Chiến thuật 'gây bão để đàm phán' của ông Donald Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục sử dụng chiến thuật áp thuế cao rồi bất ngờ hoãn hoặc giảm, khiến thị trường tài chính và hàng hóa toàn cầu gặp sóng gió.

Áp thuế rồi 'quay xe': Trump và những cơn sóng thị trường

Rạng sáng 26/5 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tạm hoãn áp thuế 50% lên hàng hóa từ Liên minh châu Âu (EU) cho đến ngày 9/7, mở đường cho việc đàm phán thương mại mới.

Đây là lần “quay xe” mới nhất trong chuỗi động thái thuế quan của ông Trump, một phần trong chiến thuật tạo sức ép rồi nhượng bộ để nắm lợi thế đàm phán.

Trên mạng xã hội Truth Social, ông viết: “Hôm nay tôi nhận được cuộc gọi từ Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), yêu cầu gia hạn thời hạn 1/6 cho thuế quan 50% đối với thương mại và EU. Tôi đã đồng ý gia hạn tới ngày 9/7. Tôi rất vinh dự khi được làm như vậy. Chủ tịch Ủy ban cho biết các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu nhanh chóng. Cảm ơn sự quan tâm của các bạn đối với vấn đề này!”.

Bà Von der Leyen gọi đây là cuộc thảo luận “tích cực”, nhấn mạnh EU sẵn sàng thúc đẩy đàm phán để đạt thỏa thuận đôi bên cùng có lợi.

Vài ngày trước, ông Trump đe dọa áp thuế 50% với hàng EU vì thâm hụt thương mại hơn 250 triệu USD mỗi năm, điều ông cho rằng “hoàn toàn không thể chấp nhận được”. Mức thuế này cao gấp đôi so với thuế đối ứng 20% từng áp dụng hồi tháng 4.

Tuy nhiên, việc hoãn thuế không phải lần đầu. Hồi đầu tháng 4, ông Trump công bố chính sách thuế đối ứng với 180 đối tác thương mại, từ 10-50%, trong đó Trung Quốc chịu mức 54%, Việt Nam 46%, Thái Lan 36%. Nhưng chỉ ít ngày sau, ông bất ngờ hoãn áp thuế với hầu hết các nước trong 90 ngày, ngoại trừ Trung Quốc.

Mỗi lần ông Trump đe dọa áp thuế, thị trường tài chính và hàng hóa toàn cầu chao đảo. Giá vàng tăng giảm 50-100 USD/ounce sau mỗi sự kiện như vậy. Thị trường cổ phiếu Mỹ cũng biến động rất mạnh.

Ngày 12/5, khi Mỹ và Trung Quốc đồng ý giảm thuế đối ứng từ 145% xuống 30% (Mỹ) và từ 125% xuống 10% (Trung Quốc) trong 90 ngày, giá vàng giao ngay lao dốc hơn 3%, từ 3.325 USD/ounce xuống 3.225 USD/ounce, đánh dấu phiên giao dịch tồi tệ nhất năm 2025.

Những lần ông Trump đe dọa áp thuế không chỉ gây áp lực lên đối tác mà còn tác động mạnh đến thị trường tài chính.

Nhưng khi ông hoãn hoặc giảm thuế, kịch bản đảo ngược: vàng điều chỉnh giảm, USD và chứng khoán phục hồi. Chu kỳ này đã lặp đi lặp lại từ đầu năm đến nay. 

Chiến thuật đàm phán của ông Trump

Chiến thuật áp thuế rồi hoãn của ông Trump không phải ngẫu nhiên, mà là một phần trong triết lý “Nước Mỹ trên hết” (America First). Đây là kim chỉ nam trong chính sách đối nội và đối ngoại của ông, với mục tiêu ưu tiên lợi ích kinh tế, an ninh và việc làm của người Mỹ.

Thông qua chính sách bảo hộ thương mại, rút khỏi các hiệp định đa phương, hạn chế nhập cư và thúc đẩy sản xuất trong nước, ông Trump tìm cách giảm thâm hụt thương mại và bảo vệ doanh nghiệp Mỹ.

Ông Trump không ngần ngại tạo mâu thuẫn, thậm chí chủ động khơi mào căng thẳng. Phát biểu trên Bloomberg ngày 17/4, ông nói: “Đến một thời điểm, tôi không muốn tăng thuế cao hơn nữa vì sẽ khiến mọi người không mua hàng”.

Tuy nhiên, ông vẫn sử dụng thuế quan như đòn bẩy để gây áp lực, buộc đối tác ngồi vào bàn đàm phán. Chiến thuật này phản ánh triết lý trong cuốn sách nổi tiếng của ông, The Art of the Deal. Đó là tạo sức ép tối đa, khai thác nỗi sợ của đối phương rồi bất ngờ nhượng bộ để đạt được thỏa thuận có lợi.

Với Trung Quốc, mức thuế 145% (125% thuế đối ứng cộng 20% thuế fentanyl) là cách ông Trump đáp trả điều mà ông gọi là “thiếu tôn trọng” từ Bắc Kinh. Nhưng khi căng thẳng leo thang, với việc Trung Quốc trả đũa bằng thuế 125% từ ngày 11/4, ông nhanh chóng đồng ý giảm thuế xuống 30% trong 90 ngày để mở đường đàm phán.

Tương tự, với EU, mức thuế 50% được hoãn ngay sau cuộc gọi với bà Von der Leyen, tạo không gian cho thương lượng. Chiến thuật này giúp ông Trump duy trì hình ảnh “người đàm phán cứng rắn”, đồng thời giữ Mỹ ở thế chủ động.

Quy luật đằng sau chiến thuật của ông Trump có thể khá đơn giản: tạo sóng gió để thu hút sự chú ý, gây áp lực để buộc đối tác nhượng bộ, rồi “quay xe” để củng cố vị thế đàm phán. 

Mỗi lần đe dọa áp thuế, ông không chỉ gây áp lực lên đối tác mà còn tác động mạnh đến thị trường tài chính, từ đó gửi thông điệp rằng Mỹ có khả năng định hình xu hướng kinh tế toàn cầu.

Nhưng nó cũng giúp các nhà đầu tư nhận ra rõ ràng hơn về những biến động ngắn hạn trên thị trường - như giá vàng lao dốc hay USD tăng vọt. Đây thường là những phản ứng tức thời trước các tuyên bố của ông Trump. Tuy nhiên, khi ông hoãn hoặc giảm thuế, thị trường thường phục hồi nhanh chóng, đặc biệt là các tài sản rủi ro.

Đây cũng là khoảng thời gian để các nhà đầu tư nhận rõ về các tác động của chính sách. Biến động cũng là cơ hội để tái cơ cấu danh mục đầu tư. 

Mục tiêu cuối cùng không phải là phá vỡ trật tự thương mại toàn cầu, mà là định hình lại nó theo điều kiện có lợi nhất cho nước Mỹ, cuộc chơi mà ông Trump không ngại gây sóng gió để buộc đối thủ phải nhượng bộ.

Nguồn: Vietnamnet