Hội nhập kinh tế quốc tế đang mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội, điều quan trọng nhất đối với DN là cần thay đổi tư duy.

 Sức “nóng” từ hội nhập

Việt Nam đã ký kết và hoàn tất đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do rất quan trọng, bao gồm: Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU (EVFTA); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU)…

Theo GS-TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - đây là những hiệp định tự do thế hệ mới, rất khác so với những hiệp định trước đây, mức độ cam kết cao hơn hẳn, thể hiện tính chất mẫu mực của thế kỷ 21. Các hiệp định trên cũng bao gồm những đối tác mạnh, mang tầm chiến lược của Việt Nam. Cụ thể: TPP có sự hiện diện của Mỹ, Nhật Bản – nền kinh tế hàng đầu thế giới. EVFTA mang đến cho Việt Nam cơ hội hợp tác với khối kinh tế hàng đầu trên thế giới là EU. Tại châu Á, chúng ta có thêm FTA Việt Nam- Hàn Quốc, đây cũng là quốc gia hàng đầu ở châu Á. Trong khu vực ASEAN, Cộng đồng Kinh tế ASEAN cũng đem đến cơ hội lớn cho Việt Nam mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế với các đối tác mạnh trong khu vực.

“Rõ ràng, Việt Nam đang hội nhập ở mức cao hơn, với những đối tác hàng đầu khu vực và thế giới. Nếu biết tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức thì không có lý do gì Việt Nam không thể “bay” lên”, GS-TS. Trần Đình Thiên khẳng định.

Ông Vũ Đình Hòe - Phó Tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam  - cho rằng, sức “nóng” của hội nhập đang lan tỏa đến từng ngành, từng lĩnh vực;  không lâu nữa tư duy về hội nhập sẽ thay đổi đến suy nghĩ của từng người dân Việt Nam.

Đổi mới tư duy

GS-TS. Trần Đình Thiên nhận định: sau 30 năm đổi mới (1986-2016), nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi được mô hình tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên và gia công dệt may. Nếu không thay đổi mô hình tăng trưởng này, khó tạo được bứt phá mạnh mẽ trong tương lai.

Muốn tận dụng được cơ hội từ hội nhập, trước hết, cần thay đổi tư duy tăng trưởng kinh tế, tạo bước tiến dài về nhận thức. Cụ thể, theo GS-TS. Trần Đình Thiên, Việt Nam cần xác định lại mô hình tăng trưởng, thay vì khai thác tài nguyên và tận dụng nhân công giá rẻ hãy xác định DN là động lực chính, động lực quan trọng của phát triển. Muốn làm được như vậy phải có sự tác động từ 2 phía, trong đó Chính phủ phải khởi động chính sách mới, lấy DN làm trọng tâm. Tất cả các chính sách phải xoay quanh DN, tạo ra những thời cơ, giúp DN tận dụng được lợi thế phát triển. Bên cạnh đó, bản thân mỗi DN cũng cần tự vận động, tự lột xác, thay đổi tư duy, nhận thức, thay đổi công nghệ nhằm tạo ra những cơ hội, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Cùng quan điểm, TS. Trần Du Lịch - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh - đề nghị: Chính phủ cần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bởi năng lực cạnh tranh quốc gia yếu sẽ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của DN và ngược lại. Đối với DN trong nước, để nâng cao năng lực cạnh tranh, ngoài việc đầu tư bài bản cho nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghệ và sản phẩm thì cần liên kết với nhau để phát triển thay vì cạnh tranh lẫn nhau.

Nguồn: Báo điện tử Công thương