Là khu vực thị trường rộng lớn với 32 quốc gia, tổng dân số hơn 570 triệu người, dự báo là một trong những trung tâm phát triển kinh tế mới của thế giới, vì vậy, với mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, cơ hội mở rộng kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam ở các nước Pháp ngữ tại châu Phi đang rất nhiều triển vọng.

Ngày 10/11, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo “Tiềm năng và triển vọng phát triển hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và các nước Pháp ngữ tại châu Phi”. Đây là sự kiện được đánh giá là sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và các nước châu Phi thuộc khối Pháp ngữ.

Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế, thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Hội thảo đã giành được sự quan tâm và tham gia của 100 doanh nghiệp và đại biểu cho các cơ quan, doanh nghiệp, Hiệp hội phía Việt Nam và hơn 200 doanh nghiệp kết nối trực tuyến, gồm nhiều tập đoàn, công ty tại các nước Pháp ngữ tại châu Phi có nhu cầu tìm kiếm đối tác tại Việt Nam.

Điểm sáng trong quan hệ song phương

Châu Phi là khu vực thị trường rộng lớn với 55 quốc gia, dân số hơn 1,3 tỷ người, trong đó 32/55 nước là thành viên của OIF - Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (chiếm gần 45% dân số toàn châu lục) và có nhiều tiềm năng thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại. Bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á- châu Phi, Bộ Công Thương – cho biết, mặc dù tình hình chính trị, kinh tế-xã hội của nhiều nước châu Phi còn nhiều khó khăn, nhưng đây là khu vực thị trường hết sức quan trọng không thể bỏ qua đối với doanh nghiệp Việt Nam. “Trên nền tảng quan hệ chính trị - ngoại giao tốt đẹp, hợp tác thương mại giữa Việt Nam và các nước Pháp ngữ tại châu Phi là điểm sáng trong quan hệ song phương”- bà Oanh cho hay.

Thời gian qua, nhờ những nỗ lực từ Chính phủ Việt Nam và Chính phủ các nước Pháp ngữ tại châu Phi trong thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại song phương, sự năng động của các doanh nghiệp trong việc khai thác thị trường, trao đổi thương mại song phương đã có nhiều khởi sắc. Số liệu của Bộ Công Thương, năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang 32 thị trường Pháp ngữ tại châu Phi đạt 1,7 tỷ USD, tăng 6,3% và nhập khẩu đạt 2,8 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ 2018.

Còn theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong giai đoạn 2015-2019, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam và 32 nước Pháp ngữ tại châu Phi đã tăng từ 2,7 tỷ USD (năm 2015) lên 4,5 tỷ USD (năm 2019) – chiếm tỷ trọng 88% trong tổng kim ngạch thương mại với châu Phi với mức tăng trưởng trung bình cả giai đoạn đạt 13,6/năm. Giá trị xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước Pháp ngữ tại châu Phi chiếm khoảng 1,1% trao đổi ngoại thương của khối này với thế giới.

Về cơ cấu hàng hóa trao đổi, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang các nước Pháp ngữ tại châu Phi là gạo. Giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng dần trong những năm gần đây và đạt 589,4 triệu USD trong năm 2019, chiếm 14,9% thị phần gạo nhập khẩu của các nước Pháp ngữ tại châu Phi và chiếm 21% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam ra thế giới.

Ở chiều ngược lại, các nước Pháp ngữ tại châu Phi là những thị trường cung cấp nhiều nguồn nguyên liệu đầu vào quan trọng phục vụ các ngành sản xuất trong nước của Việt Nam, như: điều thô, bông, đồng, gỗ và sản phẩm gỗ. Kim ngạch nhập khẩu của các mặt hàng nói trên chiếm tỷ trọng khoảng 80-90% tổng giá trị nhập khẩu của Việt Nam từ các nước Pháp ngữ tại châu Phi.

Năm 2020, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến mối quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai bên, tuy nhiên, tiềm năng và triển vọng tăng cường hợp tác trong giai đoạn hậu Covid-19 tới đây là rất lớn. Tại Hội thảo, đại diện các tổ chức, doanh nghiệp phía châu Phi đánh giá cao vai trò, vị trí của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á; đồng thời khẳng định mong muốn hai bên tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư song phương. Đặc biệt, phía châu Phi đánh giá cao những nỗ lực từ Chính phủ Việt Nam trong việc kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, và các giải pháp khôi phục nền kinh tế trong thời kỳ hậu dịch bệnh.

Để sớm phục hồi các hoạt động thương mại song phương, nhất là thúc đẩy mạnh mẽ hơn các hợp tác đầu tư, phát triển thị trường hai chiều, nhiều doanh nghiệp Việt Nam và châu Phi tại Hội thảo đặc biệt quan tâm đến phương thức tiếp cận thị trường, nhu cầu sản phẩm, phương thức thanh toán và các kinh nghiệm phòng tránh rủi ro trong quá trình hợp tác kinh doanh giữa doanh nghiệp hai bên. Bà Lưu Thị Hải Hà – Giám đốc Công ty Thủ công mỹ nghệ Hà Dung - chia sẻ, mặc dù còn nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19, nhưng với thị trường đầy tiềm năng như các nước Pháp ngữ tại châu Phi, doanh nghiệp hết sức quan tâm, nhằm tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường, sớm phục hồi hoạt động kinh doanh.

