Hoa Kỳ miễn thuế đối với tấm pin năng lượng mặt trời của Việt Nam trong 2 năm: Có gì đáng mong đợi?
Chính phủ Hoa Kỳ gần đây đã đồng ý miễn thuế trong vòng 24 tháng đối với tấm pin năng lượng mặt trời từ bốn nước Đông Nam Á: Việt Nam, Campuchia, Malaysia, và Thái Lan để đáp ứng nhu cầu về năng lượng điện tái tạo. Trang Vietnam Briefing đã nhìn nhận những cơ hội từ việc này và cách thức để ngành sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời của Việt Nam có thể thu được lợi nhuận trong dài hạn.
Vào ngày 6/6/2022, Hoa Kỳ đã công bố về việc miễn thuế đối với tấm pin năng lượng mặt trời từ Việt Nam, Campuchia, Malaysia, và Thái Lan trong vòng 2 năm để đáp ứng nhu cầu tăng chóng mặt về năng lượng mặt trời của Hoa Kỳ.
Chuyển đổi sang năng lượng tái tạo đang là ưu tiên hàng đầu của Hoa Kỳ vì nó giúp nền kinh tế nước này chuyển đổi theo hướng kinh tế xanh và bền vững. Tuy nhiên, sự thiếu hụt năng lực sản xuất nội địa đã dẫn đến việc Hoa Kỳ phải nhập khẩu rất nhiều tấm pin năng lượng mặt trời từ Việt Nam – một đối tác thương mại đáng tin cậy.
Trong khi các chuyên gia đã đoán trước được việc mở rộng tăng thuế đối với các nước châu Á sau khi Hoa Kỳ công bố áp thuế bổ sung đối với tấm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc vào năm 2011, thì việc miễn thuế đối với bốn nước Đông Nam Á lại là điều nằm ngoài dự tính.
Từ đây, ta sẽ phân tích tình hình sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời hiện tại của Việt Nam và cách cung ứng cho thị trường điện của Hoa Kỳ.
Công nghiệp sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời của Việt Nam
Ngành công nghiệp sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời tại Việt Nam đang phát triển, bao gồm cả các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài chuyên về sản xuất tế bào và mô-đun quang điện. Sự canh tranh trong ngành vô cùng khốc liệt khi chỉ có duy nhất 1 công ty Việt Nam, còn lại phần lớn đều là các công ty thuộc sở hữu nước ngoài, trong đó có Trung Quốc và Hoa Kỳ.
First Solar là một công ty có trụ sở tại Hoa Kỳ và là đối tác chủ chốt trong sản xuất tấm pin mặt trời tại Việt Nam, với công suất sản xuất hằng năm lên đến 2,7 GW, vượt xa tất cả những đối thủ khác. First Solar đã cam kết thiết lập mối quan hệ đối tác dài hạn với Việt Nam, và công ty này đã đầu tư tổng cộng 830 triệu đô la Mỹ trong tổng số 1,2 tỷ đô la Mỹ vốn đầu tư cam kết.
Phần lớn những doanh nghiệp khác thuộc sở hữu hoặc được đầu tư bởi các tập đoàn nổi tiếng của Trung Quốc. Cụ thể, cả Trina Solar Vietnam và JA Solar đều lần lượt nhận được 100% vốn đầu tư từ tập đoàn Trina Solar và JA Solar của Trung Quốc. Hiện tại, hai công ty này đang chiếm phần lớn thị phần trong việc cung ứng tấm pin năng lượng mặt trời của Việt Nam.
Chỉ có duy nhất một công ty Việt Nam trong ngành công nghiệp này là IREX - công ty con của SolarBK. Đây là công ty nội địa duy nhất được biết đến về sản xuất tấm pin mặt trời của Việt Nam, với thị phần chỉ chiếm 1%.
