở lại đây, tăng từ 5,14 tỷ USD năm 2018 lên đến 7,3 tỷ USD vào năm 2022 (số liệu ITC Trade Map). Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trung bình của hàng dệt may thành phẩm từ Việt Nam sang EU giai đoạn 2018-2022 đạt 10,9%, trong đó giá trị xuất khẩu năm 2022 có sự tăng trưởng vượt bậc với 24,4%. Nếu chỉ tính riêng hàng may mặc (đối tượng chủ yếu của EUSSCT), theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang EU đạt trên 4,38 tỷ USD, tăng tới 34,7% so với năm 2021 và chiếm 11,67% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc đi toàn cầu của Việt Nam.
Dư địa thị trường của dệt may Việt Nam ở EU cũng được đánh giá là còn rất khả quan trong bối cảnh EU là nhà nhập khẩu hàng dệt may lớn thứ 2 thế giới, trong khi hàng dệt may thành phẩm của Việt Nam mới chỉ chiếm 3,2% tổng lượng nhập khẩu của EU.
Quan trọng hơn, với EU tiên phong trong các vấn đề về dệt may bền vững, rất có thể các thị trường xuất khẩu dệt may khác của Việt Nam, đặc biệt là Hoa Kỳ (với kim ngạch 17,36 tỷ USD, chiếm tới 46,21% tổng xuất khẩu hàng may mặc Việt Nam năm 2022), cũng sẽ có những chuyển động tương tự trong những năm tới.
Do đó, chuyển đổi xanh theo các định hướng tại EUSSCT không chỉ là đòi hỏi sống còn để dệt may Việt Nam có thể tiếp tục xuất khẩu sang EU mà còn là điều kiện quan trọng để Việt Nam thích ứng và tiếp tục phát triển ở các thị trường xuất khẩu quan trọng khác trong bối cảnh chuyển đổi xanh toàn cầu.
Với các hành động dự kiến bao trùm toàn bộ các giai đoạn trong chuỗi giá trị hàng dệt may của EUSSCT, chuyển đổi xanh để đáp ứng EUSSCT đòi hỏi những bước đi toàn diện, tổng thể ở tất cả các khía cạnh từ nguồn cung, môi trường sản xuất tới trách nhiệm trong xử lý rác thải dệt may.
Điều này đòi hỏi nỗ lực và chi phí chuyển đổi lớn đối với ngành dệt may Việt Nam, nhất là trong các khía cạnh:
- Hoạt động tái cơ cấu và chuyển đổi công nghệ, dây chuyền sản xuất đáp ứng các yêu cầu đối với chất lượng sản phẩm, bao bì đóng gói, ghi nhãn hàng hóa…;
- Chi phí điều chỉnh, nâng cấp điều kiện làm việc, lao động để tuân thủ các tiêu chuẩn cao về lao động.
Mặc dù vậy, xét trong lâu dài, chuyển đổi xanh theo EUSSCT cũng được kỳ vọng sẽ mang tới lợi ích nhất định cho Việt Nam, đặc biệt là:
- Lợi ích cho người lao động và môi trường nơi tiến hành các hoạt động kinh doanh của ngành thông qua xu hướng giảm tác động xấu tới môi trường và nâng cao điều kiện làm việc cho người lao động;
- Động lực thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài từ quá trình chuyển đổi sản xuất, thiết lập các dây chuyền sản xuất mới và các cơ hội thị trường mở ra từ quá trình này.
Đồng thời, từ góc độ thực tiễn, dệt may Việt Nam được đánh giá là cũng có một số lợi thế trong thực hiện chuyển đổi xanh nói chung và theo các định hướng của EUSSCT nói riêng:
- Trên thực tế, từ một số năm trở lại đây, để thích ứng với các phong trào xanh của người tiêu dùng sở tại, khách hàng EU (các nhà nhập khẩu, chủ các nhãn hàng thời trang) đã đi trước rất xa so với các cơ quan có thẩm quyền ở EU trong chuyển đổi xanh. Từ lâu, các khách hàng lớn của EU đã đặt ra các tiêu chuẩn xanh nhất định đối với nhà sản xuất gia công theo đơn hàng của họ ở các nước thứ ba. Từ đây, một bộ phận đáng kể các nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam trên thực tế đã và đang thực hiện các tiêu chuẩn xanh khác nhau trong quy trình sản xuất dệt may, phần lớn trong số này nằm trong các định hướng hành động hiện nay của EUSSCT. Vì vậy, doanh nghiệp dệt may xuất khẩu đi EU hoặc các thị trường phát triển có thể sẽ không quá khó khăn, bỡ ngỡ khi thực hiện các yêu cầu được cụ thể hóa từ EUSSCT;
- Với đặc điểm chủ yếu là sản xuất gia công theo mẫu mã và đơn đặt hàng của các nhãn hàng ở EU, nhóm các nhà sản xuất, xuất khẩu dệt may gia công ở Việt Nam có thể không phải đối tượng phải trực tiếp thực hiện một số yêu cầu xanh cụ thể (ví dụ như thiết kế sinh thái, các tiêu chuẩn về hóa chất/hạt vi nhựa trong sợi vải, ghi nhãn hàng dệt may…), bởi đây vốn là các vấn đề do khách hàng thực hiện/chỉ định. Tất nhiên, ngay cả với nhóm này, ở các khía cạnh liên quan tới quy trình sản xuất trực tiếp hoặc trách nhiệm mở rộng đối với rác thải dệt may, nhà sản xuất xuất khẩu dệt may vẫn là chủ thể chính trong thực hiện các chính sách xanh liên quan không chỉ từ góc độ pháp lý (phải thực hiện theo quy định) mà còn là nhân tố quan trọng trong cạnh tranh (để thu hút đơn hàng từ các khách hàng EU).
Được công bố từ cuối năm 2022, Chiến lược Dệt may Bền vững và Tuần hoàn của EU đã và đang được Ủy ban châu Âu hiện thực hóa bằng những dự thảo quy định bám sát các định hướng được nêu và sẽ sớm được thông qua trong thời gian tới. Một khi các quy định này có hiệu lực, hàng dệt may nhập khẩu vào EU sẽ buộc phải tuân thủ mà không có bất kỳ lựa chọn nào khác. Không chỉ EU, các thị trường phát triển khác, đặc biệt là Hoa Kỳ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, cũng đang có các kế hoạch tương tự, dù có thể muộn hơn. Do đó, doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang hoặc có kế hoạch xuất khẩu sang thị trường EU nói riêng và các thị trường phát triển nói chung cần sớm tìm hiểu để EUSSCT để nhận diện ngay các tiêu chuẩn xanh dự kiến trong tương lai của EU cũng như của các thị trường tương tự, qua đó có sự chuẩn bị và hành động cần thiết để tuân thủ kịp thời. Các cơ quan, tổ chức hữu quan ở Việt Nam cũng cần có những hỗ trợ phù hợp cho các doanh nghiệp dệt may trong quá trình chuyển đổi phức tạp, tốn kém đầy thách thức nhưng không thể tránh khỏi này.
Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI