Ngày 02/04/2025, Tổng thống D. Trump đã chính thức ký và công bố Sắc lệnh áp thuế thuế đối ứng (reciprocal tariff) đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ tất cả các đối tác thương mại của Hoa Kỳ.

Sau đây là tóm tắt một số nội dung cơ bản của Sắc lệnh nói trên.

1. Về mức thuế đối ứng

Theo Sắc lệnh được công bố, Hoa Kỳ dự kiến sẽ áp các mức thuế đối ứng với tính chất là một loại thuế bổ sung bên cạnh các loại thuế, phí và khoản thu khác mà Hoa Kỳ hiện đang áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu vào nước này.

Mức thuế đối ứng và thời điểm bắt đầu áp thuế cụ thể như sau:

(i) Áp thuế đối ứng ở mức 10% cho tất cả hàng hóa (ngoại trừ các trường hợp miễn trừ được nêu tại Phần 2) nhập khẩu từ tất cả các đối tác thương mại kể từ ngày 5/4/2025;

(ii) Áp thuế đối ứng với các mức thuế suất riêng cao hơn cho tất cả hàng hóa (ngoại trừ các trường hợp miễn trừ được nêu tại Phần 2) nhập khẩu từ 57 đối tác như trong Bảng dưới đây kể từ ngày 9/4/2025. Các nước khác (không phải là một trong 57 đối tác này) vẫn sẽ tiếp tục chịu mức thuế đối ứng 10%.

Ngày 9/4/2025, Tổng thống D. Trump thông báo tạm hoãn áp dụng các mức thuế đối ứng riêng cho các nước đối tác (trừ Trung Quốc) trong 90 ngày. 56 đối tác còn lại sẽ vẫn chịu mức thuế đối ứng 10% trong giai đoạn này. 

Bảng: Mức thuế đối ứng của Hoa Kỳ áp dụng riêng với một số đối tác (cập nhật đến ngày 15/4/2025)

STT

Đối tác

Mức thuế đối ứng

1

Trung Quốc

125%

2

Lesotho

50%

3

Campuchia

49%

4

Lào

48%

5

Madagascar

47%

6

Việt Nam

46%

7

Myanmar (Burma)

45%

8

Sri Lanka

44%

9

Falkland Islands

42%

10

Syria

41%

11

Mauritius

40%

12

Iraq

39%

13

Botswana

38%

14

Guyana

38%

15

Serbia

38%

16

Bangladesh

37%

17

Liechtenstein

37%

18

Thái Lan

37%

19

Bosnia - Herzegovina

36%

20

Bắc Macedonia

33%

21

Angola

32%

22

Fiji

32%

23

Indonesia

32%

24

Thụy Sĩ

32%

25

Đài Loan

32%

26

Libya

31%

27

Moldova

31%

28

Nam Phi

31%

29

Algeria

30%

30

Nauru

30%

31

Pakistan

30%

32

Tunisia

28%

33

Ấn Độ

27%

34

Kazakhstan

27%

35

Hàn Quốc

26%

36

Brunei

24%

37

Nhật Bản

24%

38

Malaysia

24%

39

Vanuatu

23%

40

Bờ biển Ngà

21%

41

Namibia

21%

42

Liên minh châu Âu (EU)

20%

43

Jordan

20%

44

Nicaragua

19%

45

Malawi

18%

46

Philippines

18%

47

Zimbabwe

18%

48

Israel

17%

49

Zambia

17%

50

Mozambique

16%

51

Na Uy

16%

52

Venezuela

15%

53

Nigeria

14%

54

Chad

13%

55

Guinea Xích đạo

13%

56

Cameroon

12%

57

Congo

11%

Nguồn: Phụ lục I Sắc lệnh thuế đối ứng ngày 02/04/2025

Ghi chú: Theo Sắc lệnh ngày 02/04/2025, Hoa Kỳ chỉ đưa ra mức thuế đối ứng 34% đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, sau một loạt các biện pháp trả đũa của Trung Quốc, Tổng thống D. Trump đã tuyên bố tăng mức thuế đối ứng đối với Trung Quốc lên đến 125%, áp dụng từ ngày 9/4/2025. 

2. Về các sản phẩm bị áp thuế đối ứng và các trường hợp miễn trừ

Theo Sắc lệnh ngày 02/04/2025, thuế đối ứng sẽ được Hoa Kỳ áp dụng đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào nước này ngoại trừ các trường hợp sau:

(i) Hàng hóa được liệt kê cụ thể trong Phụ lục II của Sắc lệnh áp thuế, với tổng cộng 1.039 dòng thuế (được liệt kê chi tiết đến HS 8 chữ số theo Biểu thuế quan hài hòa của Hoa Kỳ - HTSUS), bao gồm: một số loại dược phẩm, chất bán dẫn, đồng, gỗ nguyên liệu, khoáng sản quan trọng, sản phẩm năng lượng...

Danh mục các sản phẩm được miễn trừ thuế đối ứng theo Phụ lục II Sắc lệnh thuế đối ứng ngày 02/04/2025 được đính kèm theo tài liệu này.

(ii) Nhôm thép, sản phẩm phái sinh từ nhôm thép và ô tô, phụ tùng ô tô – các sản phẩm đã chịu mức thuế bổ sung 25% theo Sắc lệnh thuế ngày 10/2/2025 và 26/3/2025 của Tổng thống Trump.

(iii) Tất cả hàng hóa thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 50 USC 1702(b), bao gồm các sản phẩm có liên quan đến an ninh quốc gia.

(iv) Hàng hóa từ Cuba, Bắc Triều Tiên, Nga và Belarus phải chịu mức thuế nêu tại Cột 2 theo Biểu HTSUS

(v) Ngày 13/4/2025, Hoa Kỳ thông báo điện thoại thông minh, máy tính và một số thiết bị điện tử khác sẽ không phải chịu thuế đối ứng, thay vào đó là các mức thuế riêng, dự kiến sẽ được áp dụng trong khoảng 1-2 tháng tới.

Có thể thấy, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Hoa Kỳ (như đồ nội thất, giày dép, hàng dệt may, thủy sản…) không nằm trong danh sách được miễn trừ thuế đối ứng. Do đó các ngành này dự kiến sẽ phải chịu tác động đáng kể từ thuế đối ứng của Hoa Kỳ.

Chi tiết về Sắc lệnh áp thuế của Hoa Kỳ có thể tìm thấy tại đường dẫn: https://www.whitehouse.gov/presidential-actions/2025/04/regulating-imports-with-a-reciprocal-tariff-to-rectify-trade-practices-that-contribute-to-large-and-persistent-annual-united-states-goods-trade-deficits/

Tổng hợp của Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI