Nâng tầm thương mại, đầu tư Việt – Mỹ: Từ tin tưởng đến những kỳ vọng
Năm 2023 là năm kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam. Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) đặt nhiều kỳ vọng vào việc nâng tầm kim ngạch thương mại và đầu tư giữa hai nước nhờ vào nhiều chính sách ưu đãi, cũng như sự tin tưởng về triển vọng kinh tế của doanh nghiệp hai bên.
Ông nhận định như thế nào về sự phát triển của mối quan hệ thương mại, hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ trong những năm qua?
Những số liệu thống kê nhiều năm qua đã cho thấy, quan hệ thương mại, hợp tác, đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ đã tăng trưởng đều và nhanh trong gần 30 năm qua. Kể từ năm 2021, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ đã tăng khoảng 248 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên gần 113 tỷ USD năm 2021. Bất chấp nhiều khủng hoảng từ dịch bệnh đến kinh tế, năm 2022, kim ngạch song phương tiếp tục vươn lên con số kỷ lục với 123,7 tỷ USD.
Nhờ vậy, Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tám của Mỹ. Nên có thể nói, thị trường Mỹ đóng vai trò cực kỳ quan trọng với nền kinh tế của Việt Nam. Với các doanh nghiệp Việt Nam, xuất khẩu sang Mỹ không chỉ thuần túy giúp thu về ngoại tệ, mà còn giúp các doanh nghiệp học hỏi được rất nhiều về cách thức nâng cao quy chuẩn hàng hóa, áp dụng quy trình sản xuất phải đảm bảo theo chuẩn quốc tế, đội ngũ nhân lực cũng được phát huy năng lực bài bản hơn…
Về triển vọng thương mại, nếu so với các thị trường xuất khẩu chủ lực khác, Việt Nam và Mỹ không có nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA). Hiện hai nước mới thiết lập cơ chế hợp tác thông qua Hiệp định thương mại song phương (BTA) được ký vào năm 2000, Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) vào năm 2007 và việc ký kết thỏa thuận về quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Mỹ vào năm 2013.
Điều đáng tiếc là Mỹ đã rút ra khỏi quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2017. Nhưng hiện nay, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đẩy mạnh đàm phán về sáng kiến Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Mỹ và 14 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy mô hình này không có ưu đãi về thuế quan như các FTA nhưng lại có các cơ chế khuyến khích về thương mại và đầu tư, giúp hai quốc gia có thể tăng cường mối quan hệ hơn nữa.
Hoạt động đầu tư của Mỹ vào Việt Nam hiện nay ra sao, thưa ông?
Hiện Mỹ xếp thứ 11/142 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 1.223 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 11,4 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này chưa nói lên đầy đủ sự thật về bức tranh tổng thể đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam.
Lý do là nhiều doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam lại sử dụng pháp nhân ở nước ngoài, nên có những khoản đầu tư hàng tỷ USD như Intel nhưng lại ghi nhận đến từ Hà Lan. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ là những doanh nghiệp dẫn chuỗi, như Apple hay Dell, tuy không mở nhà máy sản xuất trực tiếp ở Việt Nam nhưng có vai trò quyết định nhà sản xuất trong chuỗi cung ứng cần mở nhà máy ở đâu. Nên dưới yêu cầu của những doanh nghiệp lớn này, các doanh nghiệp cung ứng thực hiện đầu tư cơ sở sản xuất ở Việt Nam, nhưng những khoản đầu tư này không tính cho doanh nghiệp đến từ Mỹ.
Nói câu chuyện như trên để thấy rằng, các doanh nghiệp Mỹ đặt nhiều kỳ vọng và niềm tin vào môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam có nhiều chính sách ưu đãi để thu hút các “đại bàng” hạ cánh, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa đến cả nền kinh tế. Mặc dù có thể sắp tới đây, việc Việt Nam áp dụng theo chính sách thuế tối thiểu toàn cầu có thể làm giảm bớt sự hấp dẫn trong thu hút đầu tư bằng chính sách thuế, nhưng với việc Việt Nam tham gia nhiều FTA thì việc đầu tư sản xuất tại Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu cũng là một lợi thế đầy hấp dẫn.
Xin ông cho biết, những thành tựu nêu trên đã có sự đóng góp và hỗ trợ như thế nào từ phía cơ quan Hải quan của Việt Nam?
Có thể thấy, quy mô thương mại giữa Mỹ và Việt Nam đạt được những con số kỷ lục và dự báo còn tiếp tục tăng mạnh, tăng đều đã chứng tỏ vai trò rất lớn của cơ quan Hải quan trong việc tạo thuận lợi thương mại, hỗ trợ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.
Không chỉ riêng hoạt động thương mại với Mỹ, nhiều năm qua, ngành Hải quan đã rất nỗ lực và liên tục tìm giải pháp nâng cao năng suất, hiện đại hóa trang thiết bị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… để vừa đảm bảo quản lý nhà nước về hàng hóa, tránh thất thu thuế xuất nhập khẩu, chống buôn lậu và gian lận thương mại, vừa góp sức vào việc thúc đẩy hoạt động giao thương giữa doanh nghiệp trong nước và đối tác quốc tế. Vì thế, ngành Hải quan đã có nhiều buổi làm việc với các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước, để lắng nghe, tiếp thu và tháo gỡ khó khăn của các doanh nghiệp trong hoạt động hải quan. Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam cũng đã có nhiều buổi làm việc với cơ quan Hải quan, từ đó hai bên có thể hiểu nhau và cùng giải quyết những vướng mắc còn tồn tại.
