Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, do môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, cơ sở hạ tầng không ngừng phát triển... Đó là cơ sở để nhiều kinh tế gia, nhà quản lý hy vọng việc thu hút FDI sẽ còn khả quan hơn trong tương lai.

Thực tế đúng vậy. Năm 2015, Việt Nam thu hút khoảng 14,5 tỷ USD vốn FDI, tăng 17,4% so với năm 2014; 3 tháng đầu năm thu hút xấp xỉ 3,5 tỷ USD, trong đó, riêng công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt 2,9 tỷ USD, chiếm tỷ trọng vượt trội.

Thế nhưng, nhìn rộng ra các quốc gia đối thủ cạnh tranh thu hút FDI với Việt Nam, Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2015 (PCI 2015- dựa trên khảo sát 11.700 doanh nghiệp, trong đó có gần 1.600 doanh nghiệp FDI) cho thấy những điều đáng quan tâm.

Năm 2015, Campuchia ra khỏi top 3 đối thủ của Việt Nam trong cạnh tranh thu hút FDI. Tuy nhiên, các đối thủ truyền thống như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia đều mạnh lên rất nhiều, bên cạnh sự hấp dẫn vượt trội của Myanmar.

Theo kết quả khảo sát, năm 2015, phân nửa số doanh nghiệp FDI đang đầu tư tại Việt Nam đã từng cân nhắc đầu tư vào nước khác, chủ yếu là Trung Quốc (27,9%), Thái Lan (21,2%) và Indonesia (12,6%) trước khi chọn Việt Nam. Những con số này đều tăng mạnh so với năm 2014 (Trung Quốc 11,1%, Thái Lan 10,6%, Indonesia 7,29%). Đặc biệt, Myanmar nổi lên như “cục nam châm lớn” khi tỷ lệ lựa chọn tăng từ 2,48% năm 2014 lên 9,03% năm 2015.

“Hấp lực” với FDI của nhiều nước đang tăng rất mạnh, các nhà đầu tư có nhiều “miền đất hứa” để lựa chọn, Việt Nam đang và sẽ phải cạnh tranh quyết liệt Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia và một số quốc gia mới nổi như Myanmar...

Bên cạnh đó, ngoài sự cân nhắc đầu tư vào các nước khác, các nhà đầu tư nước ngoài nghĩ gì về môi trường đầu tư Việt Nam?

Đánh giá những yếu tố về môi trường kinh doanh của Việt Nam trong tương quan so sánh với các quốc gia từng cân nhắc chọn địa điểm đầu tư, các doanh nghiệp FDI đã chỉ ra 4 điểm mạnh của Việt Nam: Mức thuế, rủi ro thu hồi tài sản, khả năng tác động chính sách và ổn định chính trị. Nhưng, hầu hết các doanh nghiệp FDI đều chia sẻ cảm nhận chung: Môi trường kinh doanh của Việt Nam kém hấp dẫn hơn, xét về các yếu tố như tham nhũng, chất lượng dịch vụ công, chất lượng cơ sở hạ tầng... Các nhà đầu tư xếp hạng cơ sở hạ tầng của Việt Nam chỉ ngang bằng với các nước láng giềng Campuchia, Lào...

Trông người, nhìn lại mình, biết mình đang đứng ở đâu, để không bị tụt hậu - đó là việc không thể không làm.   

Nguồn: Báo điện tử Công thương