Việt Nam đang dần định vị lại mình trong thị trường quốc tế với tư cách là nhà xuất khẩu hàng đầu về pin năng lượng mặt trời, với việc đã xuất khẩu đến hơn 50 quốc gia và chiếm thị phần đáng kể trong chuỗi cung ứng điện của thế giới. Giá trị xuất khẩu pin năng lượng mặt trời của Việt Nam trong năm 2020 được chi tiết tại bảng dưới:
Quốc gia |
Giá trị xuất khẩu (đô la Mỹ) |
Hoa Kỳ |
3,4 triệu |
Canada |
91 triệu |
Liên minh châu Âu (EU) |
57,8 triệu |
Thổ Nhĩ Kỳ |
19,5 triệu |
Vương quốc Anh |
17,2 triệu |
Nhật Bản |
15,6 triệu |
Úc |
1,5 triệu |
Tình hình tiêu thụ và cung cấp điện của Hoa Kỳ
Tình hình tiêu thụ điện của Hoa Kỳ đang ở thời điểm cao nhất trong nhiều năm qua, trong khoảng từ 3800 đến 4000 terawatt/giờ.
Nhu cầu về điện của Hoa Kỳ được đáp ứng bởi sự kết hợp của nhiều nguồn năng lượng, bao gồm than, khí tự nhiên, năng lượng tái tạo, và năng lượng hạt nhân.
Khí tự nhiên vẫn giữ vị trí số một khi là nguồn sản xuất điện chủ lực của Hoa Kỳ, chiếm 40%, trong khi năng lượng tái tạo, than, và năng lượng hạt nhân chỉ chiếm lần lượt 21%, 19%, và 20%.
Việc sử dụng năng lượng tái tạo tại Hoa Kỳ được cho là đang ngày một tăng lên, tăng 9% so với năm 2019, và được dự đoán sẽ tăng 10% trước năm 2025, vượt khí tự nhiên và trở thành nguồn sản xuất điện chủ lực.
Những yếu tố trên cho thấy tiềm năng khổng lồ trong việc xuất khẩu pin năng lượng mặt trời sang Hoa Kỳ khi nước này đang dần tập trung vào năng lượng tái tạo.
Miễn thuế đối với pin năng lượng mặt trời của Việt Nam: Ý nghĩa đối với doanh nghiệp?
Việt Nam là nhà xuất khẩu pin năng lượng mặt trời quan trọng đối với Hoa Kỳ trong nhiều năm trở lại đây, chiếm 3,4 tỷ đô la Mỹ trong tổng giá trị xuất khẩu năm 2020. Hiện nay, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong khi Việt Nam cũng là nước cung cấp hàng hóa nhập khẩu lớn thứ 10 của Hoa Kỳ. Ngành xuất khẩu đứng đầu của Việt Nam là máy móc, thiết bị điện, với giá trị xuất khẩu đạt 27 tỷ đô la Mỹ năm 2020 và 36 tỷ đô la Mỹ năm 2021, bao gồm cả việc xuất khẩu tấm pin quang điện.
Từ dữ liệu Quý 3 năm 2021, giá trị nhập khẩu pin năng lượng mặt trời của Hoa Kỳ giảm mạnh với 27% so với Quý 2, do hậu quả của việc Mỹ áp thuế đối với pin năng lượng mặt trời từ Trung Quốc.
Sự giảm mạnh trong nhập khẩu pin quang điện bắt nguồn từ việc tăng thuế đi kèm với sự gián đoạn chuỗi cung ứng sau đại dịch và nhiều khó khăn trong vận chuyển toàn cầu đã khiến cho nguồn cung pin năng lượng mặt trời của Hoa Kỳ bị thiếu hụt, buộc tổng thống Mỹ Joe Biden phải kêu gọi các biện pháp khẩn cấp bằng cách áp dụng Đạo luật Sản xuất Quốc phòng (Defense Production Act) sau khi các nhóm ngành công nghiệp phàn nàn về các vấn đề chuỗi cung ứng cản trở ngành sản xuất pin năng lượng mặt trời.