Nhưng để công tác liên quan đến hải quan được tốt hơn, ngành Hải quan cần có sự cải thiện về thực thi chính sách, làm sao để có thể đồng đều hơn giữa các cục và chi cục, giúp doanh nghiệp thực hiện thủ tục nhanh chóng hơn. Hơn nữa, doanh nghiệp cũng mong muốn cán bộ hải quan nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp, luôn luôn coi doanh nghiệp là đối tác và khách hàng để phục vụ. Ngoài ra, việc hiện đại hóa trang thiết bị cho ngành Hải quan cần được đẩy mạnh. Hiện Mỹ đang có một số hoạt động hỗ trợ ngành Hải quan về trang thiết bị, tạo thuận lợi thương mại… nên hy vọng sẽ đạt được những kết quả tích cực hơn nữa trong thời gian tới.
Quay trở lại với câu chuyện về thương mại, trong thời gian tới, theo ông, những biến động kinh tế và chính sách bảo hộ thương mại sẽ tác động ra sao tới hoạt động thương mại giữa Mỹ và Việt Nam?
Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc nhiều vào các xu hướng kinh tế, thương mại trên toàn cầu. Những cú “hắt hơi” ở thị trường châu Âu và Mỹ thời gian qua khiến lạm phát gia tăng, nhu cầu tiêu dùng giảm đã tác động mạnh đến doanh nghiệp trong nước, khi đơn hàng đều sụt giảm. Vì thế, Chính phủ Việt Nam đã nêu ra nhiều giải pháp cho doanh nghiệp trong nước như đẩy mạnh thị trường nội địa và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Ngoài ra, để đảm bảo cạnh tranh công bằng, Mỹ cũng tích cực điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nên có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, Mỹ vẫn là quốc gia ủng hộ tự do thương mại, nên trong quá trình này, Mỹ cho phép các nhà xuất khẩu nước ngoài có quyền chứng minh hoạt động của mình là tuân thủ các quy định. Nên các doanh nghiệp Việt Nam phải tích cực tìm hiểu hệ thống pháp luật tại Mỹ từ cấp liên bang, tiểu bang… để xây dựng thành các liên minh với doanh nghiệp Mỹ, đồng thời phải đảm bảo tuân thủ pháp luật, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì sẽ giảm và tránh được những tác động từ chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ.
Từ góc độ các doanh nghiệp Mỹ, xin ông cho biết, các chính sách của Việt Nam cần những cải thiện như thế nào để thúc đẩy hơn nữa thương mại, đầu tư, hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam?
Với xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam luôn là thị trường hấp dẫn. Trong chiến lược củng cố chuỗi cung ứng, Chính phủ Mỹ có đưa ra chính sách là nếu các doanh nghiệp Mỹ không chuyển được hẳn nhà máy sản xuất về Mỹ thì có thể chuyển một phần về những thị trường được Mỹ coi là đồng minh và đối tác, trong đó Việt Nam được coi là đối tác thương mại tin cậy của Mỹ. Vì thế, Chính phủ Việt Nam cần tận dụng cơ hội để đưa ra những điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư, hợp tác từ Mỹ, trong đó nền tảng là việc điều hành kinh tế vĩ mô đủ sức chống chịu và đảm bảo an ninh cho những hoạt động sản xuất trong chuỗi cung ứng của Mỹ tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, để tăng tính hấp dẫn hơn từ thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp Mỹ kiến nghị được tháo gỡ khó khăn trong những vấn đề liên quan đến thuê đất, ưu đãi thuế, thuế tiêu thụ đặc biệt… Khi Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư Mỹ mong muốn Chính phủ Việt Nam đưa ra những thông điệp rõ ràng về chính sách áp dụng cụ thể… Ngoài ra, việc phát triển đồng bộ về cơ sở hạ tầng cũng là nhu cầu thiết yếu của các doanh nghiệp nước ngoài. Việc phát triển nguồn điện, chính sách mua bán điện hay phát triển năng lượng tái tạo… hợp lý cũng là vấn đề các nhà đầu tư Mỹ đang nhìn vào để quyết định đầu tư.
Để phát triển thương mại, hệ thống logistics phải được tiếp tục đầu tư theo hướng đồng bộ và hiện đại hơn nữa. Việt Nam đang đầu tư mạnh vào hệ thống cảng biển và cảng hàng không, nên khi hoàn thiện sẽ kỳ vọng thúc đẩy mạnh hơn kim ngạch xuất nhập khẩu, trong đó có Mỹ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thúc đẩy thương mại, đa dạng hóa thị trường tại Mỹ có thể sử dụng giải pháp từ việc kết nối các hiệp hội, trong đó USABC luôn sẵn sàng đứng ra làm cầu nối giữa các hiệp hội hai nước.
Nguồn: Tạp chí Hải Quan
- VCCI lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
- Đàm phán cấp bộ trưởng về thuế đối ứng với Mỹ tại đảo Jeju, Việt Nam đạt kết quả bước đầu
- Việt Nam đề nghị tiếp cận nhập khẩu, chuyển giao hàng hóa công nghệ cao
- Doanh nghiệp dệt may cần hành động ra sao để hóa giải ‘bóng ma’ thuế quan cao?
- Nông sản Việt rộng đường chính ngạch vào Trung Quốc