Tuân thủ nghiêm chỉnh tiêu chuẩn của thị trường, thành thật trong kinh doanh là chìa khoáđể mở rộng cánh cửa vào thị trường Hoa Kỳ.

Đó là khẳng định của ông Calvin P. Tran, Chủ tịch Phòng Thương mại Người Việt Nam tại Hoa Kỳ, tại hội thảo “Làm thế nào để quảng bá thương hiệu và sản phẩm tại thị trường Mỹ” vừa diễn ra tại Cần Thơ.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại Người Việt Nam tại Hoa Kỳ, Hoa Kỳ là thị trường lớn với giá xuất khẩu rất tốt mà nhiều doanh nghiệp xuất khẩu muốn thâm nhập. Dù nhu cầu cao nhưng điều kiện tiêu chuẩn của thị trường này cũng rất khắt khe. Bởi vậy, tuân thủ nghiêm chỉnh tiêu chuẩn của thị trường, thành thật trong kinh doanh chính là chìa khoá duy nhất để mở rộng cánh cửa vào thị trường này.

Việt Nam đã có 8 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt trên 1 tỷ USD gồm: dệt may, giày dép, điện thoại và linh kiện, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính và điện tử, máy móc – thiết bị - phụ tùng, thuỷ sản, nhóm ô dù và va li.

Trong đó xuất khẩu giày dép, may mặc chỉ đứng sau Trung Quốc tại thị trường này. Năm 2017 Việt Nam đã xuất khẩu 1,02 tỷ đôi giày, tăng hơn 11%, xuất khẩu hàng may mặc tăng 8,74%. Các nhà bán lẻ và người tiêu dùng Hoa Kỳ nhận thấy được các điểm mạnh về chất lượng, giá cả và cam kết giao hàng của Việt Nam. Đây chính là điểm thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác thị trường này.

Hiện tại tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam hàng năm sang thị trường Hoa Kỳ đạt khoảng 40 tỷ USD. Từ khi Hiệp định thương mại song phương Việt-Mỹ có hiệu lực (BTA-2001) đến nay giá trị xuất siêu sang thị trường này tăng 150 lần từ 200 triệu USD lên gần 30 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này còn rất khiêm tốn so với tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ từ toàn thế giới hàng năm trên 2.450 tỷ USD. Do đó Việt Nam còn nhiều dư địa để mở rộng thị phần.

Để khai thác tốt thị trường này, theo ông Calvin P. Tran: các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng tốt các Hiệp định về ưu đãi về thuế quan. Đồng thời, phải đặc biệt quan tâm hơn đến các tiêu chí thị trường, hàng rào kỹ thuật của thị trường này. Hiện nay đoàn kiểm tra của Mỹ đang có mặt tại tại Việt Nam để kiểm tra thực tế vùng nuôi, nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu sang Mỹ. Nếu cá tra Việt Nam thỏa mãn 85 yêu cầu về thú y, 106 yêu cầu về dư lượng thuốc trừ sâu, 17 yêu cầu về hàm lượng kim loại, 8 yêu cầu về vệ sinh hóa chất cùng với điều kiện công nghệ chế biến thì cơ hội cá tra phát triển bền vững ở thị trường này rất lớn.

Bên cạnh đó ông Calvin P. Tran cũng lưu ý: “Tôi thường đi tham quan nhiều siêu thị ở Việt Nam, nhận thấy trong số 40 – 50 bao bì sản phẩm thì mới có một cái đạt chuẩn. Nhiều doanh nghiệp có sản phẩm tốt nhưng không biết thiết kế bao bì. Với cách làm hiện nay, những doanh nghiệp có kinh nghiệm chỉ cần mua lại sản phẩm và design lại bao bì, sửa ít thông tin là bán được sản phẩm cao hơn doanh nghiệp sản xuất”.

Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp