Sáng 27/5, tại Malaysia, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-GCC lần thứ hai.
ASEAN - GCC: Hình mẫu hợp tác liên khu vực
Sáng 27/5/2025, tại Kuala Lumpur, Malaysia, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) lần thứ hai.
Tiếp nối thành công của Hội nghị Cấp cao ASEAN-GCC lần đầu tiên tại Riyadh năm 2023, Hội nghị lần này nhằm duy trì đà phát triển năng động trong quan hệ đối tác và hợp tác giữa ASEAN và GCC. Lãnh đạo các nước đều nhấn mạnh hợp tác giữa ASEAN và GCC, hai tổ chức có vai trò quan trọng, là hình mẫu về mối quan hệ liên khu vực dựa trên các giá trị đối thoại, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng.
Các nước đặc biệt khẳng định quyết tâm triển khai thực chất, cụ thể hóa các cam kết thành các chương trình hợp tác trên thực tế trên cơ sở Khuôn khổ hợp tác ASEAN -GCC 2024 - 2028.
Trên tinh thần đó, các nước nhất trí làm sâu sắc hợp tác kinh tế trên nền tảng tầm nhìn phát triển chung, lợi ích song trùng, khai thác tính bổ sung và những tiềm năng kinh tế to lớn, với dân số hai khu vực hơn 700 triệu dân và GDP chiếm tỷ lệ quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Lãnh đạo các nước hoan nghênh triển khai nghiên cứu khả thi về Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-GCC, bước đi chiến lược tạo nền tảng vững chắc cho liên kết kinh tế dài hạn.
Hội nghị cũng đạt nhất trí về các định hướng thúc đẩy kết nối thị trường, tạo thuận lợi cho đầu tư, thương mại, hạ tầng logistics, du lịch, lao động, phát triển công nghiệp Halal. Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bảo đảm an ninh chuỗi cung ứng, đồng thời khai thác tiềm năng hợp tác các lĩnh vực kinh tế số, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ mới nổi khác.
ASEAN và GCC nghiên cứu về một FTA toàn diện
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao tiềm năng hợp tác ASEAN-GCC, nhận định hai khu vực đều có thế mạnh riêng, mang tính bổ trợ cao và chia sẻ nhiều điểm tương đồng về tầm nhìn phát triển.
ASEAN nổi bật với tốc độ tăng trưởng cao, dân số trẻ, thị trường lớn, khả năng chuyển đổi nhanh, trong khi GCC là trung tâm năng lượng của thế giới, dồi dào nguồn lực tài chính, và có ưu thế về công nghệ và kinh nghiệm phát triển xanh.
Thủ tướng nhấn mạnh ASEAN và GCC cần cùng nhau định hình, kiến tạo một mô hình hợp tác liên khu vực thế hệ mới trên cơ sở chân thành, thực chất, toàn diện, gắn kết và hiệu quả hơn nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hợp tác phát triển. Tăng cường lợi ích hài hòa giữa hai bên, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển chung của hai khu vực và thế giới.
Thủ tướng kêu gọi ASEAN và GCC tăng cường kết nối chiến lược, thúc đẩy hợp tác thực chất, hướng tới phát triển bền vững và bao trùm, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.
Thủ tướng đề xuất hai bên sớm thiết lập một thỏa thuận hợp tác kinh tế chung mang tính linh hoạt, có thể triển khai trong thời gian ngắn, nhằm thúc đẩy tiếp cận thị trường, kết nối chuỗi cung ứng, hỗ trợ đầu tư hai chiều và tạo khuôn khổ tương hỗ thực chất trong lúc ASEAN và GCC tiến hành nghiên cứu khả thi về một FTA toàn diện.
Đồng thời, Thủ tướng khuyến khích kích hoạt mạnh mẽ vai trò của khu vực tư nhân, đặc biệt là các quỹ đầu tư của GCC tại ASEAN. Phát huy vai trò kết nối của Hội đồng doanh nghiệp ASEAN và các hiệp hội doanh nghiệp của GCC nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch, thông thoáng, thúc đẩy dòng vốn, công nghệ và sáng kiến.
Thủ tướng cũng đề nghị ASEAN và GCC đưa các lĩnh vực tăng trưởng xanh và bền vững trở thành trụ cột hợp tác mới của quan hệ vì tương lai của nhân dân hai khu vực, tập trung vào chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển hạ tầng bền vững, đô thị thông minh, nông nghiệp thông minh, thị trường thực phẩm Halal, an ninh năng lượng và an ninh lương thực.
Trên tinh thần đồng hành và kiến tạo, Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẵn sàng cùng các nước thúc đẩy hợp tác cụ thể về phát triển hạ tầng số 5G, AI, cáp biển; sản xuất hydro xanh, năng lượng mặt trời, lưu trữ năng lượng thông minh. Xây dựng chuỗi cung ứng Halal chất lượng cao; và tạo thuận lợi cho di chuyển và điều kiện lao động, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế.
Nguồn: Tạp chí Công Thương
- Dự thảo quy định kiểu dáng sinh thái đối với điện thoại của EU
- Tòa Thương mại Quốc tế Mỹ vô hiệu hoá thuế đối ứng của ông Trump, Nhà Trắng phản ứng
- Tòa án Mỹ chặn sắc lệnh đánh thuế hàng hóa nước ngoài của ông Trump
- Tận dụng thuế cơ sở 10% vào Mỹ, dệt may “chóng mặt” với tiến độ giao hàng
- EU đánh giá cao việc Mỹ hoãn áp thuế khi đàm phán thương mại còn nhiều khó khăn