Năm 2010, được xem là năm khởi sắc cho xuất khẩu Việt Nam khi kinh tế thế giới đang có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, thách thức đặt ra với các doanh nghiệp xuất khẩu là phải vượt qua được các rào cản thương mại ở các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các vụ kiện chống phá giá và chống trợ cấp. 

Doanh nghiệp dễ vấp phải rào cản thương mại

Tại Hội thảo “Các rào cản thương mại với các hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp Việt Nam” do Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức chiều qua (23/6), ông Phan Thế Ruệ- nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương), nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định đối tác toàn diện Việt -Nhật (VJEPA)- cho biết: Trong năm 2010, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ gặp thêm nhiều rào cản mới từ các thị trường nhập khẩu. Đơn cử như thị trường EU, đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, thủ công mỹ nghệ, hải sản… đang chịu áp lực lớn từ các hàng rào kỹ thuật của thị trường này. Trong đó, điển hình là mặt hàng giày mũ da, với mức áp thuế chống bán phá giá lên đến 10% của Ủy ban châu Âu từ đầu năm 2010, vì thế kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam vào thị trường châu Âu đã sụt giảm đáng kể.

Ngoài ra, về nguyên nhân khiến cho doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với các vụ kiện, theo ông Nguyễn Tuấn Quỳnh- Hội doanh nghiệp trẻ TP. Hồ Chí Minh: Các doanh nghiệp Việt Nam còn rất lơ mơ về các rào cản thương mại. Thực tế, làm rõ khái niệm rào cản thương mại và các tiêu chuẩn kỹ thuật mà phía đối tác đưa ra và việc minh bạch trong việc công bố xuất xứ hàng hóa xuất khẩu vẫn là một thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp Việt Nam. Bởi, doanh nghiệp Việt Nam đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nền tảng ý thức pháp luật còn hạn chế. Khi tiếp cận với quá trình Việt Nam gia nhập WTO và hội nhập quốc tế, doanh nghiệp còn bỡ ngỡ trong việc tiếp cận thông tin pháp luật thương mại của các nước mà Việt Nam tham gia ký kết là điều không tránh khỏi. Bên cạnh đó, trong quá trình tham gia đàm phán các hiệp định thương mại quốc tế, các doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp hầu như chưa được tham gia nhiều trong việc xây dựng chính sách cũng như đàm phán về thương mại. Chính vì thế, khi thực thi các cam kết đó, nguy cơ doanh nghiệp gặp phải các rào cản về chống bán phá giá và chống trợ cấp là rất cao. 

Thêm vào đó, bất đồng ngôn ngữ cũng khiến các doanh nghiệp Việt Nam dễ vấp phải các rào cản thương mại quốc tế. GS. Claudio Dordi- Tư vấn trưởng dự án hỗ trợ thương mại đa biên giai đoạn III- cho biết, sau hơn 3 năm làm việc tại Việt Nam, ông nhận thấy rào cản ngôn ngữ đã hạn chế những hiểu biết của doanh nghiệp Việt Nam trước các yêu cầu của thị trường xuất khẩu, làm giảm sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam. Trong khi, những thông tin này là rất quan trọng, đặc biệt với những thị trường khó tính như EU, Mỹ hay Nhật Bản. 

Nhanh nhạy sử dụng tham vấn từ pháp luật

Nguy cơ doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với các vụ kiện, tranh chấp thương mại sẽ ngày càng cao và tính chất sẽ ngày càng lớn. Dù vậy, ông Hans Farnhammer- Bí thư thứ nhất phụ trách các hoạt động trợ giúp thương mại của Phái đoàn EU tại Việt Nam- lại khẳng định, việc dựng lên các rào cản và tiêu chuẩn kỹ thuật của EU sẽ không gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu Việt Nam mà ngược lại còn nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Tiêu chuẩn kỹ thuật đưa ra ngày càng nhiều và khắt khe hơn, song hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào EU liên tục tăng cao, từ mức 2,3 tỷ euro năm 2003 lên 7,7 tỷ euro vào 2009 và 2 tháng đầu năm 2010 đã đạt trên 1,4 tỷ euro.

Khó khăn và thách thức mà các rào cản thương mại, các vụ kiện chống bán phá giá nhiều khi là rất bất công và gây nên những tổn thất mà doanh nghiệp Việt Nam phải gánh chịu. Để ứng phó với những thách thức này, ông Phan Thế Ruệ nhấn mạnh, khi định triển khai hoạt động kinh doanh với đối tác nước ngoài, chúng ta nên tập trung nghiên cứu kỹ các Hiệp định thương mại tự do đa phương, song phương. Đặc biệt, tránh trường hợp như trước đây để đến khi có sự vụ xảy ra mới cần tư vấn của luật sư, các doanh nghiệp phải nhạy bén hơn, phải sử dụng tư vấn pháp lý ngay từ khâu chuẩn bị đàm phán, trong đàm phán, cho đến khâu ký kết hợp đồng, kể cả khi có tranh chấp thương mại. Ngoài ra, nên tận dụng tối đa, kịp thời những cơ hội, lợi thế và hạn chế những thách thức tiềm ẩn, ví dụ như rủi ro thay đổi chính sách, các biện pháp bảo hộ của nước có đối tác. Doanh nghiệp Việt Nam cần thiết phải xây dựng tính cộng đồng cao hơn nữa, biết bảo vệ nhau để tự bảo vệ lợi ích của mình khi tham gia xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Hội thảo “Các rào cản thương mại với các hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp Việt Nam” là hoạt động trong khuôn khổ của tiểu Dự án “Tăng cường năng lực về chính sách thương mại cho các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam” được Uỷ ban châu Âu tài trợ trong khuôn khổ Dự án EU- Việt Nam MUTRAP III.

Nguồn: Báo Công Thương Điện tử