‘Bắt tay’ thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý nông sản Việt
Việc bảo vệ sở hữu trí tuệ cho nông sản thông qua bảo hộ nhãn hiệu và bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Việt Nam còn không ít hạn chế. Ông Trần Lê Hồng, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) cho biết, thời gian tới Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị liên quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Công Thương để cải thiện vấn đề này, đặc biệt là câu chuyện bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Tính đến thời điểm hiện tại, các sản phẩm nông sản, đặc sản của Việt Nam đã được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý như thế nào tại Việt Nam, thưa ông?
Kể từ khi sản phẩm đầu tiên được đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam là nước mắm Phú Quốc, đến nay đã có 74 sản phẩm được đăng ký chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam.
Việc đăng ký chỉ dẫn địa lý là ở mức độ cao, khó khăn. Các địa phương cũng đã thích nghi với vấn đề này thông qua chuẩn bị đăng ký những nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu tự chứng nhận ở giai đoạn đầu tiên, trước khi làm rõ được tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm xem có thể đăng ký được chỉ dẫn địa lý không.
Hiện nay, với sự hỗ trợ của Chương trình hỗ trợ phát triển sở hữu trí tuệ tại Trung ương và địa phương, Việt Nam có khoảng 2.000 nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu tự chứng nhận cho các sản phẩm nông sản đặc thù.
Đối với thị trường nước ngoài, thông tin khá tích cực gần đây là tháng 3/2021, vải thiều Bắc Giang đã được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về quá trình Cục Sở hữu trí tuệ hỗ trợ tỉnh Bắc Giang đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho mặt hàng này?
Hiện nay, khá ít nông sản Việt được bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài, chỉ có một số sản phẩm đã được bảo hộ như: Cà phê Buôn Ma Thuột bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nga, Thái Lan; quế Văn Yên bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Thái Lan; vải thiều Lục Ngạn bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, nhãn hiệu tập thể tại Australia, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Campuchia; thanh long Bình Thuận bảo hộ nhãn hiệu tại Nhật Bản; chè Thái Nguyên được bảo hộ nhãn hiệu tập thể tại Mỹ, Trung Quốc; chè Mộc Châu được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận tại Thái Lan.
Năm 2017 Việt Nam bắt đầu có các hoạt động hợp tác với Cục Công nghiệp Thực phẩm (Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản). Quá trình kéo dài 4 năm mới có được kết quả vải thiều Bắc Giang được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản vào tháng 3/2021.
Yêu cầu phía Nhật Bản tuy các điều kiện về cơ bản khá tương đồng với Việt Nam nhưng yêu cầu thực tế đối với việc làm hồ sơ, chuẩn bị số liệu cũng như phân tích, đánh giá các sản phẩm yêu cầu bảo hộ chỉ dẫn địa lý lại rất cao.
Điển hình như khi Việt Nam xây dựng những bộ chỉ tiêu liên quan đến đánh giá về điều kiện tự nhiên của vùng trồng vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), đề cập đến các chỉ tiêu của sản phẩm vải thiều liên quan đến tổng lượng đường, tính chất hình thái của quả vải và nhiều vấn đề khác, Nhật Bản đòi hỏi sự phân tích, đánh giá chính xác. Những sự phân tích đó không chỉ dừng lại ở bản thân quả vải thiều Lục Ngạn mà còn phải đánh giá so với những sản phẩm tương tự ở những vùng khác nhau. Việt Nam đã phải đánh giá giữa tính chất, chất lượng đặc thù của quả vải thiều Lục Ngạn với quả vải thiều ở Thanh Hà (Hải Dương)...
Ngoài vải thiều Lục Ngạn, trên khắp cả nước hiện nay có hàng nghìn sản phẩm nông sản đặc thù cần được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Theo ông, đâu là khó khăn lớn nhất để nhân rộng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các mặt hàng này?
