Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào và các đồng cấp từ ASEAN thông báo đã hoàn tất các cuộc đàm phán nhằm nâng cấp hiệp định thương mại đã có hiệu lực từ 15 năm trước. Phiên bản 3.0 của Hiệp định ACFTA hiện đang chờ được các nước thành viên phê chuẩn và có thể sẽ được ký kết trong năm nay.
“Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với ASEAN để đảm bảo sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy phát triển chung và bảo vệ luật pháp quốc tế,” ông Vương phát biểu.
ACFTA phiên bản 3.0 đã trải qua 9 vòng đàm phán trong hai năm qua. Các nhà phân tích cho rằng thời điểm diễn ra các cuộc đàm phán gần đây là rất quan trọng đối với các vòng đàm phán trong tương lai với Hoa Kỳ.
Ông Từ Vệ Quân, nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách công thuộc Đại học Công nghệ Hoa Nam ở Quảng Châu, nhận định rằng các cuộc đàm phán đã được tính toán kỹ lưỡng về thời điểm.
Theo ông Quân, các cuộc đàm phán đã bắt đầu từ vài năm trước, nhưng cú sốc từ chính sách thuế quan của chính quyền Trump hồi tháng 4 có thể đã nhắc nhở Trung Quốc và ASEAN về lợi ích chung của mình. Do đó, quá trình đàm phán đã được đẩy nhanh và công bố kết quả vào thời điểm này.
Dù Bắc Kinh và Washington đã tuyên bố tạm hoãn thuế trong 90 ngày kể từ ngày 12/5, nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục nỗ lực củng cố quan hệ kinh tế với các đối tác thương mại lớn, bao gồm ASEAN và Liên minh châu Âu.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố được đăng tải trực tuyến rằng phiên bản mới nhất của Hiệp định ACFTA sẽ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ ủng hộ thương mại tự do và hợp tác cởi mở.
Hiệp định ACFTA nâng cấp bao gồm 9 chương mới, đề cập đến các lĩnh vực như kinh tế số, kinh tế xanh, tích hợp chuỗi cung ứng và thủ tục hải quan.
Theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), hai bên cũng đã nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng, hệ thống thanh toán điện tử và phát triển hạ tầng nhằm xây dựng một mạng lưới chuỗi cung ứng ổn định và hiệu quả.
Lần đầu tiên, hai bên cam kết hợp tác phát triển các tiêu chuẩn kỹ thuật, bắt đầu với xe năng lượng mới và ngành điện tử.
Năm 2024, Trung Quốc và ASEAN tiếp tục là đối tác thương mại hàng đầu của nhau năm thứ 5 liên tiếp, với kim ngạch song phương tăng 7,8% so với năm 2023, đạt 982,3 tỷ USD.
Hồng Kông có thể đóng vai trò trung gian thúc đẩy luồng thương mại giữa Trung Quốc đại lục và ASEAN, nhờ vai trò là một trung tâm tài chính và trung chuyển lớn.
Giáo sư Tân Cường, thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Đại học Phúc Đán (Thượng Hải), cho biết hiệp định ACFTA sẽ trở thành "con bài" thương lượng mạnh mẽ trong các cuộc đàm phán của hai bên với Hoa Kỳ.
“Khi Trung Quốc và ASEAN nỗ lực tăng cường thương mại song phương và xét đến quy mô khổng lồ của hai nền kinh tế, Tổng thống Mỹ sẽ nhận ra tác động tiêu cực từ các cuộc chiến thuế quan đối với thương mại quốc tế của Mỹ", chuyên gia này nhận định.
Kể từ khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung bắt đầu dưới thời Tổng thống Donald Trump, ASEAN đã trở thành điểm đến hàng đầu cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất, xét theo số lượng các thương vụ được công bố, theo báo cáo của Rhodium Group công bố cuối tháng 4.
Hơn 86% tổng giá trị đầu tư của Trung Quốc đã đổ vào các lĩnh vực ô tô, công nghệ thông tin và truyền thông, điện tử, thiết bị năng lượng tái tạo và hàng tiêu dùng.
- VCCI lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
- Cảnh báo đối với Dự thảo sửa đổi Quy định về An toàn Thực phẩm và Tiêu chuẩn của Ấn Độ
- Đàm phán thương mại đối ứng Việt Nam - Hoa Kỳ đạt tiến bộ tích cực
- Nhiều nước kêu gọi Mỹ cân nhắc việc áp thuế mới đối với chip bán dẫn