Tin tức

Hành trang cần thiết cho doanh nghiệp Việt trong đàm phán thuế quan với Mỹ

Cân bằng giữa việc đưa thông tin để ổn định tâm lý nhà đầu tư, doanh nghiệp nhưng vẫn giữ được vị thế khi đàm phán thuế với Hoa Kỳ.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam nằm trong nhóm sáu quốc gia xuất khẩu lớn nhất vào Mỹ nên nếu phải chịu thuế đối mức ở mức 46% như phía Mỹ công bố, hàng hoá Việt Nam rất khó cạnh tranh với hàng các quốc gia khác khi xuất khẩu vào Hoa Kỳ.

Theo ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, các nhóm ngành hàng chủ lực của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng gồm dệt may, da dày, đồ gỗ, nội thất, đồ điện tử, các sản phẩm nông nghiệp…

“Mặc dù quyết định áp thuế ở mức cao và chưa hợp lý và còn thời gian tạm hoãn 90 ngày nhưng Hoa Kỳ đánh giá đây là quyết định công bằng, không phân biệt đối xử, thể hiện quan điểm xuyên suốt của chính quyền tổng thống đương nhiệm", ông Hưng nói.

"Phía Hoa Kỳ coi thâm hụt thương mại trong thời gian dài không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề khẩn cấp quốc gia, đe dọa an ninh và đời sống người dân Mỹ. Đồng thời đây cũng là một trong những biện pháp để đưa các ngành công nghiệp sản xuất quay trở lại Hoa Kỳ”, ông Hưng phân tích thêm.

Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho đàm phán

Trưởng cơ quan thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ tiết lộ, trên cơ sở chuyến làm việc mới đây của Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc tại Hoa Kỳ, đoàn đàm phán và các bộ ngành đang xây dựng các kịch bản theo chỉ đạo của Thủ tướng, trong đó tập trung các nhóm giải pháp về thuế quan, kiểm soát xuất xứ hàng hóa, giải quyết những vấn đề quan tâm của doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Động thái miễn thuế với một số sản phẩm điện tử, công nghệ cao của Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo ông Hưng, là kết quả của sự vận động chính sách của các tập đoàn lớn ở Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, nước này cũng có nhu cầu nhập khẩu một số mặt hàng như dược phẩm, đồng thời muốn đẩy mạnh xuất khẩu than.

“Các doanh nghiệp của Việt Nam có thể nhân cơ hội này để tăng cường hợp tác, hướng tới cân bằng cán cân thương mại bền vững", ông Hưng khuyến nghị.

Về chiến lược lâu dài, ông Hưng cho rằng Việt Nam cần triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác, thỏa thuận song phương với Hoa Kỳ như Hiệp định khung về Thương mại và đầu tư (TIFA) và Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA).

Bên cạnh đó, cần cụ thể hóa việc tăng nhập khẩu một số sản phẩm thế mạnh của Hoa Kỳ phù hợp với nhu cầu của Việt Nam và thu hút doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào những lĩnh vực, sản phẩm chiến lược mà nước này có lợi thế trong khi Việt Nam có nhu cầu để tăng hàm lượng, tỷ lệ nguồn gốc thành phần Mỹ trong sản phẩm.

Đồng thời, Việt Nam cũng nên kiểm soát hàng hoá xuất khẩu sang Hoa Kỳ để tránh tăng đột biến.

“Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần hết sức thận trọng trong việc xúc tiến, tiến hành đàm phán, đặc biệt là những thông tin truyền thông về chương trình đàm phán”, ông Hưng nói tại sự kiện “Rào cản thuế quan Mỹ: Những gợi mở từ tham tán thương mại” vừa được tổ chức.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán thương mại, thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu đánh giá, chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ, đang tạo ra một làn sóng chấn động mới trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo bà Thúy, trước đây chiến lược phổ biến của các doanh nghiệp là “Trung Quốc + 1”, tức là tìm một điểm đến ngoài Trung Quốc để phân tán rủi ro, thì hiện nay chuyển sang “Trung Quốc + n”, có nghĩa là phải đa dạng hóa, sâu hơn, mạnh hơn. 

Thậm chí, xu hướng "nearshoring", tức là đưa sản xuất về gần các thị trường tiêu dùng như Mỹ, châu Âu sẽ nổi lên.

“Việt Nam được xem là một trong những điểm đến hấp dẫn cho các tập đoàn quốc tế nhờ lợi thế về chi phí lao động cạnh tranh và mạng lưới các hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, lợi thế này đang bị thách thức nghiêm trọng do phụ thuộc vào nguyên vật liệu và linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc”, bà Thúy phân tích.

Để ứng phó với thách thức này, bà Thuý cho rằng Việt Nam cần có chiến lược để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, nâng cấp hệ thống sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu.

“Những thay đổi này không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để các quốc gia, trong đó có Việt Nam tái định hình lại chiến lược phát triển của mình”, bà Thúy nói thêm.

Kiểm soát chặt nguồn gốc xuất xứ hàng hoá

Một vấn đề quan trọng được tham tán Đỗ Ngọc Hưng nhấn mạnh là xuất xứ hàng hoá sẽ được phía Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm trong đàm phán với các đối tác về thuế đối ứng. 

“Các cơ quan, tổ chức cấp C/O phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm, đẩy mạnh phòng chống gian lận xuất xứ. Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ sẽ tiếp tục làm rõ các quy định về chuyển tải hàng hóa với phía cơ quan chức năng của Mỹ để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tuân thủ một cách tốt nhất”, ông Hưng nói.

Với các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ là đối tượng chịu tác động từ chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ nên cần thích ứng, tự lực và có chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp để nâng cao sức chống chịu.

“Doanh nghiệp xuất khẩu nên tập trung khai thác tốt 17 FTA mà Việt Nam đã tham gia cùng các thị trường ngách, đồng thời nâng tỷ lệ hàm lượng đóng góp trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Hưng nói thêm.

Đồng quan điểm, bà Thúy cho biết, thị trường châu Âu cũng đang lo ngại một lượng lớn hàng hóa Trung Quốc sau khi bị chặn đường sang Hoa Kỳ sẽ chuyển hướng vào thị trường này và Việt Nam có nguy cơ trở thành "trạm trung chuyển".

"Do đó, Việt Nam phải kiểm soát chặt chẽ chuỗi cung ứng, bảo đảm tính minh bạch của xuất xứ, đồng thời nâng cao chất lượng và giá trị thực sản phẩm. Chúng ta không thể để uy tín "made in Vietnam" bị hoài nghi bởi hành vi gian lận từ bên ngoài", bà Thúy nhấn mạnh.

Còn với thuế quan của Mỹ, bà Thúy cho rằng đây là thách thức lớn nhưng không phải "điểm kết thúc", bởi các doanh nghiệp xuất khẩu có thể chuyển hướng sang khai thác thị trường châu Âu, đặc biệt là Bắc Âu.

Nguồn: The Leader