Việc Hoa Kỳ tuyên bố tạm hoãn áp thuế cao trong 90 ngày với nhiều đối tác, trong đó có Việt Nam có thể xem là một cơ hội quý giá để hàng hóa Việt tiếp tục thâm nhập bình thường vào thị trường Hoa Kỳ. Liệu đây có phải là "khoảng lặng" quan trọng để Việt Nam chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó phù hợp với diễn biến tiếp theo, và đâu là mức thuế có thể xảy ra?

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp đang quan tâm sau đàm phán thì kịch bản nào sẽ xảy ra và doanh nghiệp xuất khẩu cần có sự chuẩn bị như thế nào? Điều này sẽ tác động ra sao tới mục tiêu xuất khẩu và rộng hơn là mục tiêu GDP năm nay của Việt Nam? Xung quanh vấn đề này, Vnbusiness đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân.

Theo dự đoán của ông, sau 90 ngày có thể xảy ra những kịch bản nào?

Tôi cho rằng sẽ có hai kịch bản chính. Thứ nhất, Mỹ có thể áp thuế cao trở lại nếu nhận thấy thâm hụt thương mại tiếp tục gia tăng, đặc biệt là khi kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ lớn.

Thứ hai, Hoa Kỳ có thể tiếp tục áp dụng thuế nhưng ở mức độ “chịu đựng được”, khoảng 10 - 15%.

Tất nhiên, điều này phụ thuộc rất nhiều vào các cam kết và hành động của Việt Nam. Thời gian qua, chúng ta đã có một số động thái nhằm “xoa dịu” tình trạng thâm hụt thương mại bằng cách gia tăng nhập khẩu từ Mỹ, chẳng hạn như khí hóa lỏng, thiết bị y tế, nông sản… Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể cân nhắc thêm nhập khẩu vũ khí, tàu biển, máy bay… Đây đều là những mặt hàng Việt Nam cần.

Theo tôi, nếu Việt Nam thể hiện thiện chí, cam kết dài hạn 10 - 15 năm trong việc tăng nhập khẩu từ Hoa Kỳ, thu hẹp thâm hụt thương mại, hướng tới cân bằng thì Hoa Kỳ hoàn toàn có thể điều chỉnh mức thuế linh hoạt hơn. Vì giảm bớt thâm hụt thương mạng là lý do đầu tiên của Hoa Kỳ. Cách đánh thuế của họ chúng ta đoán được. Chúng ta nhập khẩu tăng lên thì mức thuế giảm xuống. Còn nhập khẩu của mình giảm xuống thì mức thuế lại tăng lên.

Việt Nam cũng có thể thể hiện thiện chí bằng cách mở rộng cơ hội cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào những lĩnh vực tiềm năng, có giá trị chiến lược cao như năng lượng tái tạo hay công nghệ cao, bán dẫn chẳng hạn. Khi các lợi ích được cân bằng, đặc biệt là về mặt kinh tế, phía Hoa Kỳ hoàn toàn có thể cân nhắc điều chỉnh chính sách thuế theo hướng tích cực hơn.

Tóm lại, khả năng Hoa Kỳ áp mức thuế cao đối với Việt Nam vẫn hiện hữu. Tuy nhiên, nếu chúng ta có những nỗ lực và thể hiện thiện chí trong đàm phán, thì kịch bản này hoàn toàn có thể được điều chỉnh - thậm chí phía Hoa Kỳ còn có thể xem xét giảm thuế xuống mức ưu đãi hơn cho Việt Nam.

Liệu có khả năng hai nước tiến tới mức thuế song phương 0%?

Tôi cho rằng điều này khó xảy ra trong bối cảnh hiện tại. Việt Nam và Hoa Kỳ hiện chưa có một hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương nào, nên nếu Việt Nam giảm thuế về 0% với Hoa Kỳ, thì cũng buộc phải áp dụng tương tự với tất cả các thành viên WTO khác, theo nguyên tắc tối huệ quốc.

