Tin tức

Hoa Kỳ tăng thuế với hàng nhập khẩu, doanh nghiệp Việt cần lưu ý gì?

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và việc quốc gia này có thể áp thuế mới lên hàng nhập khẩu gây lo ngại ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu.

TS.Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.

- Thưa ông, vừa qua, Hoa Kỳ đã tuyên bố áp thuế mới lên hàng nhập khẩu từ Canada, Mexico và Trung Quốc, sau đó lại hoãn áp thuế Mexico, Canada. Ông đánh giá như thế nào về động thái này của Hoa Kỳ - đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam?

TS. Lê Quốc Phương: Việc Hoa Kỳ tăng áp thuế với hàng nhập khẩu là điều mà Tổng thống Hoa Kỳ đã đánh tiếng từ trước và sau khi nhậm chức, ông đã quyết định áp thuế với hàng hoá từ một số quốc gia.

Tuy nhiên, động thái của Hoa Kỳ cũng cho thấy, việc sử dụng công cụ thuế quan không chỉ nhằm vào thương mại. Ví dụ như việc áp thuế với Canada và Mexico là nhằm giải quyết vấn đề nhập cư và kiểm soát buôn lậu ma tuý. Do đó, sau khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum cho biết họ đã đồng ý tăng cường các nỗ lực thực thi biên giới để đáp lại yêu cầu của ông Trump về việc trấn áp nhập cư và buôn lậu ma túy, Hoa Kỳ đã quyết định tạm dừng mức thuế 25% trong 30 ngày đối với Canada và Mexico.

- Hiện nay, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Với những động thái mới nhất của Hoa Kỳ, liệu rằng hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp trở ngại tại quốc gia này ra sao, thưa ông?

TS. Lê Quốc Phương: Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2024, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt hơn 132 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt gần 119 tỷ USD, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2023; nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 13 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Hoa Kỳ tại khu vực ASEAN. Ngược lại, Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ hai và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Hoa Kỳ bao gồm giày dép, đồ gỗ nội thất, máy móc và thiết bị quang học... Vị thế đặc biệt của Hoa Kỳ khiến bất cứ động thái chính sách nào của thị trường này cũng được Chính phủ, các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam quan tâm. Tôi nghĩ rằng, Việt Nam cũng cần họp bàn để đề ra các kịch bản ứng phó với chính sách thuế quan mới nếu như hàng Việt Nam có bị áp thuế.

Ở thời điểm này, việc dự đoán Hoa Kỳ có áp thuế với hàng Việt Nam xuất khẩu hay không là khó. Tất cả chúng ta đều mong muốn Hoa Kỳ sẽ không áp thuế với hàng nhập khẩu của Việt Nam. Còn nếu có, với quan điểm của tôi, Hoa Kỳ sẽ không áp thuế với hàng Việt ở mức cao. Bởi hiện nay, quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đang ở giai đoạn rất tốt đẹp. Năm 2023, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã được nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Đây là cơ sở quan trọng cho thấy Hoa Kỳ rất trân trọng mối quan hệ hợp tác với Việt Nam.

- Xuất khẩu được nhận định vẫn là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vĩ mô. Trong bối cảnh hiện nay, ông có khuyến cáo gì với doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ nói riêng và xuất khẩu nói chung?

TS. Lê Quốc Phương: Theo tôi, có thể dần kéo giảm đà xuất siêu sang Hoa Kỳ bằng cách tăng cường nhập khẩu một số mặt hàng phía bạn gợi ý như máy bay, khí hoá lỏng, tạo điều kiện cho Hoa Kỳ đầu tư sân golf tại Việt Nam… Tuy nhiên, các mặt hàng như khí hoá lỏng từ Hoa Kỳ thường có giá khá cao nên Nhà nước cần có sự hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng này.

Về phía doanh nghiệp, cũng cần vạch ra những kịch bản sẵn sàng ứng phó với việc có thể bị áp thuế từ phía Hoa Kỳ. Trong trường hợp bị áp thuế ở mức thấp, cần tiếp tục bám trụ thị trường và thực hiện các giải pháp đầu tư công nghệ, tối ưu hoá chi phí sản xuất nhằm giảm giá thành, nâng cao lợi nhuận.

Doanh nghiệp cũng cần tiếp tục đa dạng hoá thị trường, thực hiện chiến lược “không bỏ trứng vào một giỏ” để tránh những rủi ro có thể có từ phía thị trường nhập khẩu.

Đồng thời, bám sát các thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ và các cơ quan đại diện Việt Nam ở Hoa Kỳ để nắm bắt thông tin, có các đối sách ứng phó kịp thời với sự thay đổi từ phía bạn (nếu có).

Đặc biệt, việc Hoa Kỳ áp thuế cao với các quốc gia lân cận có thể xảy ra tình trạng doanh nghiệp tại các quốc gia đó xuất khẩu hàng hoá sang Việt Nam, gian lận xuất xứ rồi xuất khẩu ngược sang Hoa Kỳ. Trước đây, đã có chuyện này xảy ra và khi bị phát hiện đã ảnh hưởng đến cả ngành xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần nhìn nhận sâu sắc vấn đề lợi ích về lâu dài, tránh tuyệt đối tình trạng cho các đối tác gian lận xuất xứ, "ăn xổi" để ảnh hưởng đến xuất khẩu của cả ngành, quốc gia.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Báo Công Thương

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và việc quốc gia này có thể áp thuế mới lên hàng nhập khẩu gây lo ngại ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu.

