Thị trường các nước Hồi giáo là thị trường tiềm năng với nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm Halal (các sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo) đang tăng rất nhanh, trong khi nguồn cung bị thiếu hụt. Tuy nhiên, hiện số lượng các sản phẩm của Việt Nam vào thị trường Hồi giáo còn quá ít.

Sản phẩm Halal xuất khẩu còn khiêm tốn

Theo Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), trong năm 2022, người Hồi giáo đã chi 2.000 tỷ USD cho thực phẩm, quần áo, du lịch, dược phẩm và phong cách sống dựa trên các nhu cầu tiêu dùng có đạo đức lấy cảm hứng từ đức tin Hồi giáo. Khoản chi tiêu này dự kiến sẽ đạt 2.800 tỷ USD trong năm 2025. Uớc tính rằng tài sản tài chính Hồi giáo trên toàn thế giới đạt 3.600 tỷ USD trong năm 2022 và dự kiến sẽ tăng lên 4.900 tỷ USD vào năm 2025.

Ông Ramlan Osman, Giám đốc Trung tâm Halal Việt Nam cho rằng, tiềm năng kinh tế Halal toàn cầu rất lớn. Việt Nam có tiềm năng sản xuất hàng hóa Halal trị giá tới 34 tỷ USD cho các quốc gia OIC. Song hiện tại, các doanh nghiệp nội địa Việt Nam mới đáp ứng được một phần nhu cầu của các thành viên OIC. Bởi để đưa được các sản phẩm vào các quốc gia Hồi giáo đòi hỏi các doanh nghiệp phải có chứng nhận Halal cho các sản phẩm của mình.

Cụ thể, để tiếp cận thị trường Hồi giáo, các nhà xuất khẩu của Việt Nam phải có chứng nhận Halal được xác thực bởi cơ quan có thẩm quyền. Chứng nhận Halal thậm chí còn phức tạp hơn các chứng nhận khác do quy trình kiểm tra không thống nhất. Không có tổ chức quốc tế thống nhất nào cấp chứng chỉ Halal. Thay vào đó, mỗi quốc gia có các cơ quan riêng của mình. Do đó, sản phẩm phải phải đáp ứng tiêu chuẩn quy định của quốc gia sản xuất và cả quốc gia nhận hàng. Vì lý do này, các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu chứng nhận Halal.

Ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) cho biết, do những khó khăn và quy định ngặt nghèo của tiêu chuẩn Halal đối với sản phẩm có nguồn gốc từ động vật, các sản phẩm Halal xuất khẩu của Việt Nam hiện nay chủ yếu là nông sản, nguyên liệu đầu vào cho một số ngành như nước giải khát… Đây cũng là nguyên nhân khiến khoảng 41% địa phương Việt Nam chưa có sản phẩm xuất khẩu có chứng nhận Halal. Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường Halal truyền thống tại Đông Nam Á, Nam Á và Trung Đông, Bắc Phi chủ yếu là nông, thủy sản nhưng ở dạng thô, sơ chế và chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt thường chỉ tập trung vào hai thị trường gần là Indonesia và Malaysia. Trong khi đó, ít doanh nghiệp biết rằng Ấn Độ là một thị trường Halal tiềm năng lớn thứ hai thế giới về quy mô dân số với hơn 170 triệu người theo đạo Hồi trong tổng số dân hơn 1,4 tỷ dân. Nguyên nhân là bởi việc tiếp cận thị trường khác biệt về văn hóa và tập tục là một thách thức với các doanh nghiệp Việt.

Để không lỡ nhịp

Chia sẻ về thị trường đặc biệt này, ông Diệp Nam Hải, Tổng giám đốc Công ty CP thực phẩm Cholimex (Cholimex Food) cho biết, hiện một số đối tác từ các nước hồi giáo đang mong muốn tìm kiếm nhà cung cấp nhãn hàng theo tiêu chuẩn cho cộng đồng mình. Điều này đã mở ra cơ hội chinh phục thị trường cộng đồng người Hồi giáo trên thế giới cho doanh nghiệp. Đầu năm 2023, Cholimex Food cũng đã có những lô sản phẩm gia vị cũng lần đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Indonesia và Brunei, trở thành bước đệm để doanh nghiệp tiếp cận thị trường người Hồi giáo.

Tuy nhiên, để không bị lỡ nhịp trong tiếp cận thị trường Halal, cần hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong việc chứng nhận tiêu chuẩn Halal bởi hiện chưa có quy chuẩn cụ thể trong việc chuẩn hóa mô hình chứng nhận Halal. Đi kèm với đó là có rất ít đơn vị đứng ra hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp chứng nhận Halal.

Ông Lê Châu Hải Vũ, Giám đốc Công ty Consultech JSC cho biết, các tiêu chuẩn và quy định Halal đang ngày càng nghiêm ngặt, chứng nhận Halal lại không có giá trị vĩnh viễn, không được công nhận như nhau ở tất cả các quốc gia, với tất cả mặt hàng. Điều này gây tốn kém chi phí cho hợp tác xã, doanh nghiệp vì phải tái chứng nhận nhiều lần và phải căn cứ vào từng thị trường xuất khẩu để đăng ký chứng nhận cho phù hợp.

Ngoài ra, để sản phẩm của hợp tác xã đến gần hơn với thị trường Halal, các chuyên gia đề xuất thời gian tới cần thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương cũng như ký kết các thỏa thuận về công nhận lẫn nhau trong lĩnh vực Halal. Tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài để xây dựng các cơ sở sản xuất sản phẩm Halal đạt tiêu chuẩn quốc tế; hỗ trợ kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các tổ chức chứng nhận Halal uy tín và các đối tác trên thế giới...

Ngày 14/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030” do Bộ Ngoại giao chủ trì. Đây là đề án đầu tiên đưa ra định hướng lớn mang tầm quốc gia về huy động các nguồn lực quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam bài bản, chuyên nghiệp, toàn diện, giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu, hiệu quả vào chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm Halal toàn cầu. Đề án tạo hướng đi mới trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, giúp khai mở thị trường Halal giàu tiềm năng có quy mô lên tới 10.000 tỷ USD trên phạm vi toàn thế giới vào năm 2028 và tạo thêm động lực mới cho phát triển kinh tế bền vững của nước ta, nhất là khi các thị trường truyền thống đang gặp không ít khó khăn do lạm phát, suy thoái kinh tế.

Nguồn: Tạp chí Hải Quan