Xuất khẩu giảm: Đáng lo hay cơ hội tái cấu trúc?
26/05/2025 295 tháng đầu năm, trị giá xuất khẩu ghi nhận đà suy giảm rõ rệt. Liệu đây chỉ là cú trượt ngắn hạn hay là dấu hiệu của một thời kỳ mới, đòi hỏi sự chuyển mình quyết liệt?
Trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy biến động, xuất khẩu - động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam - đang đối mặt với thử thách chưa từng có. 5 tháng đầu năm 2025, trị giá hàng hóa xuất khẩu ghi nhận đà suy giảm rõ rệt. Nhưng liệu đây chỉ là cú trượt ngắn hạn hay là dấu hiệu của một thời kỳ mới, đòi hỏi sự chuyển mình quyết liệt?
Bức tranh xuất khẩu đang dần phai màu
Những năm trước, xuất khẩu là điểm sáng của kinh tế Việt Nam, với đà tăng trưởng đều đặn bất chấp những biến động toàn cầu. Tuy nhiên, dưới tác động tiêu cực từ tình hình toàn cầu, sau quý I/2025, cán cân thương mại bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu suy giảm .
Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Cục Hải quan công bố ngày 22/5 cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta trong kỳ 1 tháng 5/2025 (từ ngày 1/5 - 15/5) đạt 36,09 tỷ USD, giảm 6,8%, tương ứng giảm 2,64 tỷ USD so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 4/2025. Trong đó, đáng chú ý, tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu trong kỳ 1 tháng 5/2025 đạt 16,88 tỷ USD, giảm 18,3% so với kỳ kế trước, tương ứng giảm 3,77 tỷ USD. Sự suy giảm tới 2 con số là dấu hiệu cho thấy xuất khẩu đang đối mặt với rất nhiều khó khăn phía trước.
Cũng theo thống kê của Cục Hải quan, trị giá xuất khẩu kỳ 1 tháng 5/2025 giảm ở các nhóm hàng chủ lực như máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng giảm 513 triệu USD (giảm 19,7%); hàng dệt may giảm 401 triệu USD (giảm 22,8%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 394 triệu USD (giảm 8,9%)...
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, mức sụt giảm trị giá hàng hóa xuất khẩu không chỉ là con số khô khan, nó phản ánh rõ ràng những lực cản từ bên ngoài như hàng rào thuế quan dày đặc hơn, các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng tinh vi, cùng với đó là sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia đang nổi...Chúng ta đang đi qua một khúc cua gắt của thương mại toàn cầu, nơi sự linh hoạt, bản lĩnh và chiến lược dài hạn của doanh nghiệp sẽ quyết định khả năng sống còn.
Không chỉ do khách quan bên ngoài...
Trao đổi nhanh về câu chuyện này, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, một trong những nguyên nhân chủ đạo khiến xuất khẩu Việt Nam gặp khó là sự gia tăng của thuế quan từ các đối tác lớn. Các chính sách thương mại mới từ Mỹ, một số nước châu Âu và khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã khiến hàng hóa Việt Nam đối mặt với mức thuế cao hơn, làm suy giảm sức cạnh tranh về giá.
Cùng với đó, hàng rào kỹ thuật và quy định kiểm soát chất lượng tại nhiều thị trường nhập khẩu cũng được siết chặt. Từ chứng nhận môi trường, kiểm dịch thực vật đến nguồn gốc nguyên liệu, mỗi chi tiết đều có thể trở thành rào cản nếu doanh nghiệp chưa theo kịp chuẩn mực quốc tế.
Nguồn: VTV