Tin tức

“Việt Nam cần chuyển dịch nhanh hơn trên chuỗi thang giá trị”

28/07/2010    85

Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Ủy ban châu Âu tại Việt Nam, ông Sean Doyle (ảnh) đã trả lời như vậy khi được hỏi về cơ hội phát triển cho Việt Nam, đặc biệt cho ngành xuất khẩu.

Ông đánh giá thế nào khi Chính phủ Việt Nam đã đưa nền kinh tế đất nước tránh được cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu vừa qua, trong khi hầu hết các nước trên thế giới đều ít nhiều bị ảnh hưởng? 

Chính phủ Việt Nam xứng đáng được khen ngợi cho sự thành công trong năm 2009 và đầu năm 2010. Trong bối cảnh của các khủng hoảng kinh tế và sụt giảm thương mại trên thế giới, tăng trưởng GDP ở Việt Nam vẫn được duy trì và hoạt động xuất khẩu, cho dù bị sụt giảm, vẫn duy trì ở mức cao hơn trung bình trong khu vực do đã có những biện pháp chính sách mạnh dạn. 

Tuy nhiên, những yếu kém của nền kinh tế cũng bộc lộ trong cuộc khủng hoảng và sự cần thiết cho việc tái cơ cấu một cách mau lẹ, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước để có thể tăng trưởng bền vững và gia tăng tính cạnh tranh. Thâm hụt ngân sách quốc gia, sự quay trở lại của lạm phát, và thâm hụt thương mại ngày càng nới rộng là những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong năm 2009 và còn tiếp tục phải giải quyết trong năm 2010.

Ngoài ra, Việt Nam đã lỡ cơ hội tái cơ cấu khu vực công của mình, tiếp tục chứng kiến sự suy giảm của sản xuất, giảm sút xuất khẩu và tạo ra được ít việc làm hơn so với các công ty tư nhân và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2009. Các biện pháp kích thích là cần thiết để duy trì tăng trưởng, tuy vậy chúng đã đi hơi quá đà khi dành ưu đãi cho các doanh nghiệp nhà nước kém sức cạnh tranh và tạo ra áp lực lạm phát cho năm 2010 cũng như thời gian sau đó.

Mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU trong thời gian qua như thế nào, thưa ông? 

Tôi tự hào nói rằng Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục là một trong những đối tác quan trọng mang tính chiến lược của Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, thương mại, kinh tế, chính trị, văn hóa. Báo cáo của các Tham tán Thương mại EU khẳng định, EU vẫn tiếp tục là một đối tác đầu tư và thương mại hàng đầu của Việt Nam trong năm 2009, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của các mặt hàng Việt Nam và là nhà đầu tư lớn thứ hai (vốn FDI thực hiện) bất chấp tình hình kinh tế bất lợi bên ngoài.

EU chờ đợi gì ở Việt Nam? Với EU, Việt Nam có phải là một thị trường có nhân công giá rẻ hay không?

Đối với những mặt hàng gia công giá rẻ như dệt may, Việt Nam có thể sản xuất rẻ thì các nước khác cũng có thể còn làm rẻ hơn, và xu hướng này vẫn còn tiếp tục. Chúng tôi nghĩ Việt Nam nên gia nhập những chuỗi giá trị sản xuất cao hơn, chẳng hạn như lĩnh vực điện tử. Đây là lĩnh vực có thể tăng xuất khẩu, đem lại nhiều lợi nhuận, từ đó lương bổng cho người lao động cũng sẽ được cải thiện. Việt Nam có cơ hội nâng cao mặt bằng trình độ giáo dục đào tạo vì đây là thị trường mang tính phức tạp và đòi hỏi chất xám cao hơn. 

Theo tôi, điều quan trọng nhất là tìm được cách thức bổ sung thêm chuỗi giá trị của chính bản thân mình trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Chẳng hạn, không nên chỉ xuất khẩu hạt café thô. Café sẽ mang lại lợi nhuận lớn hơn rất nhiều nếu như sấy, xay và đóng gói tại đây và quan tâm nhiều đến khâu xuất khẩu. Nếu chỉ chú trọng xuất khẩu hạt café thô thôi thì cũng sẽ có một ai đó, ở một đất nước nào đó sẽ làm những công đoạn còn lại. Và những bước còn lại xem ra đơn giản hơn nhưng lại thu về được nhiều tiền hơn. Điều tương tự cũng sẽ xảy ra đối với các mặt hàng khác như thuỷ sản, thủ công mỹ nghệ…

Tóm lại, cần phải dịch chuyển nhanh hơn trên chuỗi thang giá trị sản phẩm. Đây có lẽ là cơ hội duy nhất cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam nếu muốn tăng trưởng mạnh mẽ.

Trên thực tế Việt Nam phải nhập khẩu rất nhiều các thiết bị máy móc, liệu đây có phải là lý do ảnh hưởng đến thâm hụt thương mại hay do yếu kém trong quản lý kinh tế vĩ mô?

Một nền kinh tế khi phát triển mạnh mẽ thì phải xuất khẩu rất nhiều. Khi xuất khẩu nhiều thì cũng phải nhập khẩu nhiều để có thiết bị vật tư để sản xuất những mặt hàng công nghiệp xuất khẩu. Thời gian vừa qua khi nền kinh tế phát triển và mở rộng nhanh, Việt Nam đã đầu tư và xây dựng nhiều nhà máy như nhà máy điện, cảng hàng không… Tất cả những đầu tư này đòi hỏi phải bỏ ra một số vốn rất lớn, điều này đã ảnh hưởng đến nhập khẩu. Nhưng xét về lâu dài, mức đầu tư này sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho nền kinh tế của Việt Nam. 

Cần phải cải cách như thế nào mới cạnh tranh được với các nước trong khu vực? 

Thực tế, nền kinh tế cần phải có sự điều tiết vĩ mô. Điều này Chính phủ Việt Nam đang làm rất tốt. Việt Nam đang tập trung giải quyết để cơ chế đầu tư ngày càng đơn giản, thu hút được nhiều nhà đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng cơ sở, nâng cao chất lượng giáo dục, mở rộng thị trường ra nước ngoài, cải cách về pháp luật… Việt Nam đã nhận thức được và đang tập trung hơn vào việc triển khai luật. Đây là một việc hết sức quan trọng, có luật mà chưa triển khai thì cũng không ý nghĩa gì cả.

Nguồn: tgvn.com.vn