Tin tức

Xuất khẩu chuyển nhanh từ lượng sang chất để tăng trưởng bền vững

Để thúc đẩy tăng trưởng XK bền vững, chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, điều quan trọng là Nhà nước cần có các chính sách khuyến khích, đảm bảo thực thi nhằm đưa XK chuyển mạnh từ tăng về lượng sang tăng về chất, tăng tỷ lệ nội địa hoá, nâng cao giá trị gia tăng…

Suốt thời gian dài, XK của Việt Nam ghi nhận tăng trưởng ấn tượng. Ngay trong 7 tháng năm 2022, XK ước đạt 216,35 tỉ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, không ít ý kiến cho rằng điều đáng lo ngại là XK của Việt Nam thiếu bền vững. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Trước khi cải cách và đổi mới, XK của nước ta rất nhỏ, nhưng từ khi có đổi mới với nhiều chính sách của nhà nước về tự do hoá đối với thương mại và hội nhập quốc tế, XK của Việt Nam đã có những bước nhảy vọt.

Có thể đánh giá Việt Nam là một trong những cường quốc XK của thế giới, với xếp hạng thứ 24 về XK trên thế giới trong số 240 nền kinh tế. Dù trong bối cảnh Covid-19, năm 2021, kim ngạch XK vẫn đạt 336 tỷ USD, là con số rất lớn. XK hiện trở thành động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.

Về tăng trưởng XK, dù trong đại dịch, XK vẫn tăng 2 con số; tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới. Bên cạnh đó, cơ cấu hàng hoá XNK của Việt Nam có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Trước đây, Việt Nam chủ yếu XK nông, lâm, thuỷ sản, nguyên liệu thô. Hiện nay, Việt Nam XK tới 86% là hàng công nghiệp chế biến, chế tạo; chỉ khoảng 14% là khoáng sản và nông, lâm, thuỷ sản. Việt Nam cũng đã trở thành một trong những nước XK hàng đầu thế giới với nhiều sản phẩm như: gạo, cà phê, dệt may, da giày, thuỷ sản, đồ gỗ…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, XK của Việt Nam thực sự chưa bền vững, tăng trưởng chủ yếu về số lượng. Kim ngạch XK tuy cao nhưng giá trị gia tăng rất thấp. So với các nước trong ASEAN như Thái Lan, Singapore, Indonesia, giá trị gia tăng của Việt Nam thấp hơn nhiều. Bên cạnh đó, cơ cấu hàng XK chuyển dịch mạnh mẽ song chủ yếu là hàng công nghiệp chế biến, chế tạo gia công lắp ráp, nguyên liệu thô. Điều này cho thấy, hiện Việt Nam vẫn phụ thuộc rất lớn vào các DN FDI. Các DN trong nước vẫn nhập siêu rất lớn.

Tình kinh tế-chính trị thế giới đang có những diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế Việt Nam. Theo ông, thời gian tới XK của Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức ra sao?

Từ nay đến cuối năm 2022, kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn lớn phải đối diện, trong đó có hoạt động XNK. Thời gian qua, một loạt sự kiện xảy ra khiến nền kinh tế thế giới nói chung gặp nhiều khó khăn. Điển hình có thể kể tới như, cuộc xung đột Nga -Ukraine, chính sách “Zero Covid” tại Trung Quốc… khiến giá cả thế giới, đặc biệt là giá nhiên liệu, xăng dầu, lương thực bị ảnh hưởng và Việt Nam cũng không tránh khỏi vòng ảnh hưởng đó.

Năm 2022, nhiều nước đứng trên bờ suy thoái, lạm phát tại nhiều quốc gia, khu vực cao chưa từng có trong khoảng 30-40 năm trở lại đây. Để chống lạm phát, các nền kinh tế buộc phải tăng lãi suất, dẫn đến nền kinh tế càng suy giảm. Thời gian tới, nhiều khả năng nhiều nền kinh tế sẽ bị suy yếu nặng… Điều này đặt ra thách thức lớn đến chi phí đầu vào như giá nguyên liệu, giá logistics tăng mạnh, ảnh hưởng đến các DN XK.

Thời gian qua, việc ký kết, thực thi hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) được nhìn nhận là động lực quan trọng giúp XK giảm bớt khó khăn trong đại dịch. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, theo ông đâu là những thách thức mà các DN XK phải đối mặt trong quá trình tận dụng các FTA?

Việt Nam là một trong những nước tích cực hàng đầu trong khu vực ASEAN về ký kết các FTA, chỉ sau Singapore. Hiện, Việt Nam có 15 các FTA đang thực thi, trong đó có nhiều FTA đạt chất lượng cao bao trùm nhiều nền kinh tế lớn của thế giới.

Bên cạnh mở ra cơ hội thúc đẩy XK, các FTA cũng đặt ra những thách thức, tạo áp lực cạnh tranh lớn cho các DN cả trên “sân nhà” và trên thế giới, trong khi tiềm lực, năng lực cạnh tranh của DN còn hạn chế. FTA đặt ra nhiều tiêu chuẩn cao về hàng rào kỹ thuật cho các DN. Theo đó, các DN trong nước phải chấp nhận, đáp ứng được các tiêu chuẩn mới có thể tham gia các “sân chơi” này. Cụ thể như, mặt hàng nông sản phải đáp ứng được quy định, yêu cầu về an toàn thực phẩm, hay các quy tắc xuất xứ trong lĩnh vực dệt may. Các sản phẩm dệt may cũng phải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường như phải tái chế, tái sử dụng được…

Bên cạnh đó, các FTA cũng đặt ra những tiêu chuẩn về vấn đề lao động như không có lao động trẻ em, không có lao động cưỡng bức, trong khi đâu đó tại DN Việt Nam vẫn có lao động trẻ em. Tất cả những điều này khiến chi phí của DN tăng lên, đầu tư tăng lên. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để DN vươn lên, trưởng thành, nâng cao được năng lực cạnh tranh với DN nước ngoài. Các DN phải có chiến lược phát triển, biến thách thức thành cơ hội để gia tăng XK.

Xin ông chia sẻ thêm, đâu là giải pháp căn cơ, khả thi giúp hoạt động XK của Việt Nam tăng trưởng bền vững hơn trong thời gian tới?

Thúc đẩy tăng trưởng XK theo hướng bền vững, điều quan trọng là Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, đảm bảo thực thi để XK chuyển mạnh từ tăng về lượng sang tăng về chất, tăng tỷ lệ nội địa hoá, nâng cao giá trị gia tăng.

Muốn vậy, yếu tố đầu tiên là phải phát triển được công nghiệp hỗ trợ nhằm tận dụng tốt ưu đãi của các FTA. Bên cạnh đó, cần nâng cao khả năng cạnh tranh của DN Việt, làm sao để DN vươn lên ngang bằng với các DN FDI trong nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm chi phí, thời gian cho DN, giúp DN tập trung vào sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực.

Về phía DN, cần tận dụng tốt các biện pháp hỗ trợ của nhà nước; có chiến lược phát triển phù hợp khi Việt Nam đang tham gia sâu rộng vào nền kinh tế thế giới; cần đổi mới sáng tạo, hạ giá thành sản phẩm, chuyển đổi số, đổi mới quy trình công nghệ, đổi mới nguồn nhân lực... Nhìn chung, muốn hướng tới XK bền vững, đáp ứng yêu cầu các FTA đề ra, những giải pháp cần thực hiện đồng bộ, song hành cả ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước lẫn cộng đồng DN.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Báo Hải Quan Online