“Chúng tôi đang rất quan tâm đến thị trường châu Phi, tuy nhiên, để tiếp cận được thị trường tiềm năng này, doanh nghiệp cũng mong nhận được sự hỗ trợ thông tin về thị trường nhiều hơn từ cơ quan quản lý, nhất là Bộ Công Thương để có sự chuẩn bị phù hợp, hiệu quả”- bà Hà nói.

Nhiều triển vọng hợp tác hậu Covid-19

Trong những năm gần đây, OIF và các nước thành viên đang dành nhiều nỗ lực và quyết tâm tăng cường hợp tác kinh tế, coi đây là một trụ cột quan trọng của Tổ chức, góp phần tăng cường vị thế quốc tế của Cộng đồng Pháp ngữ. Theo ông Chékou Oussouman – Trưởng đại diện Văn phòng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của OIF tại Hà Nội - cho hay, OIF là một tập hợp giữa các quốc gia có một vai trò quan trọng đối với kinh tế, chính trị với sự hiện diện trên cả 5 châu lục.

Trong khu vực cộng đồng Pháp ngữ, ông Chékou Oussouman – thông tin, Việt Nam được xem là cửa ngõ để mở ra thị trường Đông Nam Á đối với các doanh nghiệp châu Phi. Tương tự, các nước các nước châu Phi cũng có thể trở thành điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp châu Á nhờ Việt Nam. Châu Phi và châu Á có nhiều cơ hội với nhiều nét tương đồng với dân số trẻ, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa đa dạng, kinh tế bổ trợ; đặc biệt, năm 2020, Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, cộng đồng Pháp ngữ đang là đối tác đối với sự phát triển của ASEAN, vì vậy cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các nước Pháp ngữ tại châu Phi đang rất rộng mở.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng - khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác với Cộng đồng Pháp ngữ và sẽ tiếp tục đóng góp vào những nỗ lực chung vì một Cộng đồng Pháp ngữ ngày càng đoàn kết và vững mạnh hơn.

Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Năm 2019, GDP Việt Nam đạt hơn 262 tỷ USD, tăng 7,02% so với năm 2018. Tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2019 lần đầu tiên vượt mốc 500 tỷ USD, đạt hơn 517 tỷ USD, tăng 7,7% so với năm 2018. Đồng thời, Việt Nam đã phát triển trở thành một trung tâm sản xuất hàng hóa lớn ở khu vực và trên thế giới, là một mắt xích quan trọng trong nhiều chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Kết quả này có được, theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, bên cạnh nhiều nguyên nhân khác nhau có vai trò của chiến lược hội nhập và mở cửa nhất quán của Chính phủ Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã hội nhập rất sâu rộng với thế giới với 13 FTAs đã được ký kết và có hiệu lực, 3 FTAs khác đang được thúc đẩy đàm phán, ký kết trong thời gian tới. Một số FTAs thế hệ mới như CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu) đã tạo ra nhiều cơ hội lớn để mở rộng thị trường và thu hút đầu tư nước ngoài cho Việt Nam.

Đánh giá về khối Pháp ngữ tại châu Phi, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng - cho hay, đây là khu vực thị trường rộng lớn với 32 quốc gia, tổng dân số hơn 570 triệu người. Nhiều nước Pháp ngữ tại châu Phi đang tiếp tục thực hiện các chính sách cải cách kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới. Quá trình đô thị hóa tại nhiều nước châu Phi đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng. Cộng đồng dân cư có thu nhập cao và thu nhập trung bình tiếp tục gia tăng. Đồng thời, kinh tế nhiều nước châu Phi có sự tăng trưởng tích cực trong những năm gần đây. Nhiều tổ chức quốc tế dự báo châu Phi sẽ là một trong những trung tâm phát triển kinh tế mới của thế giới. Theo đó, châu Phi đang đặt ra nhiều cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, là nền kinh tế phát triển năng động hàng đầu của khu vực Đông Nam Á, được kết nối với nhiều thị trường rộng lớn hơn thông qua các FTAs, Việt Nam là đối tác quan trọng của nhiều nước châu Phi tại khu vực châu Á -Thái Bình Dương. Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối giữa các nước châu Phi thuộc khối Pháp ngữ và khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế Pháp ngữ.

“Việt Nam cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp các nước Pháp ngữ châu Phi hợp tác kinh doanh thương mại, đầu tư với Việt Nam; đồng thời hy vọng, Tổ chức quốc tế Pháp ngữ sẽ tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong các hoạt động kết nối hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với các nước thành viên tại châu Phi "- Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh.

Nguồn: Báo Công Thương