Vào được thị trường đã khó, nhưng có giữ được thị trường hay không lại là chuyện không hề dễ dàng. Thực tế, nhiều sản phẩm nông sản Việt vẫn bị cảnh báo về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, ảnh hưởng tới thương hiệu của ngành hàng, của quốc gia.

Ông Cao Xuân Thắng, Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, quốc gia này có dân số 5,7 triệu người, trong đó có khoảng 300 nghìn triệu phú trên thế giới đang sinh sống. Singapore được đánh giá là thị trường tiềm năng cho vải thiều, nhãn cũng như nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam.

Mất chữ tín, đối tác không nhập

Thương vụ Việt Nam tại Singapore xác định tập trung hỗ trợ xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam, trong đó có các sản phẩm nông sản tươi sống và chế biến. Đặc biệt, ưu tiên với các sản phẩm có tính mùa vụ cao, trong đó có quả vải và nhãn.

Nhờ hoạt động xúc tiến thương mại, năm 2021, sản phẩm vải tươi đã đạt được mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu khá tốt. Tuy nhiên, năm 2022, Thương vụ có làm việc lại với hệ thống siêu thị của Singapore là NTUC FAIRRICE thì họ từ chối nhập khẩu vải thiều Việt Nam. “Lãnh đạo hệ thống siêu thị này nói rằng, hầu hết các mẫu quả vải tươi nhập khẩu vào Singapore bị tồn sulphur”, ông Thắng chia sẻ. Đó là lý do xuất khẩu quả vải tươi Việt Nam giảm mạnh tại thị trường Singapore.

Không chỉ quả vải, cách đây một vài năm, quả nhãn tươi cũng bị phía Singapore từ chối nhập khẩu vì tồn dư sulphur.

Hiện, giá quả vải tươi tại thị trường Singapore khoảng 170.000 – 180.000 đồng/hộp 800gram (chủ yếu là vải thiều Trung Quốc); nhãn được bán với giá 130.000 – 160.000 đồng/hộp 1 kg (chủ yếu là nhãn Thái Lan).

Sang năm 2023, ông Thắng cho biết, một số doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã gửi mẫu chào hàng tới Thương vụ nhờ kết nối xúc tiến thương mại. Tuy nhiên, Thương vụ lưu ý, các Bộ, ngành chức năng, Hiệp hội, DN cần quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất để nông sản thực phẩm đảm bảo yêu cầu chất lượng phục vụ xuất khẩu.

“Mở cửa thị trường sẽ tốn kém công sức, tài chính, nên vào được thì phải lưu ý duy trì chất lượng, nếu không sẽ bị đào thải. Nông sản Việt phải giữ uy tín - không chỉ uy tín DN mà còn là uy tín của thương hiệu quốc gia. Người tiêu dùng không biết vải của địa phương này hay địa phương kia, nhưng hiểu đó là vải của Việt Nam và quay lưng nếu phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật”, ông Thắng nói.

Hàng rào thuế quan được mở ra cũng đồng nghĩa với các rào cản phi thuế quan sẽ gia tăng. Tuy vậy, đây là phép thử để nông sản Việt tổ chức lại sản xuất, kinh doanh bài bản hơn.

Điển hình như với Quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR), gỗ và sản phẩm gỗ, cà phê, cao su là những ngành hàng xuất khẩu chính của Việt Nam bị ảnh hưởng khi quy định này được áp dụng.

Cùng với đó, thị trường EU cũng đưa ra rất nhiều quy định mới với nội dung siết chặt chất lượng sản phẩm nhập khẩu vào EU. Trong đó, đối với mặt hàng rau quả tươi, trong 6 tháng đầu năm nay, phía EU ban hành 2 quy định về thay đổi hạn mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong mặt hàng rau quả tươi và đông lạnh.

