Hội nhập với những “gã khổng lồ” đặt ra đòi hỏi về năng lực cạnh tranh hơn là những lợi thế mà doanh nghiệp có được. Ngành nông nghiệp Việt Nam cũng không ngoại lệ khi khả năng thích ứng của ngành còn thấp hơn so với tiêu chuẩn đặt ra trong CPTPP.

Mặc dù là quốc gia xuất khẩu nông sản đứng trong nhóm dẫn đầu thế giới, nhưng đến nay, 90% nông sản của Việt Nam vẫn được xuất khẩu dưới dạng thô, kim ngạch còn thấp do giá xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác.

Lĩnh vực “mẫn cảm”

Có một chủ cơ sở sản xuất gạo tại ĐBSCL từng chia sẻ, 10 hộ nông dân đến bán gạo thì có 10 loại gạo khác nhau. Vậy làm sao xuất khẩu được khi những yêu cầu, tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm trong CPCPP là rất cao. Có thể nói, khó khăn lớn nhất của chúng ta là khả năng thích ứng còn kém so với tiêu chuẩn đặt ra.

Để các thị trường chấp nhận nông sản Việt Nam không chỉ dựa vào tính lạ, mà bài toán đặt ra cần nâng cao chất lượng, giá trị dinh dưỡng sản phẩm, bao bì sản phẩm…Trong khi nông sản trong nước vẫn đang đối mặt với các cuộc “giải cứu”.

Sở dĩ như vậy do quy định của Việt Nam không cho phép tư hữu đất đai, doanh nghiệp khó có diện tích sản xuất ở quy mô lớn, trong khi chỉ có sản xuất tập trung quy mô lớn mới giảm chi phí, tăng cạnh tranh. 
Nhiều doanh nghiệp cho biết đang sản xuất ổn định lại “đùng cái” bị địa phương lấy lại đất đai, mặt bằng. Sự thiếu ổn định, thiếu bền vững và quy hoạch này khiến doanh nghiệp khó đầu tư lâu dài quy mô lớn, đặc biệt với đầu tư nông nghiệp công nghệ cao.

Trong nguyên tắc điều tiết thị trường, với những doanh nghiệp sản xuất tập trung, các tín hiệu về cung cầu của thị trường sẽ dễ được đoán định và điều tiết ổn định hơn. Nhưng với nền sản xuất nông nghiệp manh mún trong tay hàng triệu hộ dân như hiện nay, sẽ dễ bị thao túng, tác động dễ dàng từ thị trường. Các cuộc “giải cứu” diễn ra như là tất yếu chứ chưa nói tới cạnh tranh.

Trong khi đó, các nước trong CPTPP như Australia, New Zeland, Peru vốn là những cường quốc có thế mạnh về sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.

Nâng cao cạnh tranh trên 3 cấp độ

Với ngành nông nghiệp, cần nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên cả 3 cấp độ: Cấp quốc gia, cấp doanh nghiệp và cạnh tranh sản phẩm. Theo đó, các sản phẩm chủ lực ngành nông nghiệp cần được xây dựng thương hiệu quốc gia. Song song với đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, điều doanh nghiệp cần nhất khi đưa sản phẩm sang các thị trường mục tiêu chính là thông tin về thị trường, như triển vọng, tính cạnh tranh sản phẩm, nhãn mác và bao bì phù hợp với tôn giáo, văn hóa của nước nhập khẩu,... Mọi thông tin đó cần được các Tuỳ viên sứ quán hỗ trợ cung cấp cho doanh nghiệp.

Các hoạt động xúc tiến thương mại cũng cần được chú trọng. Các hội chợ, triển lãm cần được đẩy mạnh ở các thị trường tiềm năng... để giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp Việt. Đây là nơi để doanh nghiệp gặp gỡ và ký kết hợp giao dịch, hợp tác.

Đặc biệt, Việt Nam cần xây dựng hệ thống pháp lý, hệ thống thanh toán quốc tế để bảo vệ các giao dịch nói trên giữa doanh nghiệp Việt với các đối tác nước ngoài…Tất cả thiết lập thành hệ thống chi tiết, mới đảm bảo cho hoạt động của doanh nghiệp.

Ngoài ra cũng cần tính đến biện pháp hàng rào thương mại trong khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, theo CPTPP, các hàng rào bảo vệ về thuế, hạn ngạch phải được xoá bỏ. Do đó, chỉ còn hàng rào về trợ cấp với hạn mức nhất định và các hàng rào phi thuế quan.

Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp