Tin tức

Phòng vệ thương mại: Có công cụ nhưng chưa sử dụng

28/07/2010    87

Việt Nam hiện vẫn chưa sử dụng hữu hiệu các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước như các nước khác đã làm, mặc dù các công cụ phòng vệ đều đã có. 

Theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các nước thành viên có thể sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại để đối phó với sự ảnh hưởng của hàng hoá từ các nước khác đối với ngành công nghiệp trong nước. Trong nhiều năm qua, đặc biệt trong thời điểm suy thoái kinh tế, biện pháp này được nhiều nước sử dụng khá hữu hiệu, như các nước thuộc Liên minh châu Âu, Mỹ, Ấn Độ…

Tuy nhiên tại Việt Nam, biện pháp này lại chưa được sử dụng dù hàng ngoại nhập đang tràn lan thị trường nội địa, khiến một số ngành sản xuất trong nước điêu đứng, thậm chí chết yểu. Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã trao đổi với ông Vũ Bá Phú, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương về vấn đề này.

Xin ông cho biết về tính cấp thiết của việc sử dụng tạm thời các biện pháp phòng vệ thương mại (gồm áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) trong tình hình hàng nhập đang áp đảo hàng nội tại thị trường Việt Nam hiện nay? 

- Ông Vũ Bá Phú: Các biện pháp khắc phục thương mại (trade remedy measures) là những công cụ được WTO cho phép các nước thành viên sử dụng một cách hợp pháp. Việc xây dựng, ban hành và áp dụng các biện pháp này của các nước thành viên phải tuân thủ các hiệp định về chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ của WTO. 

Trong số 3 biện pháp trên, chống bán phá giá và chống trợ cấp là các công cụ mà các nước sử dụng để chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài (do có hành vi bán dưới giá thông thường hoặc bán hàng hóa có trợ cấp của chính phủ nước xuất khẩu). 

Các biện pháp này thường được áp dụng cho 5 năm và có thể gia hạn tiếp nếu kết luận điều tra cho thấy hàng hóa nước ngoài nhập khẩu tiếp tục được bán phá giá hoặc trợ cấp của chính phủ. Như vậy, đây không phải là những biện pháp tạm thời!

Đối với biện pháp tự vệ, các nước nhập khẩu thường sử dụng trong trường hợp hàng hóa nước ngoài có số lượng hoặc kim ngạch nhập khẩu tăng đột biến trong một khoảng thời gian ngắn dẫn đến nguy cơ gây thiệt hại hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành sản xuất trong nước sản xuất ra sản phẩm cùng loại hoặc tương tự sản phẩm nhập khẩu. 

Như vậy, đây là một biện pháp để bảo vệ sản xuất trong nước một cách tạm thời. Trong trường hợp cấp thiết (có thể áp dụng bằng cách tăng thuế hoặc cấm nhập khẩu ngay từ khi công bố quyết định điều tra, tuy nhiên nếu kết luận điều tra cho thấy không có lý do để áp dụng biện pháp tự vệ thì phải dỡ bỏ các biện pháp này), khi năng lực cạnh tranh của sản phẩm cùng loại sản xuất trong nước thấp hơn của sản phẩm nhập khẩu. 

Thời hạn áp dụng biện pháp này là 4 năm cho lần đầu áp dụng và 6 năm cho lần thứ hai áp dụng đối với nước đang phát triển, đối với nước phát triển thời hạn áp dụng lần hai chỉ là 4 năm. 

Thông thường các nền kinh tế phát triển ít khi sử dụng biện pháp tự vệ do năng lực cạnh tranh hàng hóa của họ cao hơn so với của các đối tác thương mại. Trong những năm gần đây, chúng ta mới chỉ chứng kiến lần đầu Mỹ áp dụng biện pháp tự vệ đối với lốp xe tải của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ năm 2009. 

Trong những năm gần đây, kim ngạch nhập khẩu của nước ta liên tục tăng trưởng nhanh hơn tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu, làm cho thâm hụt cán cân thương mại ngày một lớn. Trong số các mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch lớn, không loại trừ có những mặt hàng được bán phá giá hoặc có trợ cấp của chính phủ nước xuất khẩu. 

Tuy nhiên, để kết luận mặt hàng nào bán phá giá vào Việt Nam hoặc có trợ cấp của chính phủ nước ngoài, biên độ phá giá (mức bán phá giá) và trợ cấp bao nhiêu thì cần có điều tra, nghiên cứu của cơ quan chức năng.

Tại sao đến nay các nhà sản xuất của Việt Nam vẫn chưa sử dụng hiệu quả các biện pháp tự vệ này? 

-Các nhà sản xuất trong nước có thể chưa thực sự hiểu hết lợi ích, tác dụng của các biện pháp khắc phục thương mại. 

Bên cạnh đó, để áp dụng biện pháp chống bán phá giá, trợ cấp hoặc tự vệ, các doanh nghiệp cần chủ động, liên kết nhau đủ để đại diện cho ngành sản xuất theo quy định của luật pháp để đề nghị cơ quan chức năng tiến hành điều tra áp dụng các biện pháp khắc phục thương mại. 

Việc điều tra thường diễn ra trong thời gian khá dài (6-9 tháng) và hiệu quả của các công cụ này không thể “nhìn thấy” ngay lập tức trên thị trường nội địa. Đây không phải là những điểm mạnh của các nhà sản xuất Việt nam. 

Nếu Việt Nam áp dụng biện pháp tự vệ, liệu có gây ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư và các đối tác FTA, hay dẫn đến hành động trả đũa? 

-Xin nhắc lại là các biện pháp khắc phục thương mại là những công cụ chính sách hợp lệ được WTO cho phép các thành viên sử dụng trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc của các hiệp định liên quan của tổ chức này. 

Các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động ở Việt nam là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Việc áp dụng các công cụ chính sách này sẽ góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. 

Hầu hết các đối tác FTA của ta đều là thành viên của WTO, vì vậy, họ phải chấp nhận các nguyên tắc của WTO và chỉ “trả đũa” nếu việc sử dụng các công cụ chính sách này vi phạm các nguyên tắc của WTO. 

Làm thế nào để biện pháp khắc phục thương mại này thực sự giúp ngành sản xuất non trẻ trong nước phát triển chứ không phải ỷ lại và làm giảm tính cạnh tranh? 

-Để các công cụ này thực sự phát huy tác dụng, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của doanh nghiệp chứ không phải là một công cụ để các doanh nghiệp lạm dụng, ỷ lại thì cơ quan chức năng phải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan truyền thông, hiệp hội ngành hàng tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về các công cụ chính sách này.

Qua đó, sẽ giúp các doanh nghiệp hiểu rằng đây là các công cụ chính sách nhằm điều chỉnh luồng thương mại chứ không phải là các công cụ bảo hộ sản xuất trong nước, nắm rõ nguyên tắc áp dụng. Cụ thể, sử dụng công cụ nào, trong trường hợp nào, thời gian bao lâu, thủ tục đề nghị điều tra áp dụng ra sao… 

Xin cảm ơn ông!