Ôx-trây-li-a là quốc gia thuộc Châu Đại Dương, là lục địa nằm giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương với tổng diện tích 7,7 triệu km2, là nước có diện tích lớn thứ 6 trên thế giới.

Do quy mô diện tích lớn nên tài nguyên thiên nhiên của Ôx-trây-li-a hết sức đa dạng với nguồn khoáng sản phong phú như vàng, bô xít, sắt, kẽm, đồng, kim cương, dầu khí.v.v. Bên cạnh đó, đất đai và khí hậu ở Ôx-trây-li-a khá thuận cho việc phát triển ngành nông nghiệp và chăn nuôi. Trong những năm gần đây, nền kinh tế Ô-xtrây-li-a mang tính cạnh tranh cao và nổi bật trên thế giới. Với tốc độ phát triển kinh tế ổn định khoảng 3,5%/năm trong vòng hơn 20 năm qua, lạm phát thấp và ổn định Ô-xtrây-li-a đang được coi là nền kinh tế mở nhất trên thế giới, có tốc độ phát triển năng động bậc nhất trong số các nước công nghiệp phát triển.

Theo xu hướng những năm gần đây, nền kinh tế Ô-xtrây-li-a đã có sự gắn kết chặt chẽ hơn với các nước trong ASEAN. Đặc biệt, trong ASEAN, Ô-xtrây-li-a tiếp tục coi trọng và tăng cường mạnh mẽ quan hệ với Việt Nam. Một trong những lợi thế lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi tiến hành các hoạt động thương mại với Ôx-trây-li-a đó là vị trí địa lý, so với Mỹ và Châu Âu thì Ôx-trây-li-a gần hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, Ôx-trây-li-a là một quốc gia có nền kinh tế mở, đa dạng. Ngoài ra, Hiệp định Thương mại tự do giữa các nước Asean với Ôx-trây-li-a (AANZFTA) trong đó có Việt Nam cũng tạo điều kiện cho các hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam sang Ôx-trây-li-a được thuận lợi hơn.

Những năm vừa qua, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Ôx-trây-li-a đã tăng trưởng vượt bậc. Theo thống kê, năm 2012 kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đạt hơn 5 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2011 trong đó xuất khẩu đạt 3,2 tỷ USD, nhập khẩu đạt 1,7 tỷ USD.

10 tháng năm 2013, xuất khẩu Việt Nam sang Ôx-trây-li-a đạt 2,89 tỷ USD (tăng 18% so với cùng kỳ 2012). Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam đều có sự tăng trưởng xuất khẩu tốt so với cùng kỳ năm 2012, trong đó, dầu thô vẫn là mặt hàng xuất khẩu chiếm kim ngạch lớn nhất (chiếm hơn 50% giá trị xuất khẩu). Tuy nhiên, theo xu hướng những năm gần đây, xuất khẩu dầu thô đang giảm do nhu cầu gia tăng về năng lượng từ trong nước. Bên cạnh dầu thô, các mặt hàng tăng mạnh gồm có sản phẩm hóa chất (85%), bánh kẹo ngũ cốc (52%), sản phẩm từ sắt thép (104%)..v.v.

Số liệu thống kê 10 tháng đầu năm 2013 cho thấy kim ngạch nhập khẩu của Việt nam từ Ôx-trây-li-a đã giảm mạnh, đạt 1,2 tỷ USD (giảm 16% so với cùng kỳ năm 2012). Nhập khẩu từ của Ôx-trây-li-a vào Việt Nam có xu thế giảm ngay từ quí đầu năm 2012 và kéo dài cho đến Quý IV năm nay. Một số các mặt hàng nhập khẩu từ Ôx-trây-li-a có kim ngạch tăng trong thời gian qua: thức ăn gia súc và nguyên liệu (tăng 257%); sản phẩm tử dầu mỏ (tăng 189%), bông các loại (tăng 31.3%). Có thể thấy đây đều là các sản phẩm đầu vào trong sản xuất. Điều này là dấu hiệu khả quan cho thấy sự phục hồi của các ngành sản xuất trong nước.

 Nhìn chung, Việt Nam và Ôx-trây-li-a là 2 nền kinh tế mang tính chất bổ sung cho nhau hơn là cạnh tranh với nhau. Ôx-trây-li-a có nhu cầu nhập khẩu lớn về các mặt hàng (đa phần là các mặt hàng sử dụng nhiều lao động) mà ta có thế mạnh xuất khẩu như may mặc, da giày, đồ gỗ, hạt điều, thuỷ sản…Việt Nam cũng có nhu cầu nhập khẩu lớn về một số mặt hàng như lúa mỳ, bông, sữa, gỗ nguyên liệu, thiết bị, phụ tùng,… và trong những năm tới có thể sẽ là than, khí đốt hoá lỏng - những mặt hàng này thế mạnh của Ôx-trây-li-a. Mặt khác, Ôx-trây-li-a  tuy có dân số không đông, chỉ khoảng 23 triệu người nhưng là nước phát triển với GDP bình quân đầu người rất cao, khoảng 67,000 USD/ người/năm, dẫn đến sức mua khá lớn. Bên cạnh đó, Ôx-trây-li-a có nguồn tài nguyên khoáng sản, năng lượng và có công nghệ, thiết bị khai thác nguồn tài nguyên này thuộc loại hàng đầu thế giới mà Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu lớn trong những năm tới đây. Đây là những yếu tố thuận lợi để đẩy mạnh quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước.

Với những yếu tố thuận lợi trên, ta cần có các biện pháp thúc đẩy hơn nữa các hoạt động thương mại sang thị trường tiềm năng này như khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ thích hợp, có chính sách hỗ trợ thích đáng cho các phương tiện truyền thông của nước ngoài vào Việt Nam viết bài, quảng bá về hàng hoá và dịch vụ của Việt Nam, có chương trình hành động cụ thể về hợp tác và khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, trước hết tập trung cho lĩnh vực năng lượng và khai khoáng thông qua việc triển khai, hiện thực hóa các Thoả thuận MOU hợp tác về năng lượng đã ký giữa phía Việt Nam và Ôx-trây-li-a..v.v.

Nguồn: http://www.baocongthuong.com.vn