Thương vụ Việt Nam tại Đức cho biết, người tiêu dùng Đức có xu hướng tiêu dùng nhiều hơn các sản phẩm châu Á, họ sẵn sàng sử dụng các sản phẩm nhập khẩu từ các quốc gia đang phát triển nếu sản phẩm đó có xuất xứ rõ ràng, chất lượng tốt và giá cạnh tranh. Việt Nam có nhiều sản phẩm thế mạnh mà người tiêu dùng Đức có nhu cầu cao như đồ gỗ, may mặc, giày dép, cà phê, hoa quả nhiệt đới… Tuy nhiên, các quy định, yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật, các quy định liên quan đến môi trường, con người… của Đức rất khắt khe và khó đáp ứng hơn nhiều thị trường xuất khẩu khác của Việt Nam. Các chế tài xử phạt với việc vi phạm các quy định nhập khẩu cũng rất khắt khe. Do đó, nhiều DN Việt Nam rất khó thâm nhập được vào thị trường Đức và chuyển hướng sang các thị trường dễ tính hơn như các nước Đông Âu.

Chất lượng phải được đặt lên hàng đầu

Nhìn từ câu chuyện ngành lúa gạo, theo ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc CTCP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), muốn xuất khẩu vào thị trường châu Âu, các DN sản xuất kinh doanh xuất khẩu gạo cần có sản phẩm đạt chuẩn GlobaGAP hoặc VietGAP thực thụ và nên có chọn lọc sản phẩm, cụ thể là nên chọn những loại có chất lượng cao thay vì gạo chất lượng thấp.

“Nhiều người cho rằng, khi châu Âu miễn thuế nhập khẩu gạo, họ sẽ tăng độ khó hàng rào kỹ thuật về tiêu chuẩn để bảo vệ DN trong nước. Thật ra, việc bảo vệ DN quốc nội ở nước nào cũng có, tuy nhiên châu Âu không trồng hoặc trồng ít lúa gạo, hơn nữa mỗi năm châu Âu nhập khẩu trên dưới 2 triệu tấn gạo, do vậy 80.000 tấn gạo nhập khẩu từ Việt Nam chỉ là số nhỏ, chắc chắn châu Âu không nhòm ngó hoặc giăng hàng rào gây khó dễ”, ông Bình chia sẻ.

Điều quan trọng mà Tổng giám đốc Trung An lưu ý là “chúng ta phải làm đúng, chứ đừng nhập gạo thơm từ Campuchia, Thái Lan, sau đó gắn mác gạo Việt Nam để xuất khẩu. Hay xuất những loại gạo có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Chúng ta hãy làm thật tốt hướng đến lâu dài, không chỉ 80.000 tấn gạo được hưởng thuế suất bằng 0 mà làm sao để người châu Âu tin và muốn ăn gạo Việt”.

Trong khi đó, Thương vụ Việt Nam tại Áo khuyến nghị, DN Việt Nam cần đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, đặc biệt đảm bảo dư lượng thuốc trừ sâu, hoặc chất bảo quản khi chiếu xạ sản phẩm. Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU đề nghị các DN có lĩnh vực xuất khẩu nằm trong phạm vi hiệu lực của Quy định chống phá rừng của EU cần thực hiện tốt việc chuẩn bị hồ sơ…

Không chỉ thị trường EU, vài năm trở lại đây, Trung Quốc liên tục thay đổi những quy định chính sách về nhập khẩu nông sản, thực phẩm. "Một số tiêu chuẩn chất lượng đối với nông sản thực phẩm nhập khẩu đã ngang bằng, thậm chí có quy định về đăng ký cấp phép, thủ tục kiểm nghiệm, kiểm dịch thông quan còn chặt chẽ hơn cả những thị trường có tiếng là khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết.

"Qua các buổi gặp, tôi nhận thấy phía Trung Quốc rất coi trọng "chữ tín" trong kinh doanh nông sản. Do vậy, tôi muốn gửi thông điệp đến các doanh nghiệp nông sản trên cả nước là đảm bảo đúng theo quy định mà phía Trung Quốc yêu cầu, thay vì coi đây là thị trường dễ tính", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khuyến nghị.

Theo ông Nam, chinh phục được thị trường Trung Quốc sẽ mở ra cơ hội đưa sản phẩm đến những thị trường khó tính hơn: "Chúng ta phải hình thành thói quen xây dựng quan hệ thương mại bền vững, dựa trên chữ tín, kết hợp với điều hành xây dựng chuỗi cung ứng thì mới mong đưa hàng hóa vào chuỗi cung ứng toàn cầu".

Nguồn: VnBusiness