Việc đàm phán đưa thuế về 0% chỉ khả thi khi có một FTA song phương – và điều này sẽ cần thời gian. Trong lúc này, Việt Nam vẫn nên thể hiện thiện chí nhưng giữ sự thận trọng, tránh cam kết quá sâu khi chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng.

Trong trường hợp Hoa Kỳ quyết định áp thuế cao sau thời hạn 90 ngày, ông nhận định doanh nghiệp Việt Nam nên chuẩn bị ra sao?

Nếu Hoa Kỳ thực sự áp thuế cao, rõ ràng thị trường này sẽ gặp khó khăn, thậm chí có thể bị ngưng trệ với một số nhóm hàng chủ lực như dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử, thủy sản… Doanh nghiệp sẽ phải chủ động phân tán rủi ro sang các thị trường khác như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông, ASEAN...

Với EU -  một thị trường khó tính nhưng không áp thuế cao, chúng ta nên kiên trì đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật. Thậm chí có thể mời chuyên gia của họ sang tư vấn, hoặc chủ động tham gia vào chuỗi cung ứng của họ. Vượt qua được rào cản ban đầu, doanh nghiệp sẽ có cơ hội bền vững hơn, lợi ích dài hạn lớn hơn so với việc tiếp tục lao vào những thị trường rủi ro đang cao.

Với Trung Đông, tiêu chuẩn HALAL là bắt buộc. Một số doanh nghiệp Việt như Nutricare, Masan hay Vinamilk đã đầu tư bài bản và bước đầu thành công ở thị trường này. Dân số đạo Hồi toàn cầu khoảng 1,9 tỷ người – chỉ cần mỗi người chi 10 USD cho hàng Việt, ta đã có 19 tỷ USD kim ngạch. Thị trường rất lớn, chúng ta cần phải đẩy nhanh nghiên cứu để đáp ứng các tiêu chuẩn của họ. Tôi nghĩ doanh nghiệp Việt Nam có khả năng học hỏi nhanh, khi gặp đối tác họ được "cầm tay chỉ việc" làm luôn.

Tương tự, chúng ta cũng chưa khai thác hết tiềm năng ở các thị trường như Nga, Trung Á, ASEAN... Tôi nghĩ thực ra cơ hội thị trường toàn cầu rất lớn, nếu như mình tiếp tục kiên trì thì vẫn còn nhiều cơ hội.

Thực tế, giải pháp đa dạng hóa thị trường đã được tính đến và phía Việt Nam cũng có sự chuẩn bị nhất định. Tuy nhiên, liệu thời gian có quá gấp rút để doanh nghiệp triển khai thành công, khi việc tìm kiếm thị trường thay thế không phải là điều dễ dàng?

Tôi nghĩ điều đó là đúng. Đa dạng hóa thị trường thực tế cũng không hề dễ dàng, cần nhiều thời gian, nhiều việc phải làm như tìm hiểu thị trường, tìm đối tác kết nối, ký kết hợp đồng...

Do đó, một hướng đi khác doanh nghiệp Việt nên chú ý là khai thác tốt thị trường trong nước. Thị trường nội địa Việt Nam là một không gian lớn mà nhiều doanh nghiệp còn xem nhẹ. Với GDP khoảng 500 tỷ USD, đây là thị trường đầy tiềm năng. Mình cũng nhập khẩu gần 400 tỷ năm 2024.

Trong khi hàng xuất khẩu chất lượng rất cao, thì sản phẩm tiêu thụ nội địa còn tồn tại hàng kém chất lượng, thậm chí hàng giả. Như vụ đường dây sữa giả vừa rồi là hàng trăm tỷ đồng. Chính người Việt Nam là người tiêu dùng thực sự các sản phẩm đó. Người Việt Nam mua phải sữa ngoại do chính người Việt Nam làm giả.

