Các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) trong năm 2024 và cân nhắc mở rộng thêm đối tượng áp dụng, do động lực tiêu dùng nội địa còn yếu.
Sáng 17-5, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tổ chức Tọa đàm Chính sách về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024. Một trong những kiến nghị quan trọng được nêu tại tọa đàm là tiếp tục giảm thuế VAT trong năm 2024 và cân nhắc mở rộng thêm đối tượng áp dụng.
Mặc dù 2023 là một năm “sóng gió” đối với nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên bức tranh tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2024 được kỳ vọng sẽ có thêm những tích cực, tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong trung và dài hạn. Các tổ chức quốc tế như WB, IMF, AMRO đều dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 tăng so với 2023, đạt khoảng 5,5 - 6%.
"Nếu như không có những yếu tố bất ngờ thì hầu như kết quả tăng trưởng cuối năm đâu đó ở mức trung bình thấp từ các dự báo tăng trưởng của các tổ chức quốc tế lớn, tức khoảng 5,5 - 6%", báo cáo nêu.
Việt Nam đang duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, kiên định với các chính sách cân bằng cán cân vĩ mô và phục hồi tăng trưởng. Tuy nhiên, do nguồn lực tài khóa hạn hẹp sau nhiều năm thâm hụt ngân sách, cùng với chính sách tiền tệ bị ràng buộc với các mục tiêu về lạm phát và tỷ giá, Việt Nam không thể theo đuổi các chính sách vĩ mô theo cách tương tự như các nước khác trên thế giới.
Để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế, các chuyên gia khuyến nghị tăng cường giải ngân đầu tư công; ưu tiên các chính sách và cải cách nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp, tạo dựng niềm tin vào môi trường đầu tư để khuyến khích doanh nghiệp quay lại thị trường và mở rộng quy mô…
Đáng lưu ý, do động lực tiêu dùng nội địa còn yếu, các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục giảm thuế VAT trong năm 2024 và cân nhắc mở rộng thêm đối tượng áp dụng.
Bên cạnh đó, cần có thêm chương trình và chính sách kích cầu tiêu dùng cụ thể theo hướng hỗ trợ trực tiếp người tiêu dùng thanh toán chi phí mua sản phẩm/dịch vụ, nhất là để định hướng tiêu dùng theo các xu hướng tiêu dùng xanh, sạch, bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện cam kết Net Zero vào năm 2050.
Thúc đẩy đa dạng hóa các kênh dẫn vốn và đầu tư ngoài tín dụng ngân hàng, thông qua việc nâng cao hiệu quả và tính minh bạch thị trường cổ phiếu, trái phiếu, các kênh dẫn vốn khác gắn với tín dụng xanh, chuyển dịch năng lượng công bằng, cho thuê tài chính… cũng là những khuyến nghị chính sách quan trọng khác.
Nguồn: Báo Sài Gòn Giải phóng
- Quy định mới của EU về ấn định thuế nhập khẩu đối với gạo lứt nhập khẩu vào EU áp dụng từ ngày 06/9/2024.
- Chính thức cấp phép xuất khẩu chanh leo sang Australia
- Siêu bão Yagi càn quét miền Bắc, hàng loạt doanh nghiệp có nguy cơ bị thiệt hại nặng nề
- Trung Quốc sắp sang kiểm tra vùng trồng dừa tươi xuất khẩu của Việt Nam
- Xuất khẩu gạo dự kiến sẽ đạt kỷ lục trong năm 2024