Việc miễn thuế đối với pin năng lượng mặt trời của Việt Nam và 3 nước Đông Nam Á khác trở thành động lực đối với các nhà sản xuất pin năng lượng mặt trời của nước này đồng thời sẽ giúp đẩy mạnh việc sản xuất để đáp ứng nhu cầu nội địa về sản xuất pin năng lượng mặt trời.
Việc miễn thuế cho thấy triển vọng đầy hứa hẹn trong việc đầu tư vào sản xuất pin năng lượng mặt trời tại Việt Nam. Việt Nam mang đến nhiều cơ hội lớn trong việc phát triển sản xuất quang điện, với sự gia tăng về số lượng của các vùng kinh tế và các khu công nghiệp, khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn thay thế Trung Quốc. Trong khi đó, việc Mỹ miễn thuế cho mặt hàng này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp trong ngành có thể đạt được lợi nhuận gấp nhiều lần trong khi chi phí không thay đổi.
Tuy nhiên, Cục Phòng vệ Thương mại Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp phải cẩn trọng với khả năng bị Hoa Kỳ điều tra chống lẩn tránh thuế. Hoa Kỳ vẫn đang tiến hành điều tra thêm về việc liệu bốn quốc gia Đông Nam Á có đang lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với các tấm pin mặt trời từ Trung Quốc hay không.
Mặc dù vẫn chưa có bất kỳ tuyên bố chính thức nào từ Hoa Kỳ về sự việc này, các nhà sản xuất và nhà đầu tư được khuyến cáo nên tận dụng việc miễn thuế trong 2 năm này để mở rộng kinh doanh cũng như tìm cách đa dạng hóa thị trường để tránh phụ thuộc vào Hoa Kỳ.
Hơn nữa, các doanh nghiệp nên đảm bảo các sản phẩm của mình tuân thủ đúng hướng dẫn về quy tắc xuất xứ để đủ điều kiện xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Nghĩa là, việc sản xuất các linh kiện và mô-đun cho pin năng lượng mặt trời phải được thực hiện tại Việt Nam để đảm bảo xuất xứ của thành phẩm cuối cùng.
Hết thời gian miễn thuế: Điều gì đáng mong đợi?
Sau khi hết kỳ hạn 24 tháng, mối quan tâm là liệu Hoa Kỳ sẽ dỡ bỏ lệnh miễn thuế hay không. Các chuyên gia đưa ra quan điểm rằng nếu như ngành công nghiệp pin năng lượng mặt trời nội địa của Hoa Kỳ thất bại trong việc mở rộng quy mô, thì việc miễn thuế hoặc giảm thuế sẽ có thể được áp dụng để đáp ứng được nhu cầu về năng lượng tái tạo của quốc gia này.
Tuy nhiên, khi tương lai của năng lượng tái tạo rất hứa hẹn và nhiều quốc gia đang cùng nhau chuyển hướng sang nền kinh tế xanh và bền vững, nhu cầu về pin năng lượng mặt trời có lẽ vẫn sẽ giữ nguyên trong dài hạn. Nếu như Hoa Kỳ không còn hỗ trợ về thuế thì các nhà đầu tư sẽ tìm cách đa dạng hóa thị trường bởi nhu cầu đang ngày càng gia tăng. Hiện tại, Việt Nam đang xuất khẩu pin năng lượng mặt trời đến hơn 50 quốc gia, và danh sách này có thể sẽ còn tăng thêm.
Nguồn: Vietnam Briefing, lược dịch bởi Trung tâm WTO và Hội nhập
- Ông Trump bác tuyên bố của Trung Quốc về việc không có đàm phán thương mại
- Trung Quốc bác bỏ tin đồn đàm phán thương mại với Mỹ
- Ông Trump dọa áp lại thuế đối ứng sau 2-3 tuần nữa
- Doanh nghiệp cần lưu ý gì khi tham gia vào thị trường EU?
- Mỹ đánh giá cuộc điện đàm về thuế quan với Việt Nam là hiệu quả