Tác động thuế quan đa chiều lên các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam
Trong bối cảnh cuộc chiến thuế quan, các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam cho dù xuất khẩu hay không xuất khẩu đến Mỹ đều bị tác động trực tiếp hoặc gián tiếp.
Đó là nhận định của các công ty phát triển bất động sản công nghiệp, cho thuê nhà xưởng xây sẵn được chia sẻ tại Diễn đàn Tài chính – Bất động sản 2025 do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức vào ngày 8.5.
Ông Trương An Dương, Giám đốc điều hành Khối Bất động sản công nghiệp và Nhà ở của Frasers Property Vietnam, cho biết trong tuần đầu tiên Tổng thống Trump thông báo mức thuế đối ứng, một số khách hàng chuẩn bị ký kết hợp đồng thuê với công ty ông đã quyết định tạm hoãn. “Có khách hàng hủy bỏ quyết định thuê,” ông Dương chia sẻ tại sự kiện.
Tuy nhiên, cũng trong tuần đó, số khách hàng hỏi thuê về bất động sản công nghiệp của công ty lại tăng hơn so với trước, ông Dương nói thêm.
“Tác động từ thuế quan đa chiều, ảnh hưởng cả gián tiếp và trực tiếp. Những khách hàng xuất khẩu đến Mỹ tất nhiên bị ảnh hưởng. Có những khách hàng không xuất khẩu đi Mỹ nhưng cũng bị ảnh hưởng về nguyên liệu đầu vào. Có những doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam, xuất khẩu những thị trường khác ngoài Mỹ, nhưng công ty mẹ xuất khẩu chủ yếu qua Mỹ bị ảnh hưởng nên công ty con cũng bị ảnh hưởng trong quá trình đầu tư,” ông Dương kể lại.
Vì vậy, theo đánh giá của ông Dương, trong ngắn hạn, thu hút đầu tư nước ngoài sẽ chậm lại, nhưng trung và dài hạn, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt trong khu vực Đông Nam Á cùng Trung Quốc và Ấn Độ.
Về phía Fraser, “công ty sẽ tiếp tục đầu tư mảng bất động sản khu công nghiệp ở Việt Nam vì quỹ đất đang còn cũng như thấy tiềm năng phát triển, đạt hiệu suất tốt trong danh mục. Nhưng công ty sẽ phải quan sát cẩn thận hơn, cân nhắc kỹ về việc đầu tư mới hay chậm lại 6 tháng để đánh giá tình hình một cách chính xác hơn,” ông Dương chia sẻ.
Cùng quan điểm với ông Dương, ông Trương Khắc Nguyên Minh, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Prodezi Long An, cũng cho biết các doanh nghiệp hiện đang sản xuất trong khu công nghiệp thuộc sở hữu của công ty cũng bị tác động, sản xuất chậm lại, nhưng việc hoàn thành đơn hàng vẫn được tiếp tục.
“Có khách hàng tiềm năng, liên quan đến thị trường xuất khẩu ở Mỹ dừng lại hợp đồng thuê. Cho dù với kịch bản áp mức thuế 20-25%, biên lợi nhuận của họ vẫn bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nhóm khách hàng khác có thị trường đầu ra đa dạng hơn, hàm lượng công nghệ vẫn lạc quan, tin tưởng vào Chính phủ Việt Nam sẽ đàm phán tích cực,” ông Minh cho biết.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Trường chính sách công và quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam, Việt Nam chủ động đáp ứng đa số nhu cầu của Hoa Kỳ, nhưng không đáp ứng ở thế yếu mà thật ra sẽ đáp ứng trên thế mạnh. “Thật ra phía Hoa Kỳ cũng mong muốn kết thúc sớm đàm phán,” ông Thành nhận định.
“Tôi đánh giá chắc chắn kịch bản xấu 30-35% sẽ không xảy ra. Mức thuế 20% là trong tầm tay. Nhưng ngay cả trong kịch bản như thế thì con số đó vẫn cao, ảnh hưởng tiêu cực không chỉ cho tăng trưởng trong ngắn hạn mà còn đến dài hạn. Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải tính toán lại. Vì mức thuế đối ứng là cộng thêm, ví dụ mặt hàng dệt may thuế 15% thì phải cộng thêm 10% hoặc 20%, nên đây là mức thuế cao,” ông Thành lý giải.
Theo báo cáo của Cục Thống kê, thuế quan hiện chưa tác động nhiều đến nền kinh tế, đầu tư cơ sở hạ tầng tăng mạnh, nhưng hai động lực chính còn lại của tăng trưởng – tiêu dùng nội địa và đầu tư tư nhân – vẫn chưa cho thấy dấu hiệu khởi sắc.
Trong khi đó, ông Thành cho rằng, nếu nhìn vào báo cáo tài chính của các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và chuỗi phân phối tiêu dùng lớn nhất “không tăng mà thậm chí giảm”. Ông nói: “Chỉ có hai đến ba doanh nghiệp lớn có mức tăng trưởng hai con số.” Trong bức tranh này, theo đánh giá của ông Thành, “kinh tế vẫn còn khó khăn.”
Đại diện của Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng cơ hội tăng trưởng phụ thuộc lớn phản ứng chính sách. Nếu Việt Nam đàm phán được mức thuế về 10% thì ít áp lực hơn cho việc kích cầu, đặc biệt về tiền tệ. Theo đó, quốc gia sẽ cam kết với Hoa Kỳ không để đồng Việt Nam mất giá. Nếu đàm phán thành công một phần, mức thuế 20%, thì dự báo sẽ tác động rất lớn đến tăng trưởng.
“Lúc đó, các nhà điều hành chính sách phải rất mạnh tay trong việc nới lỏng chính sách,” ông Thành nhận định.
Nguồn: Forbes
- Mỹ sẽ công bố thỏa thuận thương mại với các nước trong tháng tới
- Xuất khẩu chính ngạch ớt, chanh leo sang Trung Quốc: Cơ hội và thách thức
- EU cân nhắc áp thuế đối với 100 tỷ euro hàng hóa Mỹ
- Ai Cập – Điểm đến mới giữa căng thẳng thương mại
- Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam