Thái độ thù địch của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ gây tổn thất cho nước Mỹ và doanh nghiệp nước này trước tiên.

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ quyền quốc gia trước làn sóng chủ nghĩa đa phương tại Hội nghị Bộ trưởng WTO diễn ra từ ngày 10 – 13/12 tại thủ đô Buenos Aires, Argentina. Những kêu gọi cải cách WTO và chính sách thương mại bình đẳng của ông Lighthizer làm giảm kỳ vọng về hội nghị năm nay khi vấn đề trợ cấp nông nghiệp cũng được đưa vào chương trình nghị sự.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Trump từng đe dọa rút khỏi WTO và nhiều lần lặp lại rằng nước Mỹ bị đối xử không công bằng.

Tuy nhiên, nước Mỹ - quốc gia phản đối lên WTO nhiều nhất, đã thắng hơn 90% số vụ tranh chấp thương mại mà nước này khởi xướng trong suốt 20 năm qua. Và Trung Quốc thường là mục tiêu mà Mỹ nhắm tới.

Năm 2015, Trung Quốc đã loại bỏ hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm, nguyên liệu dùng trong sản xuất điện thoại thông minh, sau khi WTO tuyên bố hệ thống hạn ngạch vi phạm các chính sách thương mại. Mỹ đã theo đuổi vụ này bằng cách tiếp tục phản đối chính sách hạn ngạch của Trung Quốc đối với các nguyên liệu thô sử dụng trong ngành sản xuất thép và ô tô.

Chính phủ của ông Trump cũng đang làm suy yếu hệ thống xử lý tranh chấp của WTO bằng cách ngăn việc chỉ định các trọng tài mới vào Cơ quan Phúc thẩm gồm 7 thành viên của tổ chức này. Một trọng tài sẽ hết nhiệm kỳ trong tháng này và Cơ quan Phúc thẩm chỉ còn 4 thành viên. Việc này có thể làm chậm tiến trình điều tra các vụ tranh chấp của Mỹ, trong đó có việc phản đối hạn ngạch của Trung Quốc đối với lúa mì, gạo và ngô.

Tuy nhiên, ông Lighthizer có lý khi kêu gọi WTO thay đổi. Bộ máy cồng kềnh của tổ chức này không thể cập nhật các quy tắc thương mại mới từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước. Mỹ cũng đã thua 90% số vụ tranh chấp thương mại mà nước này là bị đơn kháng cáo nhưng cũng vì Mỹ không tuân thủ các phán quyết của WTO. Trong đó có vụ Mỹ từ chối xử lý vấn đề trợ cấp bông vải suốt 10 năm sau khi WTO ra phán quyết vào năm 2004.

Tư cách thành viên WTO của Trung Quốc cũng không thể ngăn nước này ngưng bán phá giá thép và các mặt hàng khác. Tuy nhiên, Bắc Kinh có xu hướng tuân theo các phán quyết của WTO, ít nhất cho thấy nước này có thiện chí hợp tác trong việc hạn chế các hoạt động thương mại bất bình đẳng.

Nguồn: vietnambiz.vn