Tin tức

Mỹ sắp “kích hoạt” lại thuế quan: Ai sẽ kịp xoay chuyển?

Chỉ còn hơn một tuần nữa là lệnh tạm hoãn thuế quan của Mỹ hết hiệu lực. Mốc ngày 9/7 càng tới gần, các đối tác thương mại càng phải đối mặt với áp lực lớn hơn khi Washington tuyên bố sẽ không gia hạn thêm thời gian đàm phán.

Chính quyền Mỹ cũng khẳng định: Nếu không đạt được thỏa thuận trước ngày 8/7, Mỹ sẽ tái áp dụng các mức thuế quan cao như đã công bố hồi tháng 4 với mức dao động từ 10 đến 50% tùy từng quốc gia.

Liên minh châu Âu (EU) đang chạy nước rút để đạt được một thỏa thuận thương mại với Mỹ trước khi thời gian hoãn áp thuế đối ứng của chính quyền Mỹ kết thúc vào ngày 9/7 tới. Tuy nhiên, châu Âu giữ lập trường cứng rắn, khẳng định sẽ không đưa các luật kỹ thuật số như Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số và Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số vào bàn đàm phán, bất chấp cảnh báo trả đũa từ Washington.

EU tuyên bố sẵn sàng chấp nhận mức thuế cơ bản 10% cho nhiều mặt hàng xuất sang Mỹ, đổi lại Washington phải nhượng bộ về dược phẩm, rượu, chất bán dẫn và máy bay. Ngoài ra, EU cũng đề nghị miễn trừ hoặc áp hạn ngạch đối với các mặt hàng đang chịu thuế nặng như ô tô, thép và nhôm.

Trong khi đó, Anh đang đàm phán để giảm mức thuế quan 25% đối với thép và nhôm xuất khẩu sang Mỹ. Bộ Thương Mại Anh cho biết mục tiêu là đưa mức thuế đối với các sản phẩm thép cốt lõi về 0%.

Trước đó, nước này đã đạt được một thỏa thuận thương mại với Mỹ hồi giữa tháng 5, giúp giảm thuế nhập khẩu ô tô từ 27,5% xuống 10%, với giới hạn 100.000 xe một năm và thiết bị hàng không vũ trụ của Anh. Một phần của thỏa thuận này đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 29/6.

Còn Canada vừa quyết định hủy bỏ thuế dịch vụ số nhằm vào các công ty công nghệ Mỹ, mở đường cho việc nối lại đàm phán với Washington.

Với Nhật Bản, Tổng thống Trump hôm 30/6 tuyên bố có thể áp thuế mới với Tokyo, do nước này hạn chế nhập khẩu gạo Mỹ. Tuy nhiên, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi hôm 1/7 khẳng định Tokyo sẽ không hy sinh lĩnh vực nông nghiệp trong các cuộc đàm phán với Mỹ.

Nguồn: VTV