Cuộc hội đàm cấp cao về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tại Bắc Kinh tuần trước đã không đạt được thỏa thuận nào, thậm chí hai bên cũng không có kế hoạch gặp lại - dấu hiệu cho thấy một cuộc xung đột, thậm chí chiến tranh thương mại, giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đang đến rất gần.

Mỹ đã cử một đoàn đại biểu cao cấp, gồm cả Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, đại diện thương mại Robert E. Lighthizer, và cả Giám đốc chính sách thương mại Nhà Trắng Peter Navarro - tác giả sách “Chết dưới tay Trung Quốc” (Death By China) - tham gia cuộc đàm phán tại nhà khách Điếu Ngư đài ở thủ đô Bắc Kinh. Đại diện phía Trung Quốc có ông Lưu Hạ (Liu He), Ủy viên Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc, Phó thủ tướng Chính phủ phụ trách kinh tế, thương mại và công nghệ.

Sau hai ngày đàm phán, Tân Hoa Xã của Trung Quốc chỉ nhắc lại những lời lẽ sáo rỗng: “Hai bên đồng ý rằng mối quan hệ thương mại ổn định và bền vững giữa Mỹ và Trung Quốc là điều cốt yếu cho cả đôi bên, và họ cam kết sẽ giải quyết những vấn đề kinh tế - thương mại có liên quan thông qua đối thoại và tham vấn”. Tuy nhiên, sự kiện đàm phán kết thúc mà không có thỏa thuận nào được ký kết, đoàn Mỹ lặng lẽ ra về mà không có cuộc tiếp xúc nào với báo chí, cũng không ấn định thời điểm cho cuộc gặp sắp tới là những dấu hiệu cho thấy hai bên đang đứng trước những bất đồng không dễ giải quyết và nếu không bên nào nhượng bộ thì xung đột là khó tránh khỏi.

Theo phóng viên Keith Bradsher, thường trú báo The New York Times tại Bắc Kinh, đoàn Mỹ mang tới hội đàm một bản yêu sách nhiều điểm mà Bắc Kinh khó đáp ứng được, chẳng hạn như Trung Quốc phải:

- Giảm thặng dư thương mại với Mỹ 100 tỉ đô la trong vòng 12 tháng tính từ tháng 6-2018 và giảm tiếp 100 tỉ đô la nữa trong 12 tháng tiếp theo.

- Ngừng tất cả mọi khoản trợ cấp cho các ngành công nghiệp chế tạo tiên tiến trong cái gọi là chương trình “Sản xuất ở Trung Quốc 2025” (Made in China 2025). Chương trình này bao gồm 10 lĩnh vực công nghệ cao như hàng không không gian, xe hơi điện, người máy, chip máy tính và trí tuệ nhân tạo...

- Chấp nhận để Mỹ có thể hạn chế nhập khẩu sản phẩm từ các ngành công nghiệp thuộc chương trình “Sản xuất tại Trung Quốc 2025”.

- Có những bước tiến “ngay lập tức và kiểm chứng được” để chấm dứt việc truy cập trái phép vào các mạng máy tính thương mại của Mỹ để đánh cắp thông tin hoặc do thám tình báo.

- Tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

- Chấp nhận Mỹ hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào các công nghệ nhạy cảm mà không có biện pháp trả đũa.

- Cắt giảm thuế nhập khẩu, hiện ở mức bình quân 10%, xuống mức thuế tương tự của Mỹ, bình quân khoảng 3,5%, cho hàng hóa thuộc “các lĩnh vực không thiết yếu”.

- Mở cửa thị trường cho dịch vụ và nông sản Mỹ được cạnh tranh đầy đủ.

...

Các yêu sách này phản ánh nỗi tức giận ngày càng tăng của Washington trước tình trạng cán cân thương mại song phương ngày càng nghiêng về phía Trung Quốc, các doanh nghiệp Mỹ ngày càng khó phát triển thị trường ở nước này và cho thấy chính phủ Donald Trump không có ý định nhân nhượng bất chấp những cảnh báo mạnh mẽ gần đây của Bắc Kinh. Giáo sư kinh tế Eswar Prasad, Đại học Cornell, thậm chí còn nhận định rằng, “bản yêu sách có vẻ như đưa ra điều kiện đầu hàng hơn là nền tảng để thương thảo”.

Phía Trung Quốc cũng không có ý định nhân nhượng. Một quan chức Mỹ ẩn danh theo dõi cuộc đàm phán nói rằng, lập trường của cả hai phía đều cứng rắn hơn trong suốt hai ngày thương thảo và các quan chức cao cấp của Trung Quốc cùng các cố vấn của họ đều muốn gửi tới phương Tây một thông điệp rằng, đã qua rồi thời kỳ Bắc Kinh tỏ ra hòa hoãn, và Trung Quốc muốn đề cao vị thế của họ trong các cuộc đàm phán.

Đáp lại những yêu sách của Mỹ, phía Trung Quốc cũng có những yêu sách của họ mà trọng tâm là yêu cầu Mỹ bãi bỏ những hạn chế trong việc xuất khẩu sang Trung Quốc những sản phẩm công nghệ cao lưỡng dụng - ứng dụng được cả trong dân dụng lẫn trong quân sự. Những hạn chế này được Mỹ áp dụng như một biện pháp trừng phạt Trung Quốc sau vụ đàn áp đẫm máu cuộc biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn năm 1989 và Trung Quốc đã nhiều lần đề nghị nới lỏng hoặc gỡ bỏ nhưng chưa được đáp ứng. Trung Quốc cho rằng, bãi bỏ những hạn chế này, cho phép Trung Quốc được nhập khẩu các sản phẩm công nghệ cao lưỡng dụng là một biện pháp có hiệu quả để làm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ trong giao thương giữa hai nước.

