Bộ Thương mại Mỹ vừa cho biết, thâm hụt thương mại của Mỹ tăng tới 7,3% trong tháng 6-2018. Đây là con số đáng thất vọng với Nhà trắng, trong bối cảnh chính quyền Oa-sinh-tơn đã và đang nỗ lực đàm phán lại các hiệp định tự do thương mại (FTA) và thực hiện chính sách thuế mới nhằm giảm thâm hụt thương mại.

Theo báo cáo vừa công bố của Bộ Thương mại Mỹ, trong tháng 6-2018, thâm hụt thương mại của Mỹ tăng 7,3%, tương ứng 3,2 tỷ USD, lên 46,3 tỷ USD. Ðây cũng là mức thâm hụt thương mại trong tháng lớn nhất mà nền kinh tế Mỹ phải gánh chịu kể từ tháng 11-2016. Theo báo cáo nêu trên, cùng với thâm hụt thương mại gia tăng khi kim ngạch xuất khẩu giảm 0,7% còn 213,8 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu tăng 0,6% lên 260,2 tỷ USD, tập trung ở các mặt hàng thuốc men và dầu thô.

Ðáng chú ý là thống kê của Bộ Thương mại chỉ ra rằng mức thâm hụt thương mại của Mỹ với các đối tác chủ chốt mà Mỹ đang có xung đột thương mại như Trung Quốc, Ca-na-đa, Mê-hi-cô... đều tăng trong tháng 6. So với tháng 5-2018, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc tăng 0,9%, với Mê-hi-cô tăng 10,5% và với Ca-na-đa tăng 39,7%. Như vậy, trong sáu tháng đầu năm 2018, thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ của Mỹ là 291,2 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2017. Thực tế nêu trên chẳng khác nào "giội gáo nước lạnh" vào nỗ lực của chính quyền Oa-sinh-tơn trong việc tăng thuế để giảm thâm hụt thương mại.

Trong nhiều tháng qua, Chính phủ Mỹ đã liên tiếp phá bỏ cam kết hoặc đàm phán lại các FTA, đồng thời triển khai chính sách tăng thuế nhiều mặt hàng với các đối tác thương mại chủ chốt như Trung Quốc, Liên hiệp châu Âu (EU), Ca-na-đa, Mê-hi-cô... Ðiều này đã châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại trên quy mô lớn. Trong đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc là gay gắt nhất và ngày càng leo thang.

Trong những diễn biến mới nhất, Ðại diện Thương mại Mỹ R.Lai-thi-dơ cuối tuần qua cho biết, Tổng thống Mỹ đã chỉ đạo nâng mức thuế xem xét đối với lượng hàng hóa nhập khẩu bổ sung trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc từ 10% ban đầu lên 25% do Bắc Kinh thể hiện lập trường cứng rắn và đưa ra các biện pháp trả đũa nhằm vào hàng hóa Mỹ. Ðáp lại động thái này, Bộ Tài chính Trung Quốc đã lập tức thông báo kế hoạch áp thuế lên tới 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá 60 tỷ USD, đồng thời cảnh báo Trung Quốc sẽ "không lùi bước" và có thể đưa ra những biện pháp đáp trả mạnh tay hơn nữa với Mỹ. Theo đó, Bắc Kinh sẽ áp thuế bổ sung từ 5 đến 25% đối với 5.207 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, trong đó có nhiều sản phẩm nông nghiệp và năng lượng. Thời điểm áp dụng các mức thuế sẽ phụ thuộc hành động từ phía Oa-sinh-tơn.

Trong khi Mỹ - Trung Quốc liên tục "ăn miếng trả miếng" về vấn đề thuế nhập khẩu hàng hóa, cộng đồng quốc tế quan ngại mức thâm hụt thương mại của Mỹ gia tăng sẽ khiến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc cũng như giữa Mỹ với các đối tác khác trở nên gay gắt hơn. Trong báo cáo công bố cuối tháng 7 vừa qua, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo rằng, trong giai đoạn ngắn hạn, mức thâm hụt thương mại của Mỹ vẫn tiếp tục tăng hơn so với mức 2,4% GDP ghi nhận trong năm 2017. Theo nhận định của IMF, "tình hình có thể nghiêm trọng hơn" do chính sách của chính quyền Tổng thống Ð.Trăm có thể sẽ tiếp tục đưa ra các giải pháp thuế quan nhằm giảm thâm hụt thương mại với các nước đối tác. Ðiều này đồng nghĩa với việc cuộc chiến thương mại trên quy mô toàn cầu sẽ càng thêm trầm trọng. IMF cũng đánh giá rằng, mức thặng dư thương mại của các đối tác thương mại của Mỹ gồm Ðức, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU với Oa-sinh-tơn có xu hướng giữ nguyên hoặc tăng lên chứ không giảm đi.

Nhiều chuyên gia kinh tế đã cảnh báo chính quyền Tổng thống Ð.Trăm rằng, việc tăng cường các "hàng rào bảo hộ mậu dịch" sẽ không giúp nước Mỹ giảm bớt thâm hụt thương mại. Trên thực tế, con số thống kê về thâm hụt thương mại vừa công bố nêu trên cho thấy, dù chính quyền Oa-sinh-tơn quyết tâm áp dụng chính sách tăng thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ và đàm phán lại các thỏa thuận thương mại tự do, điều này vẫn không giúp giảm mức thâm hụt thương mại kéo dài nhiều năm của Mỹ.

Nguồn: Báo Nhân dân