Hiện trạng chuyển đổi xanh của ngành dệt may Việt Nam?

Với khoảng 60-70% kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc có điểm đến là các thị trường phát triển, nơi phong trào tiêu dùng xanh, và các yêu cầu về chuỗi cung ứng bền vững phát triển mạnh mẽ, ngành dệt may xuất khẩu của Việt Nam nhận thức rất rõ về các yêu cầu chuyển đổi xanh trong sản xuất kinh doanh.

Như đã đề cập, khá nhiều các doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may để xuất khẩu đi các thị trường như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản… đã và đang thực hiện các yêu cầu xanh – bền vững theo định hướng của EUSSCT với tính chất là các tiêu chuẩn tự nguyện từ phía khách hàng. 

Tuy nhiên, từ việc nhận diện các định hướng của EUSSCT có thể thấy các quy định bắt buộc về xanh – bền vững của EU trong tương lai có phạm vi rộng hơn và có các yêu cầu khắt khe hơn đáng kể so với các tiêu chuẩn bền vững tự nguyện mà các khách hàng EU, Hoa Kỳ đang yêu cầu hiện nay.

Cùng với đó, ở trong nước, với cùng mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, Chính phủ Việt Nam cũng đã bắt đầu triển khai các chính sách cụ thể nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh trong hoạt động sản xuất chế biến chế tạo, đặc biệt là từ góc độ thông tin (kiểm kê phát thải khí nhà kính) và thúc đẩy sản xuất có trách nhiệm (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất).

Dưới sức ép của các yêu cầu chuyển đổi xanh cả trên bình diện quốc tế và nội địa, một số doanh nghiệp dệt may đã bắt đầu những bước đầu tiên trên lộ trình chuyển đổi xanh và bền vững. Dưới đây là một số ví dụ:

  • Sản xuất sợi tái chế: Đã xuất hiện một số dự án hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác nước ngoài để sản xuất sợi tái chế, sau đó sử dụng sợi tái chế này để sản xuất ra vải, sợi cho hàng xuất khẩu của doanh nghiệp.
  • Sử dụng năng lượng tái tạo: Một số doanh nghiệp dệt may lớn của Việt Nam đã bắt đầu sử dụng điện mặt trời cho dây chuyền sản xuất.
  • Xử lý nước thải: Nhiều doanh nghiệp dệt may ở Việt Nam đã triển khai sử dụng các công nghệ xử lý nước thải tiên tiến (ví dụ sử dụng hóa chất để trung hòa hoặc khử các thành phần độc hại trong nước thải từ quá trình sử dụng hóa chất dệt nhuộm, sử dụng vi sinh vật để phá vỡ các cấu trúc hữu cơ độc hại trong nước thải…) để xử lý nước thải và tái sử dụng một phần lượng nước này, qua đó hạn chế tối đa tác động tới môi trường từ lượng nước xả thải.
  • Sử dụng nguyên phụ liệu xanh: Một số doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã bắt đầu sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào xanh cho sản xuất. Một số thậm chí còn có các cơ sở nghiên cứu phát triển (R&D) riêng để bảo đảm các thiết kế sản phẩm thân thiện với môi trường hoặc sử dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên (ví dụ vải từ tơ sen, bạc hà, sợi tre, bã cà phê…).

Mặc dù đã nhận thức được về sự cần thiết của chuyển đổi xanh trong sản xuất xuất khẩu, và đã có những ví dụ đầu tiên về các nỗ lực chuyển đổi xanh thực tế, các kết quả thực tế vẫn còn ở phạm vi và quy mô rất khiêm tốn.

Đối với đa số các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu Việt Nam (mà phần lớn là nhỏ, siêu nhỏ), chuyển đổi xanh vẫn là thách thức lớn từ cả góc độ chi phí, công nghệ và nguồn nhân lực. Do đó, bên cạnh các nỗ lực của từng doanh nghiệp trong tìm hiểu, chuẩn bị nguồn lực và từng bước triển khai các công việc chuyển đổi trong các khía cạnh thích hợp, sự hỗ trợ từ góc độ chính sách của Nhà nước là rất quan trọng để thúc đẩy quá trình này, đặc biệt là các biện pháp khuyến khích trong ưu tiên tiếp cận vốn, công nghệ, sử dụng các dịch vụ hỗ trợ khác cho doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh. Trên thực tế, hỗ trợ thực hiện chuyển đổi xanh trong ngành dệt may nói riêng và trong hoạt động sản xuất, chế biến chế tạo nói chung cũng là yêu cầu chính sách của chính Việt Nam để phát triển bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho người lao động và môi trường Việt Nam.

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI