Ấn Độ không tham dự các phiên họp của RCEP tại Bali
06/02/2020 240Ấn Độ đã không tham dự các phiên họp mới nhất RCEP. Đây là một dấu hiệu cho thấy họ có thể sẽ rút khỏi các vòng đàm phán tiếp theo của Hiệp định thương mại tự do được cho là lớn nhất thế giới này.
Ấn Độ đã vắng mặt trong phiên đàm phán về RCEP kéo dài hai ngày (3-4/2) tại Bali, Indonesia. Ba tháng trước, tại Hội nghị cấp cao ở Bangkok, Thái Lan, tất cả các quốc gia thành viên RCEP, trừ Ấn Độ, đã tuyên bố đạt được thỏa thuận về phần lời văn của Hiệp định.
Phiên họp tại Bali lần này là “không chính thức”, nhằm tạo thuận lợi cho Ấn Độ tham dự. Những vấn đề được đặt ra trong chương trình nghị sự bao gồm tiếp cận thị trường - một số quốc gia yêu cầu thảo luận kỹ càng hơn trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, và liệu có nên ký một hiệp định không có sự tham gia của Ấn Độ hay không.
Một số quốc gia, như Nhật Bản, cho rằng sự tham gia của Ấn Độ là cần thiết, nhằm tránh việc tạo ra một khu vực kinh tế có thể bị chi phối bởi Trung Quốc.
Ấn Độ đã từ chối ký thỏa thuận tại Bangkok vào phút chót, vì những lo ngại về ngành công nghiệp nội địa và nguy cơ gia tăng thâm hụt thương mại với các nước thành viên RCEP, đặc biệt là với Trung Quốc. New Delhi lo ngại rằng một thỏa thuận không có biện pháp bảo vệ sẽ khiến mọi việc tồi tệ hơn. Thêm vào đó, RCEP không được lòng nhiều người dân Ấn Độ, bao gồm nông dân và chủ sở hữu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tuy vậy, Ấn Độ vẫn để ngỏ khả năng quay lại.
Vào tháng 1, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Piyush Gidel đã cho biết, nếu các quốc gia thành viên RCEP đưa ra được công cụ bảo vệ thích hợp nhằm chống lại việc lẩn tránh các quy định về quy tắc xuất xứ, đủ minh bạch trong các thủ tục thương mại, và các rào cản phi thuế quan được giải quyết, Ấn Độ có thể thảo luận thêm.
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), với 16 quốc gia thành viên, sẽ tạo ra một thị trường thương mại tự do chiếm tới nửa dân số thế giới và hơn một phần ba tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Không có Ấn Độ, Hiệp định chỉ chiếm 30% dân số và xấp xỉ 30% GDP thế giới.
Nguồn: Nikkei Asian Review - Trung tâm WTO và Hội nhập lược dịch
- Tổng thống Trump hé lộ khả năng 'giảm đáng kể' thuế với Trung Quốc
- Lý do Trung Quốc không vội vàng trong cuộc chiến thuế quan với Mỹ
- Thuế quan đối ứng của Mỹ: "Canh bạc" khó lường
- Việt Nam có cơ hội trở thành “mắt xích” quan trọng trong chuỗi cung ứng của Mỹ
- 90 ngày chạy đua đàm phán thuế: Kỳ vọng mức thuế nào cho Việt Nam?