Thời gian qua, quan hệ về đầu tư và thương mại Việt Nam - Trung Quốc đã có bước phát triển tích cực. Việc ký kết Hiệp định đầu tư ASEAN - Trung Quốc, cùng với các thỏa thuận thương mại về hàng hóa, dịch vụ đã tạo ra những động lực thúc đẩy hoạt động đầu tư và quan hệ thương mại phát triển tương xứng với tiềm năng hợp tác giữa hai nước", đây là đánh giá của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Thế Phương tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Tây) vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Không ngừng tăng nhanh trao đổi thương mại
Năm 2009, mặc dù chịu ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu suy giảm nhưng kim ngạch thương mại hai nước vẫn đạt 21,35 tỷ USD, tăng 5,04% so với năm 2008. 6 tháng đầu năm 2010, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt trên 2,8 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ 2009, nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 9,1 tỷ USD, tăng 32%.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, thương mại hai chiều Việt - Trung đã không ngừng tăng nhanh trong 10 năm qua, với tốc độ trung bình 32%/năm. Đây là kết quả hết sức thiết thực và có ý nghĩa trong năm 2010, vì năm nay Khu vực tự do thương mại ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) chính thức thực hiện cam kết giảm thuế mạnh mẽ từ cả Trung Quốc và các nước ASEAN, theo đó hàng loạt các mặt hàng sẽ có thuế nhập khẩu từ 0-5%, bao gồm cả các dòng sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp hai bên cần tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh hơn nữa hợp tác cả về thương mại, đầu tư, liên doanh sản xuất...
Tính đến nay, Trung Quốc đã có 743 dự án đầu tư tại Việt Nam, tổng vốn đăng ký đạt trên 3,17 tỷ USD, đứng thứ 15/92 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Đầu tư của Trung Quốc tập trung phần lớn vào lĩnh vực công nghiệp, chiếm tới 73,2% số dự án và 69% vốn đầu tư đăng ký; tiếp theo là lĩnh vực kinh doanh bất động sản chiếm 12% vốn đầu tư đăng ký, còn lại là những lĩnh vực khác. Hầu hết các dự án đang được triển khai thuận lợi và thành công, mang lại lợi ích chung cho doanh nghiệp và hai nước.
Về phía Việt Nam mới chỉ có 6 dự án đầu tư sang Trung Quốc với tổng vốn đăng ký là 9,7 triệu USD, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực dịch vụ. Đáng kể nhất là 2 dự án cùng xây dựng khu thương mại, kinh doanh kho ngoại quan của Công ty liên doanh đầu tư Xuất nhập khẩu Mekong với số vốn 1,88 triệu USD và dự án của công ty liên doanh đầu tư thương mại Phương Nam có số vốn là 1,5 triệu USD.
Trong các chuyến thăm chính thức Trung Quốc năm 2009 và tháng 4/2010, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã cùng các đồng chí lãnh đạo Trung Quốc trao đổi và thống nhất một số biện pháp quan trọng để cụ thể hóa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, trong đó hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư là ưu tiên hàng đầu, với mục tiêu phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai nước đạt 25 tỷ USD vào năm nay.
Quảng Tây: Cửa ngõ cùng phát triển
Cùng với sự trưởng thành trong quan hệ hai nước, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã có những bước tiến triển mới. Hai bên đã và đang phát huy, khai thác thế mạnh của nhau trong hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư nhằm đạt hiệu quả cao nhất, phục vụ yêu cầu phát triển của mỗi bên. Trong 7 tháng đầu năm 2010, kim ngạch buôn bán giữa Việt Nam và Quảng Tây đạt 238 triệu USD, tăng 29,23 %, trong đó Việt Nam nhập từ Quảng Tây đạt 175 triệu USD, tăng 31,84%; xuất sang Trung Quốc đạt 621.000 USD, tăng 22,23%.
Quảng Tây là khu vực có quy mô kinh tế lớn của Trung Quốc, có quan hệ chặt chẽ về đầu tư, thương mại, sản xuất và du lịch với các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh của Việt Nam, cũng như phát triển vành đai kinh tế Quảng Tây - Quảng Ninh - Hải Phòng trong khuôn khổ hợp tác "Hai vành đai một hành lang kinh tế" mà Chính phủ hai nước đã ký kết từ tháng 11/2006.
Do điều kiện địa lý và tự nhiên, Việt Nam với Quảng Tây có cầu nối cả về đường bộ, đường biển và đường hàng không giữa Trung Quốc và ASEAN. Đánh giá về tầm quan trọng này, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho biết: “chúng tôi nhận thức rõ vai trò quan trọng của mình trong việc thúc đẩy giao thương kinh tế, đầu tư, thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN”. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung tìm kiếm khả năng hợp tác về đầu tư, thương mại kinh doanh sản xuất ở thị trường nội địa Trung Quốc và ngược lại.

Nguồn: tgvn.com.vn