Ngày 15/11, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức được ký kết theo hình thức trực tuyến. Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, RCEP được kỳ vọng có thể giúp tăng cơ hội xuất khẩu của Việt Nam sang 14 thị trường châu Á. Nếu chúng ta thực sự học từ những kinh nghiệm cả tốt và chưa tốt của các hiệp định thương mại tự do (FTA) trước, việc triển khai RCEP hiệu quả không phải là nhiệm vụ bất khả thi.

Tăng cơ hội xuất khẩu đi 14 thị trường châu Á

- RCEP được đánh giá là khu vực có quy mô thị trường lớn nhất từ trước đến nay mà Việt Nam đã tham gia. Bà kỳ vọng RCEP sẽ mang lại những lợi ích kinh tế nào cho Việt Nam?

- RCEP được kỳ vọng mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho Việt Nam chủ yếu là từ góc độ xuất khẩu. Đúng là về mặt quy mô thị trường thì RCEP, với sự tham gia của Trung Quốc bên cạnh ASEAN và 4 nước đối tác khác, là Hiệp định lớn nhất cho tới thời điểm này, vượt qua cả EVFTA.

Tuy nhiên, lý do đằng sau lợi ích xuất khẩu mà chúng ta kỳ vọng từ RCEP không phải là từ quy mô thị trường của nó. Bởi trước đó dù chưa có RCEP thì với 5 FTA đã có chúng ta đã có thể tiếp cận thị trường lớn này rồi. Căn cứ để chúng ta kỳ vọng là ở chỗ với quy tắc xuất xứ nội khối của RCEP, hàng hóa xuất khẩu của chúng ta sẽ có thể đáp ứng điều kiện xuất xứ một cách dễ dàng, qua đó có thể hưởng ưu đãi thuế quan tốt hơn nhiều so với các FTA trước đây.

Ví dụ trước đây muốn hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, hàng dệt may của chúng ta phải đáp ứng quy tắc xuất xứ theo AJCEP, VJEPA hay CPTPP. Mà cả ba FTA này đều không có thành viên là Trung Quốc, Hàn Quốc, cho nên hàng dệt may với phần lớn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ hai nước này sẽ không được hưởng ưu đãi thuế khi xuất sang Nhật. Nhưng trong RCEP, với thành viên là các nguồn cung nguyên phụ liệu chủ yếu của Việt Nam, chúng ta có thể tận dụng ưu đãi thuế quan cho hàng dệt may, đi Nhật Bản, Australia, New Zealand…

- Trước bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, RCEP có vai trò như thế nào trong việc phục hồi kinh tế nước ta, thưa bà?

- Trong bối cảnh dịch Covid-19, khó khăn bao trùm nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Xuất khẩu mặc dù giảm tốc so với trước nhưng đang được xem là điểm sáng và là một trong những cứu cánh của nền kinh tế. Với kỳ vọng có thể giúp tăng cơ hội xuất khẩu của Việt Nam sang 14 thị trường châu Á, RCEP rõ ràng cho chúng ta thêm một lợi thế để phục hồi kinh tế trong thời điểm khó khăn này.

Khó có nguy cơ thị trường trong nước bị “ngập lụt”

- Bên cạnh những cơ hội, lợi ích mà RCEP mang lại thì thách thức đối với doanh nghiệp trong nước là gì, thưa bà?

- RCEP là Hiệp định dự kiến sẽ tác động lớn tới thương mại hàng hóa giữa Việt Nam với các nước đối tác RCEP. Mà trong số này có nhiều nền kinh tế có sức cạnh tranh rất mạnh, lại có cơ cấu sản phẩm gần tương đồng với Việt Nam. Vì vậy, RCEP được dự báo sẽ mang tới những thách thức cạnh tranh đáng kể, ở cả hai góc độ là thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu.

Ở thị trường trong nước, việc Việt Nam mở cửa cho hàng hóa tương đồng từ các nước RCEP chắc chắn sẽ khiến các doanh nghiệp nội địa của chúng ta phải chịu sức ép lớn hơn trên sân nhà. Tuy vậy, nếu cho rằng RCEP sẽ tạo ra một cú sốc cho thị trường nội địa thì không hẳn. Với hàng từ các nước ASEAN, thực tế các nguồn này đã có thể vào Việt Nam với thuế suất 0% với gần như toàn bộ Biểu thuế từ 2018 rồi. Với hàng hóa từ Trung Quốc thì rất có thể RCEP sẽ khuyến khích doanh nghiệp mua nguyên phụ liệu từ Trung Quốc để sản xuất hàng xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan trong RCEP, do đó gia tăng nhập khẩu từ nguồn này. Tuy nhiên điều này khó có thể dẫn tới nguy cơ thị trường trong nước bị “ngập lụt” bởi hàng hóa từ nguồn này. Trước đó chúng ta đã có Hiệp định Thương mại tự do ASEAN với Trung Quốc (ACFTA).

- Cơ hội từ RCEP là rất lớn, nhưng làm thế nào để tận dụng được tối đa lợi ích của hiệp định mang lại?

- Vâng, cũng như các FTA trước đây, thách thức lớn nhất của chúng ta trong các FTA là làm thế nào để hiện thực hóa cơ hội. Doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu cơ hội ở đâu, là gì, điều kiện ra sao để từ đó điều chỉnh sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường tận dụng cơ hội.

Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam hôm nay so với trước đây đã quan tâm đến các FTA hơn rất nhiều. Và các nỗ lực minh bạch hóa thông tin, hướng dẫn doanh nghiệp tìm hiểu, tận dụng các cam kết FTA của các cơ quan Nhà nước, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hay các hiệp hội cũng tốt hơn, hiệu quả và thực tế hơn. Tôi lấy ví dụ như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), chỉ sau 2 tháng có hiệu lực, đã có tới gần 15.000 lô hàng với kim ngạch xấp xỉ 700 triệu USD tận dụng được ưu đãi thuế quan trong EVFTA. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có thể là rất ít, nhưng thực tế chúng ta phải tính cộng gộp tỷ lệ tận dụng ưu đãi của các FTA khác mà các đối tác CPTPP đang có với Việt Nam nữa.

Tất nhiên, nếu nói là để tận dụng tối đa thì có lẽ rất nhiều việc phải làm. Rút kinh nghiệm từ những FTA trước đây, công tác tuyên truyền phổ biến để doanh nghiệp hiểu về RCEP và cách thức để tận dụng các lợi ích từ RCEP cần phải làm thật mạnh, thật nhanh, thật chi tiết. Đồng thời, công tác xây dựng văn bản pháp luật để thực thi RCEP (đặc biệt là Biểu thuế) và tổ chức cấp hoặc tiếp nhận chứng nhận xuất xứ cho các lô hàng theo RCEP cũng cần được chú trọng đẩy nhanh. Tôi tin rằng nếu chúng ta thực sự học từ những kinh nghiệm cả tốt và chưa tốt từ các FTA trước, việc triển khai RCEP hiệu quả không phải là nhiệm vụ bất khả thi.

- Xin cảm ơn bà!

Nguồn: Đại biểu Nhân dân