TS.Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.

- Thưa ông, vừa qua, Hoa Kỳ đã tuyên bố áp thuế mới lên hàng nhập khẩu từ Canada, Mexico và Trung Quốc, sau đó lại hoãn áp thuế Mexico, Canada. Ông đánh giá như thế nào về động thái này của Hoa Kỳ - đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam?

TS. Lê Quốc Phương: Việc Hoa Kỳ tăng áp thuế với hàng nhập khẩu là điều mà Tổng thống Hoa Kỳ đã đánh tiếng từ trước và sau khi nhậm chức, ông đã quyết định áp thuế với hàng hoá từ một số quốc gia.

Tuy nhiên, động thái của Hoa Kỳ cũng cho thấy, việc sử dụng công cụ thuế quan không chỉ nhằm vào thương mại. Ví dụ như việc áp thuế với Canada và Mexico là nhằm giải quyết vấn đề nhập cư và kiểm soát buôn lậu ma tuý. Do đó, sau khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum cho biết họ đã đồng ý tăng cường các nỗ lực thực thi biên giới để đáp lại yêu cầu của ông Trump về việc trấn áp nhập cư và buôn lậu ma túy, Hoa Kỳ đã quyết định tạm dừng mức thuế 25% trong 30 ngày đối với Canada và Mexico.

- Hiện nay, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Với những động thái mới nhất của Hoa Kỳ, liệu rằng hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp trở ngại tại quốc gia này ra sao, thưa ông?

TS. Lê Quốc Phương: Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2024, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt hơn 132 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt gần 119 tỷ USD, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2023; nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 13 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Hoa Kỳ tại khu vực ASEAN. Ngược lại, Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ hai và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Hoa Kỳ bao gồm giày dép, đồ gỗ nội thất, máy móc và thiết bị quang học... Vị thế đặc biệt của Hoa Kỳ khiến bất cứ động thái chính sách nào của thị trường này cũng được Chính phủ, các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam quan tâm. Tôi nghĩ rằng, Việt Nam cũng cần họp bàn để đề ra các kịch bản ứng phó với chính sách thuế quan mới nếu như hàng Việt Nam có bị áp thuế.

Ở thời điểm này, việc dự đoán Hoa Kỳ có áp thuế với hàng Việt Nam xuất khẩu hay không là khó. Tất cả chúng ta đều mong muốn Hoa Kỳ sẽ không áp thuế với hàng nhập khẩu của Việt Nam. Còn nếu có, với quan điểm của tôi, Hoa Kỳ sẽ không áp thuế với hàng Việt ở mức cao. Bởi hiện nay, quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đang ở giai đoạn rất tốt đẹp. Năm 2023, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã được nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Đây là cơ sở quan trọng cho thấy Hoa Kỳ rất trân trọng mối quan hệ hợp tác với Việt Nam.

- Xuất khẩu được nhận định vẫn là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vĩ mô. Trong bối cảnh hiện nay, ông có khuyến cáo gì với doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ nói riêng và xuất khẩu nói chung?

TS. Lê Quốc Phương: Theo tôi, có thể dần kéo giảm đà xuất siêu sang Hoa Kỳ bằng cách tăng cường nhập khẩu một số mặt hàng phía bạn gợi ý như máy bay, khí hoá lỏng, tạo điều kiện cho Hoa Kỳ đầu tư sân golf tại Việt Nam… Tuy nhiên, các mặt hàng như khí hoá lỏng từ Hoa Kỳ thường có giá khá cao nên Nhà nước cần có sự hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng này.

Về phía doanh nghiệp, cũng cần vạch ra những kịch bản sẵn sàng ứng phó với việc có thể bị áp thuế từ phía Hoa Kỳ. Trong trường hợp bị áp thuế ở mức thấp, cần tiếp tục bám trụ thị trường và thực hiện các giải pháp đầu tư công nghệ, tối ưu hoá chi phí sản xuất nhằm giảm giá thành, nâng cao lợi nhuận.

Doanh nghiệp cũng cần tiếp tục đa dạng hoá thị trường, thực hiện chiến lược “không bỏ trứng vào một giỏ” để tránh những rủi ro có thể có từ phía thị trường nhập khẩu.

Đồng thời, bám sát các thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ và các cơ quan đại diện Việt Nam ở Hoa Kỳ để nắm bắt thông tin, có các đối sách ứng phó kịp thời với sự thay đổi từ phía bạn (nếu có).

Đặc biệt, việc Hoa Kỳ áp thuế cao với các quốc gia lân cận có thể xảy ra tình trạng doanh nghiệp tại các quốc gia đó xuất khẩu hàng hoá sang Việt Nam, gian lận xuất xứ rồi xuất khẩu ngược sang Hoa Kỳ. Trước đây, đã có chuyện này xảy ra và khi bị phát hiện đã ảnh hưởng đến cả ngành xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần nhìn nhận sâu sắc vấn đề lợi ích về lâu dài, tránh tuyệt đối tình trạng cho các đối tác gian lận xuất xứ, "ăn xổi" để ảnh hưởng đến xuất khẩu của cả ngành, quốc gia.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Báo Công Thương