Khó khăn điển hình là làm sao chứng minh được tính chất, chất lượng đặc thù của bản thân sản phẩm đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Nội dung này sẽ gắn với yếu tố địa lý tự nhiên liên quan đến độ dốc, lượng mưa, thổ nhưỡng và nhiều yếu tố khác. Một yếu tố khác nữa là về con người liên quan đến kỹ năng, quy trình sản xuất truyền thống đối với các sản phẩm. Vì vậy, quy trình đăng ký chỉ dẫn địa lý phải làm rõ được mối quan hệ của các yếu tố tự nhiên và con người đó gắn với sản phẩm, chỉ rõ được các yếu tố đó tạo nên tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý như thế nào.
Với thị trường nước ngoài, ông có thể phân tích rõ hơn nếu không được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nông sản XK có thể đối mặt với những rủi ro ra sao?
Khi nói đến chỉ dẫn địa lý hay những nhãn hiệu không được đăng ký tại thị trường nước ngoài nói chung, rủi ro quan trọng nhất là không còn thị trường cho những sản phẩm chất lượng cao, những sản phẩm có thương hiệu để có thể thu được giá trị cao nhất.
Ví dụ điển hình là, khi không phát triển được chỉ dẫn địa lý và thương hiệu cho cà phê Buôn Ma Thuột khi đi đăng ký tại Trung Quốc, sản phẩm này chủ yếu được bán dưới hình thức nguyên liệu thô. Có thể nói, sự đồng hành giữa việc đăng ký chỉ dẫn địa lý, thúc đẩy để phát triển các phẩm chất lượng cao là một quá trình không thể tách rời.
Sự nhận thức của Chính phủ cũng như các bộ, ngành trong phát triển các sản phẩm nông sản luôn đi kèm theo cùng với các điều kiện để giúp phát triển thương hiệu...
Đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các loại nông sản đặc thù đã khó nhưng duy trì, phát huy hiệu quả điều đó thậm chí còn khó khăn hơn. Cơ quan quản lý nhà nước đã, đang và sẽ có những chính sách, giải pháp ra sao để hỗ trợ các địa phương, DN, người trồng trong các vấn đề này, thưa ông?
Sự nhận thức của Chính phủ cũng như các bộ, ngành trong phát triển các sản phẩm nông sản luôn đi kèm theo cùng với các điều kiện để giúp phát triển thương hiệu cho các sản phẩm. Một trong những chương trình có bề dày khá lâu là Chương trình phát triển tài sản trí tuệ. Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức, đào tạo, hỗ trợ chuyên môn cho tất cả địa phương trên cả nước trong tiếp cận chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tự chứng nhận, nhãn hiệu tập thể.
Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng phối hợp với các bộ, ngành khác như với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nhằm thúc đẩy đổi mới và chọn lọc những giống cần thiết cho việc phát triển các sản phẩm hay hợp tác với các đơn vị chức năng của Bộ NN&PTNT trong cách thức canh tác, nâng cao chất lượng của các sản phẩm đó. Với Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp trong phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông sản. Đó chính là những chính sách hữu hiệu, cụ thể phát triển các sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương.
Chương trình phát triển tài sản sở hữu trí tuệ đã được Thủ tướng phê duyệt cho giai đoạn 2021-2030. Các vấn đề nêu cũng được đề cập, các đơn vị chức năng từ Trung ương đến địa phương sẽ tiếp tục thúc đẩy trong thời gian tới.
Nguồn: Báo Hải quan
- Ông Trump bác tuyên bố của Trung Quốc về việc không có đàm phán thương mại
- Trung Quốc bác bỏ tin đồn đàm phán thương mại với Mỹ
- Ông Trump dọa áp lại thuế đối ứng sau 2-3 tuần nữa
- Doanh nghiệp cần lưu ý gì khi tham gia vào thị trường EU?
- Mỹ đánh giá cuộc điện đàm về thuế quan với Việt Nam là hiệu quả