Nhân dịp này phía Trung Quốc cũng phản đối lệnh trừng phạt mà Bộ Thương mại Mỹ mới áp đặt lên tập đoàn thiết bị viễn thông ZTE của Trung Quốc hồi tháng trước, theo đó các công ty Mỹ như Qualcomm bị cấm bán cho ZTE trong vòng bảy năm những mặt hàng công nghệ như chip điện tử, vi mạch... Vì đây là những linh kiện thiết yếu cho nhiều sản phẩm của ZTE nên nhiều quan sát viên cho rằng, lệnh cấm giống như “bản án tử” cho ZTE sau khi công ty này bị cáo buộc nhiều lần vi phạm lệnh cấm vận kinh tế đối với Iran.

Về chương trình “Sản xuất tại Trung Quốc 2025”, một chiến lược đầy tham vọng theo đó Trung Quốc sẽ xây dựng nhiều doanh nghiệp dẫn đầu thế giới trong 10 lĩnh vực công nghệ cao, các quan chức cao cấp của Bắc Kinh lập luận chiến lược này nhằm nâng cấp nền kinh tế Trung Quốc lên trình độ cao hơn và Bắc Kinh sẽ không bao giờ chấp nhận giới hạn nào đối với chương trình này. Những động thái “độc đoán” của người Mỹ, như vụ trừng phạt tập đoàn ZTE nói trên, càng làm cho người Trung Quốc nỗ lực hơn trong việc thực hiện chương trình “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” để nhanh chóng thoát khỏi sự phụ thuộc vào công nghệ của phương Tây, giảm dần việc nhập khẩu sản phẩm công nghệ nước ngoài. Phía Mỹ cho rằng, mục tiêu nâng cấp nền kinh tế là chính đáng nhưng việc Chính phủ Trung Quốc sử dụng các nguồn lực công của quốc gia để tài trợ về tài chính, đất đai, chính sách để phát triển doanh nghiệp nhằm thống trị thị trường thế giới; đặc biệt là sử dụng quyền lực nhà nước để buộc các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ cho đối tác địa phương là những hành vi thương mại “không công bằng”, cần phải bị xóa bỏ và Mỹ có ý định ngăn chặn việc nhập khẩu sản phẩm của các doanh nghiệp này vào thị trường Mỹ nếu cung cách làm ăn này vẫn tiếp tục.

Thâm hụt thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc là hiện tượng kéo dài đã lâu và ngày càng trầm trọng, trở thành một chủ đề chính trong đường lối tranh cử của Tổng thống Donald Trump. Tuy vậy, yêu sách của Mỹ về giảm thâm hụt thương mại là “bất khả thi”, theo nhận định của Lý Cương (Li Gang), Phó giám đốc Viện Nghiên cứu và Đào tạo của Bộ Thương mại Trung Quốc. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, cán cân thương mại nghiêng về phía nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như cấu trúc của nền kinh tế, tỷ lệ tiết kiệm và tiêu dùng chứ không chỉ dựa vào chính sách quan thuế. Báo cáo mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy trong tháng 3-2018, sau khi Mỹ tăng thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc chẳng những không giảm mà còn tăng cao so với cùng kỳ năm trước do kinh tế Mỹ phát triển ổn định khiến nhu cầu nhập khẩu tăng nhanh.

Bất chấp bế tắc trong cuộc đàm phán thương mại cấp cao Mỹ-Trung, Tổng thống D.Trump vẫn kiên quyết thúc đẩy chiến thuật cứng rắn trong đàm phán thương mại. Phát biểu trước đám đông ủng hộ viên tại Cleverland, bang Ohio hôm thứ Bảy 5-5 sau khi phái đoàn Mỹ đã từ Bắc Kinh trở về, ông Trump cam kết: “Chúng ta sẽ phải hoạch định lại thương mại với Trung Quốc. Không thể tiếp tục như thế này”. Ông nói thêm rằng Chính phủ Mỹ đang xem xét những bước đi kế tiếp cho cuộc đối đầu ngày càng cam go trong vấn đề thuế khóa và việc Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ.

Các nhà phân tích thì tin rằng, dù thế nào, Bắc Kinh cũng sẽ cố gắng đạt được một thỏa thuận thương mại với chính phủ Trump để tránh chiến tranh thương mại và để tập trung vào những vấn đề đối nội. Có thể một phái đoàn cao cấp Trung Quốc sẽ sang Mỹ trong tháng tới để nối lại đàm phán, và cũng có thể phái đoàn này sẽ được dẫn dắt bởi ông Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan), cánh tay mặt của Chủ tịch Tập Cận Bình (Xi Jinping) và là người dày dạn trong thương thảo với người Mỹ.

Trong quá khứ, ông Tập đã đôi lần tỏ ra nhân nhượng người Mỹ, đưa ra các cam kết mở cửa thị trường dịch vụ tài chính cho các doanh nghiệp Mỹ, thực thi việc bảo vệ tài sản trí tuệ... Lần này, có thể Trung Quốc sẽ phải thực hiện nghiêm chỉnh hơn những lời cam kết của Chủ tịch Tập trước một tổng thống Mỹ khó lường và quyết đoán như D. Trump.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn