Chính phủ Indonesia quyết định nới lỏng các quy định hạn chế nhập khẩu đối với các sản phẩm điện tử, giày dép, dệt may và nhiều mặt hàng khác. Động thái này nhằm xử lý nhanh chóng 26.000 container nhập khẩu đang mắc kẹt tại hai cảng biển lớn nhất đất nước.

Quyết định trên được Bộ trưởng Điều phối các vấn đề kinh tế Indonesia, Airlangga Hartarto thông báo hôm 17-5. Hồi tháng 3, Jakarta thắt chặt các quy định nhập khẩu nhằm bảo vệ các ngành sản xuất trong nước trước làn sóng sản phẩm nhập khẩu. Các quy định này yêu cầu nhà nhập khẩu phải xin giấy phép nhập khẩu của Bộ Công Thương và muốn xin giấy phép này, họ phải cần thư giới thiệu của Bộ Công nghiệp.

Các quy trình liên quan rất phức tạp, đòi hỏi nhà nhập khẩu nộp nhiều loại giấy tờ và phải đưa ra dự báo số lượng hàng dự kiến nhập khẩu hàng năm. Dự báo này có thể được chính phủ sử dụng đặt ra hạn ngạch nhập khẩu cho một số sản phẩm nhất định để khuyến khích sản xuất trong nước.

Các quy định mới ảnh hưởng khoảng 4.000 mặt hàng nhập khẩu từ sản phẩm hoàn thiện cho đến nguyên liệu thô. Đến tháng 4, Indonesia bổ sung thêm quy định hạn chế nhập khẩu hàng điện tử bao gồm máy điều hòa, tủ lạnh và máy tính xách tay.

Kể từ đó, hơn 26.000 container bị mắc kẹt tại hai cảng biển lớn nhất Indonesia, Tanjung Priok và Tanjung Perak do các thủ tục xin giấy phép quá rườm rà. Chúng chứa nhiều loại hàng hóa bao gồm thép, quần áo, đồ điện tử và các sản phẩm hóa chất.

Hôm 17-5, Bộ trưởng Airlangga Hartarto cho biết hoạt động nhập khẩu đối với các sản phẩm điện tử, giày dép và dệt may sẽ trở lại quy trình trước đây, nghĩa là chỉ cần giấy phép nhập khẩu nhưng không đòi đánh giá kỹ thuật. Các mặt hàng như mỹ phẩm, bao bì và van công nghiệp sẽ không còn đòi hỏi giấy phép nhập khẩu.

Tháng trước, Indonesia cũng đã dỡ bỏ các hạn chế nhập khẩu đối với một số mặt hàng được sử dụng làm nguyên liệu thô trong các ngành công nghiệp sau khiếu nại của Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia.

Hồi giữa tháng 4, lãnh đạo từ các phòng thương mại và công nghiệp của nước ngoài đã tới nhà của Bộ trưởng Điều phối đầu tư và hàng hải Indonesia, Luhut Panjaitan để kêu gọi dỡ bỏ quy định hạn chế nhập khẩu mới. Họ cho rằng, chúng gây khó khăn cho hoạt động sản xuất và có nguy cơ làm tổn hại đến uy tín kinh tế của Indonesia.

Theo các  nguồn tin, đại diện của Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc nêu ra trường hợp LG Electronics gặp khó khăn trong việc nhập khẩu các linh kiện cần thiết để sản xuất máy giặt và ti-vi tại các nhà máy ở Indonesia. Vị đại diện nói, các nỗ lực hạn chế xuất khẩu của Indonesia không giúp nước này đóng một vai trò lớn hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông Panjaitan đã cam kết sẽ xem xét sửa đổi các quy định liên quan.

Phản ứng trên của các phòng thương mại cho thấy doanh nghiệp nước ngoài ngày càng lo ngại về chính sách thương mại của chính phủ Indonesia. Các nguồn tin cho biết, mối lo ngại đó trở nên rõ ràng khi các rào cản nhập khẩu mới gây bất bình đối với lãnh đạo của các công ty từ Apple cho đến hãng vỏ xe Michelin.

Họ nói các sản phẩm như MacBook Pro của Apple, vỏ xe của Michelin và hóa chất được vận chuyển từ châu Âu có thể cạn kiệt ở Indonesia trong những tháng tới.

Các lệnh cấm thương mại cứng rắn đã trở thành đặc điểm nổi bật của chính quyền hiện tại. Chẳng hạn Indonesia cấm xuất khẩu quặng nikel để thúc đẩy hoạt động tinh chế trong nước. Nhưng chính sách đó cũng gây khó khăn cho các ngành sản xuất địa phương.

Tổng thống Widodo muốn tránh xa những gì ông coi là một mô hình kinh tế quá cởi mở vốn đã làm suy giảm triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế Mỹ Latin. Thay vào đó, ông tìm cách thúc đẩy Indonesia lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách thu hút đầu tư, đồng thời buộc các công ty nước ngoài thành lập cơ sở tái chế và sản xuất trong nước nếu muốn khai thác tài nguyên thiên nhiên của Indonesia hoặc bán hàng cho 280 triệu dân của nước này.

Tổng thống đắc cử Prabowo đã báo hiệu ông sẽ duy trì lập trường đó. Ông từng nói rằng tất cả điện thoại di động bán ở Indonesia cần phải được sản xuất trong nước.

“Indonesia cần suy nghĩ lại về sự hợp lý của chính sách thương mại. Tạo sự cân bằng giữa việc đảm bảo tính linh hoạt trong xuất nhập khẩu và thúc đẩy đổi mới là rất quan trọng”, Rahma Alifa, nhà phân tích của BowerGroupAsia Indonesia, bình luận.

Nguồn: Tạp chí Kinh tế Sài Gòn