Doanh nghiệp cần nhìn nhận lại và đầu tư nghiêm túc cho thị trường trong nước, làm tốt hơn để người dân được mua hàng nội địa với chất lượng cao hơn.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể mạnh dạn nghĩ đến đầu tư ra nước ngoài. Tại nhiều quốc gia, chi phí vốn rẻ, thủ tục minh bạch, chuỗi cung ứng hoàn thiện. Dù chi phí lao động đắt đỏ nhưng nếu biết khai thác cân bằng, doanh nghiệp Việt vẫn có thể hưởng lợi. Đầu tư quốc tế sẽ giúp mở rộng chuỗi cung ứng và giảm phụ thuộc vào thị trường đơn lẻ.

Với bối cảnh hiện nay, mục tiêu xuất khẩu năm 2025 liệu có bị ảnh hưởng nhiều không, thưa ông?

Với mục tiêu theo chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam đến năm 2030 thì cho đến nay tôi nghĩ là sẽ đạt tốt.  Mục tiêu đặt ra của xuất khẩu năm nay là tăng trưởng khoảng 10 - 12% thì thường chúng ta đạt cao hơn mức này (năm 2024 tăng 14,3% - PV).

Đến hiện tại, mức độ suy giảm xuất khẩu là không đáng kể. Hoa Kỳ vẫn chưa thực sự áp thuế đối ứng, các hợp đồng cũ vẫn đang được thực hiện. Gia hạn thuế thêm 90 ngày tới hết tháng 6, tức là một nửa đầu năm hầu như ảnh hưởng ít.

Nếu sau đó Hoa Kỳ tiếp tục đánh thuế cao, tôi nghĩ chỉ ảnh hưởng nhẹ đến mục tiêu xuất khẩu. Bởi trong 90 ngày doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể chủ động điều chỉnh và tìm hướng đi mới, phân tán rủi ro. Xuất khẩu sang nếu Mỹ giảm đi khoảng 10 - 12 tỷ USD tôi nghĩ cũng không đáng kể. Thậm chí giảm 20 - 30 tỷ USD thì cũng chưa đến 10%. Trong khi đó các thị trường khác còn tăng trưởng, hoàn toàn có thể bù đắp lại.

Cũng không loại trừ khả năng kết quả đàm phán tốt, xuất khẩu thậm chí không những không ảnh hưởng mà còn tăng trưởng trên mục tiêu.

Còn với mục tiêu tăng trưởng GDP, ông có tin tưởng Việt Nam sẽ đạt mức 8% trở lên như kỳ vọng?

Tôi vẫn lạc quan với con số này. Ngay cả khi thị trường Hoa Kỳ suy giảm nhẹ, thì các chính sách điều tiết nhập khẩu, đẩy mạnh thị trường nội địa, cùng với sự tăng trưởng của các lĩnh vực trọng điểm có thể bù đắp đủ.

Khu vực doanh nghiệp tư nhân đang hồi phục tốt. Ngoài đầu tư công, nhiều lĩnh vực mới, các động lực tăng trưởng như chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ được thúc đẩy mạnh mẽ, đang mở ra cơ hội. Tôi nghĩ có thể kéo thêm được 0,5 - 1 điểm phần trăm. Nếu xuất khẩu không gặp cú sốc lớn, thì GDP 8% hoàn toàn có thể đạt được.

Ông có lo ngại về dòng vốn FDI?

Ảnh hưởng là có, nhưng tôi không cho rằng đó là yếu tố gây biến động lớn. Một số nhà đầu tư "hụt hơi" có thể rút lui, nhưng các dòng vốn khác – bao gồm cả từ Trung Quốc sẽ thế chỗ. FDI vào Việt Nam chủ yếu để xuất khẩu sang các thị trường trong khu vực, không chỉ Hoa Kỳ, nên sẽ không rút ồ ạt nếu có biến động.

Tôi cho rằng vốn FDI thực hiện năm nay vẫn sẽ đạt khoảng 25 - 26 tỷ USD như năm ngoái. Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn nhờ sự ổn định, chi phí hợp lý và vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: VnBusiness