Tin tức

EVFTA - Cú hích cho xuất khẩu sau đại dịch Covid-19

Dự kiến Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ được trình Quốc hội thảo luận, biểu quyết phê chuẩn vào những ngày đầu Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Nếu được phê chuẩn, EVFTA sẽ có hiệu lực vào tháng 7 năm nay, được kỳ vọng là “cú hích” cho xuất khẩu những tháng cuối năm sau ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Kỳ vọng tạo đà phục hồi xuất khẩu

Ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, đây là một thông tin rất tích cực với nền kinh tế Việt Nam, nhất là với  doanh nghiệp, cho dù trước mắt đang phải chịu ảnh hưởng bất lợi của dịch Covid-19. Theo ông Thành, EU là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. EVFTA sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế Việt Nam trên mọi khía cạnh: thương mại, đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư chất lượng cao, cải cách thể chế, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh…

TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin thương mại và công nghiệp thuộc Bộ Công Thương cũng đánh giá, EVFTA là động lực tốt để thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới.

Nhìn lại hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong quý I/2020, Bộ Công Thương cho biết, dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc từ cuối tháng 1/2020 đến nay đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động thương mại của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2020 ước đạt 59,1 tỷ USD, chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2019, mức thấp nhất kể từ năm 2003 đến nay (cùng kỳ năm 2019 tăng 5,2%). Hiện xuất khẩu của Việt Nam đang phải đối mặt với việc đứt gãy cầu khi dịch bệnh Covid-19 lan rộng sang các nước châu Âu và Mỹ. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, dệt may, giày dép sang EU trong quý I/2020 giảm 14,9% (cùng kỳ năm 2019 tăng 2,2%); Anh giảm 16,7% (cùng kỳ năm 2019 tăng 4,27%); Mỹ tăng 16,2% (cùng kỳ năm 2019 tăng 28,68%).

Với kết quả này, ông Phương nhận xét, dù mức tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam thấp nhưng vẫn tích cực hơn so với các nước khác, bởi kim ngạch xuất khẩu của nhiều nước trong quý I giảm. Ông Võ Trí Thành thì cho rằng, suy giảm thương mại do dịch bệnh chỉ là tạm thời. “Nhìn về trung và dài hạn, EVFTA được phê chuẩn và đi vào cuộc sống sẽ mang lại nhiều lợi ích, trong đó có xuất khẩu”, ông Thành nói. 

Chuẩn bị tốt để “bật lên”

EVFTA có 17 chương, 2 nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính như: Thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ… Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, đây là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới.

Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Lộ trình xóa bỏ thuế nêu trên là những cơ hội rất lớn. Tuy nhiên, về diễn biến thị trường xuất khẩu thời gian tới, ông Phương cho rằng, rất khó dự báo bởi phụ thuộc hầu hết vào diễn biến dịch bệnh. “Nếu dịch Covid-19 qua nhanh thì sản xuất và xuất khẩu có thể hồi phục trong cuối năm. Ngược lại, nếu dịch vẫn tiếp diễn, cách ly xã hội kéo dài, nhu cầu thị trường nước ngoài vẫn thấp thì rất khó”.

Dẫu vậy, theo ông Phương, điểm tích cực là các nước đều có gói kích cầu để kích thích tiêu dùng nên hy vọng lực cầu sẽ bật mạnh sau khi dịch được khống chế. “EVFTA sẽ là động lực tốt để thúc đẩy xuất khẩu. Để tận dụng cơ hội, doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao chất lượng hàng hoá, năng lực sản xuất để đáp ứng điều kiện xuất khẩu, từ đó tận dụng tốt nhất EVFTA và các hiệp định thương mại khác”.

Ông Võ Trí Thành nhấn mạnh yêu cầu Việt Nam phải có sự chuẩn bị tốt nhất để nắm được các cơ hội Hiệp định mang lại nhằm phục hồi sản xuất kinh doanh, tăng tốc xuất khẩu ngay trong những tháng cuối năm. “Theo kịch bản tích cực, nếu dịch Covid-19 kết thúc vào quý II/2020, những cơ hội mở ra từ EVFTA sẽ được khai thác sớm hơn. Vì vậy, các hoạt động như hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp… đều phải được chuẩn bị thật tốt”, ông Thành lưu ý.

Trong báo cáo kinh tế vừa cập nhật, Ngân hàng Phát triển châu Á nhận định, số lượng lớn các FTA song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia hứa hẹn sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam tăng tốc trở lại.

Nguồn: Báo Đấu Thầu